Một số điểm mới về chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã

Đáp ứng sự phát triển theo cơ chế tự chủ của khối ngành hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, nhằm kịp thời điều chỉnh để cập nhật, phản ánh đúng bản chất các nghiệp vụ tài chính.

Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, nhằm kịp thời điều chỉnh để cập nhật, phản ánh đúng bản chất các nghiệp vụ tài chính.

Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, nhằm kịp thời điều chỉnh để cập nhật, phản ánh đúng bản chất các nghiệp vụ tài chính.

Không dừng lại ở đó, nhận thấy chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán xã phường không còn phù hợp và cần đổi mới, ngày 3/10/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 70/2019/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã áp dụng từ 1/1/2020. Bài viết cung cấp một số thông tin hữu ích về chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã theo Thông tư mới này

Thông tư số 70/2019/TT-BTC đã đưa ra một loạt thay đổi trong quy định về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, phương pháp hạch toán và báo cáo kế toán, đồng thời đã kế thừa những ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế của các quy định trước đây.

Điểm mới về kế toán ngân sách và tài chính xã

Thông tư số 70/2019/TT-BTC đã điều chỉnh, thay đổi, cải tiến hệ thống chứng từ, tài khoản, phương pháp hạch toán và báo cáo để đơn giản hóa công tác kế toán nhưng vẫn đảm bảo phản ánh đúng bản chất nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh, đảm bảo yêu cầu quản lý và cung cấp thông tin cho các nhà lãnh đạo cũng như các cơ quản quản lý.

Về hệ thống chứng từ kế toán

Chứng từ kế toán là nguồn thông tin đầu vào rất quan trọng trong công tác kế toán nói chung và kế toán ngân sách xã nói riêng. Việc quy định khoa học, chặt chẽ, logic, đầy đủ yếu tố cần thiết bắt buộc và mở rộng các yếu tố bổ sung để các đơn vị chủ động khi sử dụng các chứng từ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác kế toán. Thông tư số 70/2019/TT-BTC đưa ra quy định liên quan đến chứng từ kế toán tương đối ngắn gọn. Thông tư này hướng dẫn 13 biểu mẫu chứng từ nhưng chỉ rõ có 3 loại chứng từ bắt buộc và 10 loại chứng từ hướng dẫn, đồng thời có một số chứng từ mới như: Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng (mẫu C43-X), bảng thanh toán phụ cấp (mẫu C05-X). Riêng đối với các nghiệp vụ chứng từ chưa có chứng từ theo 13 biểu quy định thì các xã tự thiết kế sử dụng trên nguyên tắc đảm bảo tuân thủ tối thiểu 7 nội dung về lập chứng từ quy định tại Điều 16 Luật Kế toán.

Về hệ thống tài khoản kế toán

Hệ thống tài khoản kế toán là công cụ để kế toán hệ thống hóa thông tin từ chứng từ, từ đó đưa ra các thông tin cần thiết và chất lượng trong công tác quản lý tại đơn vị, cũng như cung cấp thông tin cho các đối tượng, cơ quan quản lý cấp trên. Thông tư số 70/2019/TT-BTC quy định hệ thống tài khoản đối với kế toán ngân sách và tài chính xã bao gồm 28 tài khoản cấp 1 (trong đó có 2 tài khoản ngoài bảng), 17 tài khoản cấp 2 và 4 tài khoản cấp 3. Trong đó, các tài khoản loại 1 có 4 tài khoản, loại 2 có 3 tài khoản, loại 3 có 7 tài khoản, loại 4 có 4 tài khoản, loại 7 và 8 mỗi loại có 3 tài khoản, loại 9 có 2 tài khoản.

Như vậy, về cơ bản, Thông tư số 70/2019/TT-BTC khác với các văn bản trước đó ở các điểm như sau: Quy định đối với tài khoản cấp 3 và bổ sung thêm số lượng một số các tài khoản. Cụ thể đó là chi ngân sách chưa được hạch toán vào ngân sách nhà nước (NSNN) (TK 137), thu ngân sách xã chưa hạch toán vào NSNN (TK 337); Các tài khoản loại 7,8,9 được thiết kế ngoài thu/chi sự nghiệp thì các khoản thu/chi được chia làm 2 loại đó là thu/chi ngân sách xã đã hạch toán vào NSNN và thu/ chi ngân sách xã đang trong thời gian chỉnh lý.

Về phương pháp hạch toán các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh

Thông tư số 70/2019/TT-BTC ban hành đầy đủ và hướng dẫn chi tiết nguyên tắc kế toán chung đối với từng nhóm tài khoản. Việc đưa ra nguyên tắc kế toán chung rất quan trọng, bởi sẽ giúp cho người thực hiện công tác kế toán ngân sách và tài chính xã nắm rõ được bản chất của các tài khoản và tổ chức thiết kế thêm hệ thống các TK chi tiết sao cho phù hợp với đặc thù các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại đơn vị mình phụ trách.

Thông tư số 70/2019/TT-BTC hướng dẫn hạch toán tài khoản về cơ bản chia ra 2 nhóm tài khoản đó là nhóm tài khoản sử dụng trong năm tài chính từ 1/1 đến 31/12 và nhóm tài khoản sử dụng trong thời gian chỉnh lý quyết toán (TK 715, 815, 915). Bổ sung thêm việc hướng dẫn hạch toán đối với tài khoản 474 - Kết dư ngân sách xã. Những quy định này cho thấy, việc hướng dẫn công tác kế toán ngân sách và tài chính xã được quan tâm và đồng bộ hóa với quy trình quản lý ngân sách và tài chính của các cấp cao hơn (huyện, tỉnh, thành phố) trên thực tế. So với trước đây việc kết chuyển các khoản thu, chi ngân sách từ năm trước sang năm nay được thực hiện lúng túng trong thời gian chờ chỉnh lý quyết toán số liệu thì hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 70/2019/TT-BTC đã cơ bản giải quyết được thời điểm sử dụng tài khoản để hạch toán phù hợp với công tác quản lý ngân sách hơn.

Thông tư số 70/2019/TT-BTC được thiết kế khá đồng nhất với Thông tư số 107/2017/ TT-BTC về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, vì vậy, đã phản ánh được bản chất các nghiệp vụ tài chính tại xã theo hướng đơn giản hóa, khoa học và dễ hiểu cho nhân viên cũng như các nhà quản lý.

Về hệ thống sổ sách

Hình thức sổ kế toán áp dụng bắt buộc đối với các xã đó là Nhật ký – Sổ Cái và hình thức này có thể được thực hiện thủ công hoặc trên máy tính tùy theo trình độ và năng lực của kế toán viên. Khác biệt với chế độ cũ là trong Thông tư số 70/2019/TT-BTC có quy định bổ sung biểu mẫu của 2 sổ: Thu ngân sách xã trong thời kỳ chỉnh lý và chi ngân sách xã trong thời gian chỉnh lý.

Về hệ thống báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán

Thông tư số 70/2019/TT-BTC chia hệ thống báo cáo cấp xã thành 2 loại đó là: Báo cáo quyết toán và BCTC. BCTC dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động và các luồng tiền của xã. Sau khi kết thúc kỳ kế toán năm, các xã phải khóa sổ và lập BCTC. Thông tin BCTC của xã là thông tin cơ sở để tổng hợp thông tin BCTC nhà nước cho huyện. BCTC phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản của xã tại thời điểm 31/12 hàng năm, kết quả hoạt động và dòng tiền lưu chuyển của xã trong năm. Căn cứ vào BCTC có thể nhận xét, đánh giá khái quát tình hình tài chính của xã.

Báo cáo quyết toán ngân sách xã dùng để tổng hợp tình hình thu, chi ngân sách xã, được trình bày chi tiết theo mục lục NSNN để cung cấp cho HĐND xã, báo cáo phòng tài chính huyện và cơ quan có thẩm quyền khác. UBND xã có trách nhiệm tổ chức, thực hiện công tác quyết toán ngân sách xã theo mục lục NSNN và chế độ kế toán ngân sách xã hiện hành; thực hiện chế độ báo cáo quyết toán theo quy định tại Thông tư số 344/2016/TT-BTC.

Việc lập BCTC và Báo cáo quyết toán phải được căn cứ vào số liệu kế toán sau khi khóa sổ kế toán. BCTC và báo cáo quyết toán phải được lập đúng nguyên tắc, nội dung, phương pháp theo quy định và được trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán, trường hợp BCTC và báo cáo quyết toán trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do. BCTC và Báo cáo quyết toán phải có chữ ký của người lập, phụ trách kế toán xã và Chủ tịch UBND xã. Người ký báo cáo phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo.

Báo cáo quyến toán là các báo cáo được lập nhằm tổng hợp tình hình thu, chi ngân sách xã được trình bày chi tiết theo mục lục NSNN cung cấp cho Hội đồng nhân dân xã, báo cáo phòng tài chính huyện và các cơ quan có thẩm quyền khác. Riêng BCTC là báo cáo được lập nhằm cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động và luồng tiền của xã cho huyện để lập BCTCnhà nước. Đây cũng là điểm khác biệt lớn trong phân loại hệ thống báo cáo theo mục đích cung cấp thông tin.

Thông tư số 70/2019/TT-BTC không quy định chi tiết hệ thống báo cáo quyết toán mà yêu cầu các xã lập các báo cáo này tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 344/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 30/12/2016 và các văn bản sửa đổi thông tư này đi kèm. Nội dung Thông tư số 70/2019/TT-BTC chỉ quy định có một hệ thống BCTC duy nhất được lập vào cuối năm tài chính đồng thời tích hợp các chỉ tiêu báo cáo thành các phần: tình hình tài chính, kết quả hoạt động, lưu chuyển tiền, thuyết minh. Về cơ bản, với phạm vi cấp xã, các chỉ tiêu báo cáo là ngắn gọn và đơn giản, song thể hiện rõ các nội dung tương ứng để cấu thành BCTC nhà nước.

BCTC và báo cáo quyết toán phải được phản ánh một cách trung thực, khách quan về nội dung và giá trị các chỉ tiêu báo cáo. BCTC và báo cáo quyết toán phải trình bày theo biểu mẫu quy định.

Đối với BCTC trình bày theo mẫu B01-X quy định tại Thông tư số 70/2019/TT-BTC về tình hình tài chính, kết quả hoạt động, lưu chuyển tiền và Thuyết minh tình hình tài chính và kết quả hoạt động của xã.

Báo cáo quyết toán trình bày theo mẫu biểu quy định tại Thông tư số 344/2016/TT-BTC.

Một số phương hướng cho sự phát triển kế toán ngân sách và tài chính xã

Thông tư số 70/2019/TT-BTC đã góp phần khắc phục những hạn chế của các quy định trước đó về kế toán ngân sách và tài chính xã, tuy nhiên cùng với sự phát triển của khối xã, phường đòi hỏi tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với về kế toán ngân sách và tài chính xã. Nhằm nâng cao chất lượng kế toán ngân sách và tài chính xã trong thời gian tới, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:

Các xã của Việt Nam rất nhiều, đây là đơn vị sử dụng ngân sách cuối cùng trong hệ thống ngân sách nhà nước, trình độ của cán bộ, công chức tại các xã ở các vùng là không giống nhau. Thông tư số 70/2019/TT-BTC đã quy định rất chi tiết và đầy đủ, song để triển khai hiệu quả trong thực tiễn đòi hỏi trình độ của kế toán xã phải đạt ở mức độ nhất định. Do đó, trong thời gian tới, chính quyền cấp xã cần chú trọng công tác bồi dưỡng và tập huấn cho đội ngũ kế toán cấp xã, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa để nâng cao khả năng triển khai và ứng dụng các quy định tại Thông tư số 70/2019/TT-BTC.

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và đã được ứng dụng rộng rãi trong quản lý công. Các đơn vị xã phường cũng đã và đang được trạng bị đầy đủ để phục vụ công tác quản lý nhanh chóng, hiệu quả. Chính vì vậy, cần bổ sung thêm các quy định và hướng dẫn về khởi tạo, luân chuyển và lưu trữ chứng từ trong trường hợp các xã, phường và thị trấn có đủ điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán, điện tử hóa các biểu mẫu, chứng từ theo đúng quy định; Xây dựng hệ thống quản lý online để mang lại hiệu quả, chất lượng tốt hơn.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 70/2019/TT-BTC ngày 03/10/2019 hướng dẫn về Chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã;
2. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn;
3. Quyết định 94/2005/QĐ-BTC ngày 22/12/2005 của Bộ Tài chính về chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã ban hành;
4. Thông tư 146/TT-BTC ngày 26/10/2011 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ ngân sách và tài chính xã.

ThS. Giang Thị Trang, ThS. Dương Thị Hương Liên - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 Tháng 3/2020

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/mot-so-diem-moi-ve-che-do-ke-toan-ngan-sach-va-tai-chinh-xa-321756.html