Một số danh nhân tuổi Sửu trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Đại anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi trong 'Bình Ngô đại cáo' đã viết về đất nước ta: 'Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có'.

Phùng Hưng sinh năm Tân Sửu 761, quê ở làng Đường Lâm, nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Sinh thời, Phùng Hưng là người khỏe mạnh và dũng lược. Chính ông đã phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa lớn, đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đường, xây dựng nền độc lập tự chủ trong một thời gian khá dài, được nhân dân suy tôn là Bố cái Đại vương. Ông mất năm 802 (41 tuổi).

Cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng đã làm cho triều đình Trung Quốc phải khiếp sợ. Rất nhiều sử sách của Trung Quốc đã chép về sự kiện này. Cựu Đường thư do Lưu Hú soạn từ năm 941 đến năm 945 chép: “Mùa hạ, tháng 4 (lược 1 đoạn) Kỷ Mùi, An Nam thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn phản, tấn công đô hộ phủ. Đô hộ Cao Chính Bình lo lắng mà chết”. Tân Đường thư do Âu Dương Tu soạn từ năm 1044 đến năm 1054 chép: “Tháng 4, An Nam thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn phản. Giết”. Tân Đường thư, Truyện Triệu Xương chép: “Triệu Xương tự là Hồng Tộ, người Thiên Vĩnh. Ban đầu làm liệu thuộc cho Chiêu Nghĩa Lý Thừa Chiêu Tiết độ sứ, dần được thăng làm Kiền châu Thứ sử. An nam tù lão Đỗ Anh Hàn làm phản, Đô hộ Cao Chính Bình lo lắng chuyện đó mà chết. Thăng Triệu Xương làm An Nam Đô hộ. Các bộ lạc Di đều quay về với triều đình, không dám nổi dậy nữa”. Tư trị thông giám do Tư Mã Quang soạn hoàn thành năm 1084 chép: “An Nam Đô hộ Cao Chính Bình đánh thuế nặng. Mùa hạ tháng 4, bọn Quần Man tù trưởng Đỗ Anh Hàn khởi binh vây đô hộ phủ. Chính Bình lo lắng mà chết. Quần Man nghe tin đó đều hàng”.

Tác giả bên rặng duối cổ thụ (được công nhận là cây di sản), tương truyền là nơi đức Phùng Hưng cột ngựa lúc sinh thời

Tác giả bên rặng duối cổ thụ (được công nhận là cây di sản), tương truyền là nơi đức Phùng Hưng cột ngựa lúc sinh thời

* Lê Đại Hành, sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (10/8/941), là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, trị vì từ 980 đến 1005. Lê Đại Hành là ông vua có tài. Dẹp nội loạn, khéo bang giao, giữ thể diện Quốc gia. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng: "Vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự. Tiếc rằng không sớm chọn con nối, khiến cho con cái tranh nhau bên trong, dẫn đến mất ngôi".

* Lý Thường Kiệt, sinh năm Kỷ Sửu (1019) - là quốc tính vua ban. Ông tên thật là Ngô Tuấn, sinh năm Kỷ Sửu, là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, cháu 6 đời của Ngô Quyền, người phường Thái Hòa, thành Thăng Long tức Hà Nội ngày nay. Ông là người có công phá Tống bình Chiêm, được ban “quốc tính”, mang họ vua, phong làm Phụ quốc thái phó, thiên tử nghĩa đệ, phụ quốc thượng tướng quân, tước Khai quốc công, sau thêm tước Thái úy. Tháng 6 năm 1105, ông mất, thọ 87 tuổi. Vua Lý Nhân Tông ban tước Việt quốc công. Ông cũng là tác giả của áng thơ bất hủ: “Nam Quốc Sơn Hà” - được coi như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

Sử gia đời Nguyễn Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, quyển IX, có nhận xét về vị trí của Lý Thường Kiệt so với các nhà chính trị, quân sự khác của Đại Việt thời Lý: “Danh tướng triều Lý chỉ có Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt là hơn cả. Công dẹp nạn, mở mang bờ cõi của hai người rõ rệt đáng ghi, không hổ là bậc tướng có tiếng và tài giỏi. Còn như Đào Cam Mộc giúp vua lên ngôi, Tông Đản đánh giặc, dẫu có công lao một thời, nhưng mưu lược không rõ rệt; công việc trong lúc làm quan không thấy gì cho nên không chép”.

* Trần Quang Khải sinh năm Tân Sửu 1241. Ông là con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông; là nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ lớn của dân tộc. Dưới triều Trần Thánh Tông (1258 - 1278), Trần Quang Khải được phong tước Chiêu minh Đại vương, từng được cử làm Thượng tướng Thái sư, đứng đầu triều đình. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), Trần Quang Khải là vị tướng chủ chốt thứ hai sau Trần Quốc Tuấn có nhiều công lao lớn trên chiến trường. Ông còn là một nhà thơ với tâm hồn thơ khoáng đạt, gần gũi, gắn bó với cuộc sống bình dị nhưng hào hùng của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bài “Tụng giá hoàn kinh sư” được viết sau chiến thắng Chương Dương độ vào tháng 6/1285 - chiến thắng được coi là lớn nhất lúc bấy giờ:

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu” (Trần Trọng Kim dịch).

Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn là anh em họ của nhau. Chính họ đã gạt bỏ thù riêng để cùng chung lo việc chống giặc Nguyên xâm lược cứu nước. Câu chuyện Trần Hưng Đạo tắm cho Trần Quang Khải đã trở thành một câu chuyện đẹp sống mãi với thời gian bởi những bậc lương đống của triều đình đã biết gạt bỏ tình riêng và đặt lợi ích quốc gia dân tộc cao hơn hết thảy.

* Trần Nguyên Đán sinh năm Ất Sửu 1325, là danh sĩ nổi tiếng đời Trần, hiệu là Băng Hồ, ông là chắt nội của Trần Quang Khải và là ông ngoại của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Đời Trần Dụ Tông (1341-1369), ông được bổ làm Ngự sử đại phu; đời Nghệ Tông lên chức Tư đồ, tước Chương Túc hầu. Ông sống vào lúc triều Trần vào buổi suy vi nên mang trong mình rất nhiều tâm sự. Những tâm sự này được ông đưa vào thơ văn của mình. Đó là lòng thương dân, là cảm giác thấy mình bất lực nên trở thành vô dụng. Năm Ất Sửu (1385) ông về Côn Sơn ở ẩn và mất sau đó 5 năm, vào năm 1390, thọ 65 tuổi. Ông là “cây cột chống trời” cuối cùng của nhà Trần, nên khi ông mất đi triều đình ngày càng nghiêng đổ và chỉ chưa đầy 10 năm sau nhà Trần đã bị Hồ Quý Ly cướp ngôi. Tác phẩm của ông đã mất mát phần lớn, hiện chỉ còn 51 bài thơ chép trong "Trích diễn thi tập", "Toàn Việt thi lục".

* Lê Lợi sinh năm Ất Sửu 1385, kém Trần Nguyên Đán đúng một vòng hoa giáp. Lê Lợi quê tại Lam Sơn (Kẻ Cham), nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lê Lợi là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh, là anh hùng giải phóng dân tộc và là người sáng lập vương triều nhà Lê, mở ra thời kỳ thịnh trị lâu dài trong lịch sử dân tộc. Sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua với hiệu là Lê Thái Tổ, ở ngôi 5 năm và cũng mất vào năm Sửu (1433), an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Tượng đài anh hùng dân tộc Lê Lợi tại Thanh Hóa

* Ngô Thị Ngọc Dao, sinh năm Tân Sửu 1421 tại Yên Định - Thanh Hóa, là con gái của cụ Ngô Từ, khai quốc công thần của vua Lê Thái Tổ và sau này được phong là Thái Bảo. Bà được vua Lê Thái Tông phong là Tiệp Dư. Năm 1442 bà sinh Hoàng tử Lê Tư Thành (sau này là vua Lê Thánh Tông). Bà là người am hiểu văn chương, đạo lý. Vua Lê Thánh Tông được lịch sử ca ngợi là vị vua anh minh, tài đức bậc nhất của lịch sử dân tộc, trong đó có công lao dạy dỗ to lớn của bà. Bà cũng chính là người cùng vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi và cho sưu tầm trước tác của Nguyễn Trãi để lại cho đời sau. Bà mất năm 1496 thọ 75 tuổi. Lê Thánh Tông đau buồn, truy tôn bà làm Quang Thục hoàng thái hậu.

* Đặng Đình Tướng, sinh năm Kỷ Sửu 1649, quê Chương Đức, nay là Chương Mỹ, Hà Nội. Thuở nhỏ Đặng Đình Tướng học hành rất thông minh. Ông đỗ đầu kỳ thi Hương năm 20 tuổi. Năm sau, ông thi Hội đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670). Năm 1697 được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh. Sau khi đi sứ về ông được thăng chức Bồi tụng (đứng đầu hàng quan văn), sau đó thấy ông có tài thao lược, triều đình cử ông sang hàng quan võ với chức Thái phó (đứng đầu hàng quan võ); về sau ông được phong tước Ưng Quận Công. Ông là một vị quan tài ba và đức độ. Sau khi về nghỉ được tôn lên hàng Quốc lão, mất năm 1736, thọ 87 tuổi. Sử gia Phan Huy Chú nhận định về ông như sau: “Ông tuổi trẻ làm quan, lên đến ngôi cao quý vẻ vang. Trong khoảng gần 70 năm là một bậc kỳ cựu trải qua mấy triều, công danh phẩm giá hơn cả các quan. Người đương thời gọi ông là Tiên quốc lão”. Đại Việt sử ký toàn thư, phần Bản kỷ tục biên (1676 - 1740) đánh giá ông “Đình Tướng là người giản dị, rộng rãi, ôn hòa, nên dân được yên”.

* Tự Đức sinh năm Kỷ Sửu 1829, chính tên là Nguyễn Hồng Nhậm, húy là Thì, là con thứ hai của vua Thiệu Trị và mẹ là Phạm Thị Hằng (Từ Dụ Hoàng Thái Hậu. Đức Từ Dụ (sau gọi và viết sai thành Từ Dũ) là con gái thượng thư Phạm Dăng Hưng người Gia Định xưa, nay thuộc Tiền Giang. Nguyễn Phúc Hồng Nhậm lên ngôi vua năm 1847 lấy niên hiệu là Tự Đức. Ngài lên ngôi giữa lúc nước nhà đang đứng trước âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Tự Đức có lỗi trong việc để Pháp chiếm mất Nam Kỳ nhưng bản nhà vua là người uyên bác, cần kiệm, chăm chỉ trong chức vụ và có nhiều đóng góp cho nền văn hóa nước nhà. Đặc biệt Tự Đức là người con rất có hiếu. Tự Đức ở ngôi Hoàng đế 36 năm và băng hà ngày 16/6 năm Quý Mùi (1883) giữa cảnh đất nước ngổn ngang trăm mối, miếu hiệu là Dực Tôn anh Hoàng đế.

Chân dung thông dụng của vua Tự Đức

* Nguyễn Văn Tố sinh năm Kỷ Sửu 1889, quê Hà Đông - Hà Nội, là học giả nổi tiếng. Nguyễn Văn Tố (1889-1947), bút hiệu Ứng Hòe, quê ở Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Cụ Nguyễn Văn Tố là người thông thạo cả Hán Văn và Pháp văn. Sau khi đỗ bằng Thành chung (Trung học) tại Pháp cụ về nước và làm tại trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội. Có thời kỳ cụ đảm nhiệm nhiệm vụ là Hội trưởng hội Trí Tri, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ trước năm 1945 do Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương thành lập. Là một nhà khoa học, nhà giáo dục nhưng Nguyễn Văn Tố còn là một nhà báo. Cụ thường viết bài cho các báo và tạp chí thời đó như Trí Tân, Đông Thanh, Thanh Nghị và các báo về tiếng Pháp. Nguyễn Văn Tố không những là thành viên rất sớm của phong trào khai sáng dân tộc Việt đầu thế kỷ XX – phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Nguyễn Văn Tố là nhà sử học đã biên soạn 2 bộ sử học đồ sộ “Đại Nam dật sử” và “Sử ta so với sử Tàu”. Rất nhiều các trí thức cả người Việt và người Pháp khi ấy đều rất kính nể cụ và thường xuyên nhờ cụ sửa bài.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Nguyễn Văn Tố đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ cách mạng lâm thời. Trong cuộc tổng tuyển cử Quốc hội khóa I ngày 6-01-1946, cụ Nguyễn Văn Tố được quốc dân bầu làm đại biểu Quốc hội. Trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I ngày 2-3-1946, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bầu cụ làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tức Chủ tịch Quốc hội). Cụ giữ nhiệm vụ này đến ngày 8 tháng 11 năm 1946 và chuyển giao cho cụ Bùi Bằng Đoàn. Trước đó, ngày 3-11-1946, cụ đã nhận nhiệm vụ mới là Bộ trưởng không Bộ trong Chính phủ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Cụ cùng Chính phủ lên Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân. Ngày 7-10-1947, giặc Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Kạn với mưu đồ bắt toàn bộ chính phủ Việt Nam. Trong đợt càn quét này của quân Pháp, cụ Nguyễn Văn Tố đã bị giặc bắt. Khi mới bắt được Nguyễn Văn Tố, giặc Pháp tưởng bắt được Cụ Hồ. Cụ đã dùng tiếng Pháp để thuyết phục quân Pháp chấm dứt chiến tranh. Sau khi tra tấn cụ dã man, giặc Pháp đã giết cụ.

Chính phủ VNDCCH năm 1946, hàng đầu, từ trái sáng phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh tư liệu.

* Trần Huy Liệu sinh năm Tân Sửu 1901, quê Vụ Bản, Nam Định. Ông là nhà báo, nhà văn, nhà sử học, nhà hoạt động chính trị xuất sắc, là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng nhưng sau này ly khai tổ chức này và gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là người sáng lập ra Cường học thư xã ở Sài Gòn (1928), chuyên xuất bản sách và cổ vũ tinh thần yêu nước. Từng bị thực dân Pháp bắt và đưa đi đày ở Côn Đảo, Sơn La. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được bầu là Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng. Sau đó ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ Lâm thời. Cuối tháng 8/1945, ông cùng Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Sau này ông chuyên tâm nghiên cứu khoa học lịch sử, làm Viện trưởng Viện Sử học và qua đời năm 1969. Ông được Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) mời làm viện sĩ. Năm 1996, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về văn học nghệ thuật.

Bản Quân lệnh Khởi nghĩa số 1 do Trần Huy Liệu soạn thảo năm 1945 (ảnh TLBTLSQG).

* Phùng Chí Kiên sinh năm Tân Sửu 1901, quê Diễn Châu, Nghệ An, từng theo học các lớp huấn luyện cán bộ tại Quảng Châu do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở; học viên trường võ bị Hoàng phố. Năm 1931, ông vào học đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mascova, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương (1941). Hoạt động thường xuyên tại Hồng Kông, Côn Minh (Trung Quốc) và Cao Bằng. Ông là người chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn- Võ Nhai, bị thực dân Pháp bắt và xử tử bằng cách chặt đầu năm 1941. Ông là người học trò gần gũi và thân thiết của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, là một cán bộ tiền bối của Đảng và là nhà quân sự có tài./.

Vũ Trung Kiên (tổng hợp)

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/mot-so-danh-nhan-tuoi-suu-trong-lich-su-dan-toc-viet-nam-17957/