Một số cán bộ, công chức yếu kém, khắc phục được không?

Gửi câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sáng 17/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho biết, hiện nay cử tri và đại biểu Quốc hội rất bức xúc trước tinh thần, thái độ thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức yếu kém. Bên cạnh đó, kỷ luật lại chưa nghiêm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu dẫn chứng, theo quy định tại Điều 73, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chậm nhất 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, hồ sơ dự án, dự thảo Luật trình Quốc hội phải gửi đến các đại biểu Quốc hội. Nhưng tại kỳ họp thứ 2 lần này, một số bộ, ngành chủ quản chủ trì soạn thảo gửi tài liệu rất chậm, trừ một số dự án mới phát sinh do Quốc hội chấp nhận.

Trong đó cá biệt có dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo do Bộ Nội vụ chủ trì, sáng thảo luận thì tối hôm trước mới nhận được dự thảo - vị đại biểu phán ánh, tình trạng này được cho biết đã tồn tại từ nhiều nhiệm kỳ trước.

"Với tư cách là Bộ trưởng, đồng chí cho biết chúng ta có khắc phục được tình trạng này không? Và đồng chí có giải pháp gì để chúng ta chấn chỉnh tình trạng này?", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chất vấn.

Sáng nay (17/11), đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Ban tổ chức Trung ương đang chủ trì xây dựng quy trình đánh giá công chức, viên chức. Thừa nhận thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đưa ra cam kết thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức trung ương hoàn thiện quy định, xử lý nghiêm khắc vi phạm trong lĩnh vực này (nếu có) ở các bộ ngành, địa phương.

Để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành các chỉ thị, chương trình hành động cụ thể; tiến hành nhiều cuộc thanh tra liên quan tới chất lượng đội ngũ này tại các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Bộ chú trọng giải pháp về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu với thực thi công vụ.

Theo đó, cán bộ, công chức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng; kiên quyết loại bỏ cán bộ yếu kém đi liền với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát kỷ luật hành chính; sàng lọc cán bộ yếu năng lực, tín nhiệm thấp không chờ tới hết nhiệm kỳ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, địa phương.

Giải trình với các đại biểu Quốc hội về tiến trình tinh giản biên chế chậm trễ, người đứng đầu Bộ Nội vụ thừa nhận, mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định tuy nhiên việc này chưa đạt yêu cầu, do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, biên chế trong ngành giáo dục tăng khi mở thêm trường, lớp... Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng chủ trương về đẩy mạnh tinh giản biên chế.

Hiện Bộ đang nghiên cứu sửa đổi một số quy định để các bộ ngành, địa phương có cơ sở thực hiện theo hướng xây dựng bộ máy tinh gọn, giảm cấp trung gian; đẩy mạnh tinh giản biên chế, kết quả thực hiện tinh giản biên chế được coi là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cơ quan; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập....

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng thừa nhận cơ chế chính sách tiền lương còn nhiều bất hợp lý, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên khó bố trí đủ nguồn tài chính để thực hiện cải cách tiền lương... Hiện Bộ đang xây dựng các quy định, để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian sắp tới./.

Dương Gim

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201611/mot-so-can-bo-cong-chuc-yeu-kem-khac-phuc-duoc-khong-2755965/