Một số cán bộ có con được nâng điểm giải thích như...đùa

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhấn mạnh tại phiên thảo luận nghị trường sáng 4/11.

Đề cập tới đường dây gian lận thi cử tại Hà Giang và một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình, ông Cương cho rằng xảy ra sự việc nghiêm trọng trên là do công tác quản lý bị buông lỏng.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: VTC

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: VTC

Ông Cương đề nghị phải có biện pháp xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

“Vụ gian lận thi cử năm 2018, nhiều đại biểu đã nói rồi.

Một số đại biểu cho rằng, việc này đã quen mui rồi, khả năng những năm trước cũng vậy nhưng không bị phát hiện ra mà thôi”, ông Cương nói.

Theo đại biểu, nhận định như thế là chưa có cơ sở chắc chắn, nhưng trong kỳ thi năm 2018, các đối tượng thực hiện một cách chuyên nghiệp, nhuần nhuyễn thì hoàn toàn có cơ sở để kiến nghị mở rộng điều tra ra các kỳ thi trước nữa.

Ông Cương cũng nói thêm, vấn đề xử lý vụ án thời gian qua còn có dấu hiệu né trách nhiệm khá rõ.

"Tôi cho rằng các cơ quan điều tra xét xử có thể sẽ bỏ lọt tội phạm khi mà chấp nhận lời giải thích như đùa của một số lãnh đạo có con được nâng điểm và đưa người thân ra chịu tội thay.

Bản thân họ như vô can, trong sạch, tiếp tục trên con đường tiến thân", ông Cương nói.

Từ nhận định trên, ông Cương đề nghị các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội.

Theo vị đại biểu, Luật xử phạt vi phạm hành chính hiện nay có cơ chế rõ ràng và xác đáng. Theo đó, trong khung hình phạt, Luật quy định phạt hành chính 1 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm và 2 tỷ đồng đối với tập thể vi phạm. Các cơ chế này cần được nhanh chóng áp dụng để xử lý các trường hợp cá nhân hay tập thể vi phạm công tác quản lý trong ngành giáo dục.

Trước đó, ngày 25/10, TAND tỉnh Hà Giang đã tuyên án 5 bị cáo trong vụ gian lận thi cử ở tỉnh này.

Gian lận điểm Hà Giang: Kết luận sốc

Theo đó, hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Thanh Hoài (nguyên trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT) 8 năm tù; Vũ Trọng Lương (nguyên phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT) 7 năm tù; Triệu Thị Chính (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT) 2 năm tù. Cả ba bị cáo bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý trong ngành giáo dục 1 năm.

Bị cáo Lê Thị Dung (nguyên phó đội trưởng đội giáo dục Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh) bị tuyên phạt 2 năm tù và Phạm Văn Khuông (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT) bị phạt 1 năm tù cho hưởng án treo.

Bản án được nhận định là quá nhẹ, nhiều ý kiến kiến nghị phải xem xét xử lý trách nhiệm cao hơn.

Thái An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/mot-so-can-bo-co-con-duoc-nang-diem-giai-thich-nhudua-3390780/