Một số bộ trưởng ASEAN quan ngại về các sự cố nghiêm trọng ở Biển Đông

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa ra tuyên bố chung tối 10/9, khẳng định Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển là cơ sở xử lý các vấn đề ở Biển Đông cũng như đàm phán COC.

Tuyên bố chung cho biết trong cuộc thảo luận về tình hình ở Biển Đông, một số bộ trưởng của các nước ASEAN đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo đất và các sự cố nghiêm trọng tại khu vực này. Các hoạt động đó đã làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng và gây hại cho hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

“Vấn đề Biển Đông cũng được đề cập rất thích đáng trong (tuyên bố chung) này”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nói với các phóng viên.

“Về cơ bản, ASEAN khẳng định lại các quan điểm của mình, cũng như cập nhật về tình hình ở khu vực cũng như ở Biển Đông, đồng thời có những sự khẳng định về giá trị của UNCLOS (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển) làm cơ sở để các bên giải quyết các vấn đề tranh chấp cũng như tiến hành dự thảo COC (Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông)", ông nói.

Trước đó, tại một phiên họp tối 9/9, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết đàm phán COC, vốn bị hoãn lại vì dịch Covid-19, sẽ “nối lại theo hình thức trực tiếp, muộn nhất là tháng 11”.

Trả lời câu hỏi của Zing về phát biểu trên, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết cũng hy vọng đám phán nối lại vào tháng 11.

“Chúng tôi mong muốn có thể họp được sớm nhất. Do Philippines là nước điều phối quan hệ (ASEAN - Trung Quốc) và đang đứng ra chủ trì đàm phán COC, việc này phụ thuộc vào nước điều phối”, ông Dũng giải thích thêm.

“Chúng tôi cũng mong Philippines sẽ chủ động tạo ra được các điều kiện để các nước có thể gặp nhau. Nếu Philippines nói là tháng 11, tôi cũng hy vọng là tháng 11”.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trả lời báo chí. Ảnh: Phương Anh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trả lời báo chí. Ảnh: Phương Anh.

Hôm 7/9, tại họp báo trước hội nghị, ông Dũng cho biết đàm phán COC bị đình trệ vì tính chất khó bàn bạc trực tuyến.

“COC vẫn là ưu tiên của ASEAN. Do vấn đề dịch bệnh, đàm phán COC bị đình trệ trong thời gian khá dài, các bên đều sốt ruột, nhưng với tính chất của COC nên khó để làm (đàm phán) trực tuyến”, ông giải thích. “Nếu gặp thì bàn gì? Như các bạn biết là có ít nhất ba lần đọc, tức là đọc từ đầu tới cuối văn bản dự thảo, chúng ta đã xong một lần, nên lần tới họp sẽ là lần đọc thứ hai”.

Tuyên bố chung cũng ghi nhận sáng kiến do Việt Nam đề xuất cho ASEAN, trong đó có lập quỹ ứng phó Covid-19, lập kho dự phòng thiết bị y tế và xây dựng kế hoạch phục hồi tổng thể.

“Đến giờ chúng ta đã có vài triệu USD trong (quỹ ứng phó Covid-19) và các nước khác vẫn đang tiếp tục đóng góp, vừa rồi chúng tôi cũng nhận được nhiều đề nghị”, ông Dũng trả lời câu hỏi của Zing về số tiền trong quỹ.

“Quỹ đã đi vào hoạt động, các nước đã đóng góp tiền vào quỹ. Đồng thời, Ban Thư ký ASEAN cũng đang xây dựng các quy chuẩn hướng dẫn, các điều kiện và bước đi để sử dụng quỹ”, ông nói thêm.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 cùng các hội nghị liên quan với các đối tác diễn ra trong các ngày 9-12/9, theo hình thức trực tuyến.

Là Chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam là nước đưa ra dự thảo tuyên bố chung. Việc đàm phán về dự thảo “kéo dài trong hơn một tuần”, theo Thứ trưởng Dũng.

“Quan trọng nhất là ghi nhận kết quả công tác của ASEAN trong thời gian qua, ghi nhận các sáng kiến đề xuất của Việt Nam, thể hiện quan điểm của ASEAN về các vấn đề khu vực và thế giới”, ông nói.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-so-bo-truong-asean-quan-ngai-ve-cac-su-co-nghiem-trong-o-bien-dong-post1129933.html