Một số bất cập về việc thực hiện phiếu kiểm sát biên bản phiên tòa hình sự

Biên bản phiên tòa là một trong những cơ sở để khẳng định hoạt động tố tụng tại phiên tòa có bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật hay không. Do đó, Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTHS) đã quy định rất rõ về thời điểm kết thúc ghi biên bản phiên tòa, nội dung biên bản phiên tòa, quyền của Kiểm sát viên, bị cáo, bị hại, đương sự được xem biên bản phiên tòa.

Cụ thể, khoản 4 Điều 258 BLTTHS đã quy định “Sau khi Chủ tọa phiên tòa và Thư ký Tòa án ký vào biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó được xem biên bản phiên tòa”. Trong trường hợp “nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì Thư ký Tòa án phải ghi sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản phiên tòa. Không được tẩy xóa, sửa chữa trực tiếp mà phải ghi sửa đổi, bổ sung tiếp vào cuối biên bản phiên tòa và cùng Chủ tọa phiên tòa ký xác nhận; nếu Chủ tọa phiên tòa không chấp nhận yêu cầu thì phải nêu rõ lý do và ghi vào biên bản phiên tòa”.

Thực tiễn xét xử cho thấy còn có khó khăn trong thực hiện phiếu kiểm sát biên bản phiên tòa hình sự. Ảnh minh họa

Thực tiễn xét xử cho thấy còn có khó khăn trong thực hiện phiếu kiểm sát biên bản phiên tòa hình sự. Ảnh minh họa

Viện kiểm sát ngoài chức năng thực hành quyền công tố còn có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong tố tụng hình sự, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể để thực hiện hai chức năng này của Viện kiểm sát thể hiện rất đặc biệt. Do đó, VKSND tối cao đã ban hành Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2007 của VKSND tối cao), quy định: “Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm tra biên bản phiên tòa”. Tuy nhiên, quy định trên cũng chỉ dừng lại ở quyền của Kiểm sát viên được xem biên bản phiên tòa nên chưa có cơ chế quy định rõ ràng về trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm quyền này của Viện kiểm sát. Trường hợp có yêu cầu sửa chữa, bổ sung... thì Kiểm sát viên được quyền ký vào biên bản phiên tòa, còn nếu không yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì không được quyền ký vào biên bản phiên tòa.

Dường như nắm bắt được những khó khăn đó và để ràng buộc trách nhiệm của Kiểm sát viên, đồng thời có cơ chế xử lý nếu có sai phạm, ngày 22/4/2021, VKSND tối cao đã có Hướng dẫn số 23/HD - VKSTC về việc "Hướng dẫn kiểm sát biên bản phiên tòa xét xử các vụ án hình sự". Đặc biệt, hướng dẫn đã cụ thể hóa bằng mẫu phiếu kiểm sát biên bản phiên tòa hình sự. Do các văn bản quy phạm pháp luật không quy định Thẩm phán, Thư ký phải ký vào biên bản kiểm sát biên bản phiên tòa của Viện kiểm sát nên hướng dẫn cũng không thể làm khác được. Qua nghiên cứu và áp dụng trong thực tiễn cho thấy mẫu phiếu này có bất cập, hạn chế như sau: Do mẫu phiếu không có mục Thư ký hoặc Thẩm phán ký vào biên bản kiểm tra biên bản phiên tòa và không có quy định pháp luật nào quy định Tòa án phải chuyển biên bản phiên tòa như các quyết định khác khiến Kiểm sát viên khó chủ động, không có cơ sở chắc chắn để kiến nghị, kháng nghị nếu có vi phạm.

Thực tiễn cho thấy, Kiểm sát viên có kiểm tra biên bản phiên tòa và khi không có sửa đổi, bổ sung gì thì cũng không có tài liệu nào để chứng minh rằng Kiểm sát viên đã xem biên bản phiên tòa để lưu vào hồ sơ kiểm sát án hình sự. Tất cả các biên bản phiên tòa Kiểm sát viên đã xem, nếu không có thiếu sót hay vi phạm... thì Kiểm sát viên không yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung và đương nhiên Kiểm sát viên cũng không được quyền ký vào biên bản phiên tòa. Sau đó, vì lý do nào đó, Thẩm phán và Thư ký sửa đổi biên bản mà Kiểm sát viên không thể biết được, thì lấy cơ sở nào để bảo vệ quan điểm đề xuất trong phiếu kiểm sát để trình lãnh đạo hoặc khi cần kiến nghị, kháng nghị? Ví dụ, tại phiên tòa, Kiểm sát viên đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” đối với bị cáo nhưng HĐXX không áp dụng. Qua xem biên bản phiên tòa không áp dụng nhưng sau đó, Thẩm phán đã chỉ đạo Thư ký Tòa án sửa đổi biên bản là áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” để phù hợp với bản án. Do sau khi kết thúc phiên tòa trước đó, Kiểm sát viên đã xem và thấy đúng nên không được ký vào biên bản phiên tòa.

Do đó, theo tác giả để khắc phục bất cập nêu trên, nên chăng sửa đổi khoản 4 Điều 258 BLTTHS theo hướng sau: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm sát biên bản phiên tòa và phải ký vào từng trang của biên bản phiên tòa". Hoặc quy định: "Thẩm phán, Thư ký Tòa án ký vào phiếu kiểm sát biên bản phiên tòa để xác nhận Kiểm sát viên đã xem hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung biên bản phiên tòa". Chi khi có cơ chế pháp lý như trên thì phiếu kiểm sát của Kiểm sát viên mới có căn cứ để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị. Còn trước mắt, mẫu phiếu kiểm sát biên bản phiên tòa theo Hướng dẫn số 23 cần bổ sung mục Thẩm phán hoặc Thư ký phiên tòa ký xác nhận Kiểm sát viên đã xem biên bản phiên tòa, với việc bổ sung này thì sau khi Thẩm phán có vi phạm, Kiểm sát viên mới có cơ sở để bảo vệ quan điểm của mình.

Trần Văn Hội

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/mot-so-bat-cap-ve-viec-thuc-hien-phieu-kiem-sat-bien-ban-phien-toa-hinh-su-105767.html