Một quyết định sáng suốt làm nên nét độc đáo của đường Hồ Chí Minh

Tháng 5 năm 1959, Bộ Chính trị TW Đảng quyết định mở tuyến đường vận tải Bắc Nam mang tên đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh( 19.5.1959 – 19.5.2019 )

Bài 2 : MỘT QUYẾT ĐỊNH SÁNG SUỐT LÀM NÊN NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH.

Cho đến nay, qua các tài liệu, công trình khoa học đã được công bố đều khẳng định có 5 “đường mòn Hồ Chí Minh”: Đường trên bộ - đường Trường Sơn, đường ống xăng dầu, đường trên biển, đường hàng không và đường chuyển ngân.

Tuy tên gọi, chức năng nhiệm vụ của từng con đường có khác nhau, nhưng đều chung một mục đích là sự vận chuyển sức người, sức của chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia đánh Mỹ và thắng Mỹ. Trong đó, đường trên Bộ - đường Trường Sơn, là con đường huyền thoại nhất. Đường Trường Sơn theo nghĩa rộng là toàn bộ hoạt động của các lực lượng: bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông và nhân dân các dân tộc có tuyến đường đi qua, phục vụ chiến đấu, chiến đấu xây dựng, bảo vệ, phát huy vai trò vận chuyển của tuyến đường.

Theo nghĩa hẹp đường Trường Sơn là con đường cụ thể bao gồm hệ thống giao thông cầu đường với những trục dọc, trục ngang, đường vượt khẩu, đường vòng tránh, đường ống xăng dầu, đường thủy tạo thành hệ thống "Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm", để vận chuyển sức người, sức của chi viện cho các chiến trường. Đây là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo, nét độc đáo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng trong hoạt động cụ thể, mở đường, vận chuyển vào Nam ra Bắc.

Từ một quyết định độc đáo, sáng tạo của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước .

Tháng 5 năm 1959, Bộ Chính trị TW Đảng quyết định mở tuyến đường vận tải Bắc Nam mang tên đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh. Đây là quyết định sáng tạo, độc đáo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khi mới mở đường Trường Sơn chỉ là những con đường mòn có sẵn, đường giao liên trong những năm chống Pháp để lại, làm nhiệm vụ vận chuyển công văn, thư tín, đưa cán bộ từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, vận chuyển vật tư, phương tiện chiến tranh cho chiến trường miền Nam với phương thức vận tải thô sơ gùi, thồ, mang vác là chủ yếu. Chiến tranh ngày càng phát triển, quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng cam go, phức tạp và chúng ta nhất định phải thắng.

Yêu cầu chi viện cho cách mạng Việt Nam ngày càng lớn hơn về sức người, sức của. Thực hiện chủ trương của Đảng, đường Trường Sơn phải được xây dựng, phát triển thành một hệ thống vận tải hoàn chỉnh bao gồm hệ thống trục dọc, trục ngang, kho tàng, bến bãi, phương tiện vận tải không chỉ là thô sơ mà phát triển thành vận tải cơ giới hiện đại.

Bộ đội Trường Sơn, các lực lượng khác và nhân dân tham gia xây dựng tuyến đường Trường Sơn đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, với sự cần cù, thông minh, sáng tạo, lòng quả cảm và sự hy sinh để xây dựng đường Trường Sơn ngày càng tỏa rộng, vươn dài vào các chiến trường làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vật tư, đưa cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc.

Đến giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, đường Trường Sơn đã hình thành tuyến đường lớn chạy song song với Đường 1A. Phía Đông ( còn gọi là Đông Trường sơn), qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, các tỉnh Tây Nguyên vào tới miền Đông Nam Bộ. Phía Tây ( còn gọi là Tây Trường sơn), qua các tỉnh Trung Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Với chiều dài "20.000 km bao gồm hệ thống đường trục dọc dài 6810km, 21 hệ thống đường trục ngang dài 4980km, 5 hệ thống đường vượt khẩu dài 700km, 3000km đường giao liên, 1300km đường thông tin tải ba, 14000km đường thông tin hữu tuyến và thiết bị tiếp sức. Hệ thống đường vòng tránh các trọng điểm dài 1300km.

Đặc biệt tận dụng ưu thế địa hình, ta đã mở 1340km đường dưới tán cây rừng thành mạng lưới ngụy trang khổng lồ cho đội hình xe chạy ban ngày, giảm sự đánh phá, ngăn chặn của không quân địch". Ngoài ra, đường Trường Sơn còn có 500km đường sông, 1400km đường ống xăng dầu. Đường Trường Sơn trải rộng trên 400.000km2 qua 10 tỉnh Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăc Nông, Bình Phước), 7 tỉnh của Lào (Bolykhamxay, Khăm muộn, Xavanakhet, Xaravan, Xêcông, Aktapư, Chambasak) và 4 tỉnh của Campuchia (Stung-Treng, Kra-chê, Ratarakiri, Môndukiri) .

Có thể nói rằng, “đường mòn Hồ Chí Minh” lúc đầu chỉ là một đường mòn cho người đi bộ. Ngày nay nó đã trở thành một trận đồ bát quái gồm những con đường chằng chịt quanh co, nhiều như kiến. Con đường ngày đâu phải được thiết kế từ trước như vậy, mà nó đã phát triển do yêu cầu phục vụ chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định "Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường tương lai giàu có của đất nước ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc ba nước Đông Dương".

Đến một địa danh nổi tiếng trở thành hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam.

Hậu phương, là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh. Trong chiến tranh bên nào có hậu phương vững chắc, bên đó sẽ giành được thắng lợi. Hậu phương là nơi dự trữ tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa xã hội của chiến tranh; là nơi cung cấp sức người, sức của cho chiến tranh; là nơi tập kết, huấn luyện, và là bàn đạp xuất kích của các đơn vị tham gia từng trận đánh, từng chiến dịch; là nơi rút lui giúp quân khi cần thiết để bảo toàn lực lượng. Sau năm 1954, nhận thức được yêu cầu đó, Đảng đã sớm xác định xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, căn cứ địa cách mạng của cả nước và xây dựng tuyến đường Trường Sơn là hậu phương trực tiếp của các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia.

Trên tuyến đường Trường Sơn, Đảng tích cực, chủ động chỉ đạo các lực lượng xây dựng quy hoạch tuyến đường thành một căn cứ chiến lược trọng yếu với cơ sở vật chất kỹ thuật dồi dào, có các mạng giao thông hoàn chỉnh, đảm bảo chi viện, tiếp tế hậu cần, cơ động của các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đường. Đồng thời, xây dựng các kho bãi, trạm tập kết hàng, trạm giao liên, xe vận tải, nơi tập kết các đơn vị thuộc các quân binh chủng để bổ sung cho chiến trường.

Đường Trường Sơn còn là nơi đóng quân của các cơ quan đầu não chỉ huy các chiến trường, các chiến dịch; là nơi chuẩn bị các điều kiện cần thiết mở ra các chiến dịch có quy mô lớn, có ý nghĩa chiến lược của cuộc chiến tranh. Các tổ chức Đảng, chỉ huy trên toàn tuyến luôn động viên cán bộ, chiến sĩ, lực lượng hoạt động trên tuyến đường phát huy ý chí, nghị lực, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, kiên trì bám đường, bám trận địa, giữ vững mạch máu giao thông thông suốt làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, phương tiện chiến tranh, đưa đón cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc.

Thời kỳ đầu, đường Trường Sơn mới phát triển ở phía Đông, nhưng khi có điều kiện ta đã phối hợp với quân, dân hai nước Lào và Campuchia phát triển, mở đường Trường Sơn sang phía Tây qua các tỉnh Trung Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia. Đến đây, cách mạng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia luôn phối hợp với nhau để xây dựng, bảo vệ và khai thác tuyến đường phục vụ chiến đấu của ba nước Đông Dương. Vùng giải phóng, căn cứ địa được mở rộng, trên một vùng lãnh thổ của ba nước tạo nên sự hoạt động nhịp nhàng trên tuyến đường Trường Sơn.

Đường Trường Sơn, không chỉ là con đường vận chuyển sức người, sức của cho các chiến trường đánh Mỹ. Trên tuyến đường này hệ thống chính quyền, tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị được xây dựng về moi mặt, là chỗ dựa vững chắc của chiến tranh. Nhân dân là lực lượng nòng cốt nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chiến tranh.

Ở đó còn Đảng chú trọng phát triển sản xuất phục vụ chiến đấu, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân và các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đường. Các lực lượng trên tuyến đường cũng tích cực, chủ động, sáng tạo, khai thác nguồn vật tư, lương thực, thực phẩm tại chỗ, tích cực tăng gia sản xuất góp phần giải quyết khó khăn về lương thực,thực phẩm trong chiến tranh ở những địa bàn có nhiều khó khăn ác liệt.

Đường Trường Sơn không chỉ là một tuyến đường cụ thể, mà còn là tuyến hậu cần chiến lược phía trước của cách mạng ba nước Đông Dương. Trên các tuyến đường vận tải, đặc biệt là các khu vực đầu mối vào các chiến trường, ta đã xây dựng các cụm kho dự trữ, tạo chân hàng kịp thời chi viện cho các chiến trường với phương châm: "Giao sớm, giao đủ, đồng bộ" các loại vật chất, con người đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của các chiến trường.

Đường Trường Sơn không chỉ là con đường giao liên đưa đón cán bộ, chiến sĩ vào Nam, ra Bắc, vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh chi viện cho các chiến trường mà còn là thòng lọng thiết chặt yếu hầu kẻ thù. Nơi tổ chức các trận chiến đấu chống lại sự chống phá của kẻ thù để xây dựng, bảo vệ, khai thác tối đa tuyến đường phục vụ cho các chiến trường.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tháng 4/1975 đã khẳng định đường Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn của hậu phương trực tiếp phía trước, kết hợp với sức mạnh của căn cứ địa hậu phương miền Bắc và căn cứ địa hậu phương tại chỗ của các chiến trường tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, chi viện về mọi mặt của miền Bắc cho các chiến trường.

Đường Trường Sơn góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam trên bán đảo Đông Dương. Thực tiễn 16 năm( 1959-1975) đã chứng minh: đường Trường Sơn thực sự trở thành bàn đạp, nơi xuất phát tiến công, thành hậu phương trực tiếp của các binh đoàn chủ lực tham gia các chiến dịch lớn hay các cuộc tiến công chiến lực, tổng tiến công.

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/mot-quyet-dinh-sang-suot-lam-nen-net-doc-dao-cua-duong-ho-chi-minh-d97783.html