Một quyết định không phù hợp

Việc nguyên Chủ tịch TP Trà Vinh mới được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Công Thương tỉnh này làm nhiều người dân chú ý và có nhiều ý kiến.

Câu chuyện được chú ý, không phải vì vị này quá trẻ, không phải vì chuyện con ông cháu cha mà đơn giản mới đây chính ông có tên trong bản kết luận của cơ quan chức năng về những sai phạm của ông khi giữ chức Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trà Vinh giai đoạn 2011-2016.

Do những vi phạm nghiêm trọng, ông đã bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền.

Lý giải cho quyết định bổ nhiệm vị nguyên Chủ tịch TP Trà Vinh làm Giám đốc Sở Công Thương, nhiều ý kiến từ những người có thẩm quyền cho rằng việc bổ nhiệm này là bình thường, không sai. Lý do được nêu là người được điều động làm chức thấp hơn chứ không phải là được bổ nhiệm.

Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc bổ nhiệm này không phù hợp với các quy định hiện hành, khi quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ghi rõ: điều động và bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Sở.

Điều 82 Luật Cán bộ công chức quy định, cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

Cũng Luật này quy định cán bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc.

Như vậy, có thể hiểu, dù được bổ nhiệm vào vị trí thấp hơn cũng không được vi phạm các quy định về việc bổ nhiệm.

Chi tiết hơn, khoản 2 Điều 4 Quyết định 04/2008 của Bộ Công Thương cũng yêu cầu: “Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên, trong thời gian ít nhất một năm kể từ khi có quyết định kỷ luật thì không được bổ nhiệm vào chức vụ giám đốc Sở Công Thương”.

Dưới góc độ quản lý hành chính, một quyết định hành chính khi ban hành phải đảm bảo hai yếu tố, hợp pháp và hợp lý. Cách đây ít lâu, một cán bộ sau khi bị kỷ luật và cách chức Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa lại được bổ nhiệm vào chức vụ tổ Trưởng tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nhà ở tỉnh Thanh Hóa. Trong trường hợp đó, chức Tổ trưởng đương nhiên thấp hơn với chức vụ Phó Chủ tịch tỉnh nhưng dư luận cũng vẫn đặt nhiều câu hỏi, việc bổ nhiệm một người có sai phạm đang chịu hình thức kỷ luật liệu có thực sự thuyết phục.

Là con người, ai cũng có thể mắc sai lầm, người có sai phạm có trách nhiệm cũng như có quyền được sửa chữa được khắc phục khuyết điểm và nếu họ thực sự tiến bộ, họ có quyền được thừa nhận. Luật cũng đã quy định rõ về thời hạn tối thiểu 12 tháng để “thử thách” những người có vi phạm, cũng là tạo điền kiện cho họ khắc phục, sửa chữa sai lầm.

Thế nhưng sau khi sai phạm, nguyên Chủ tịch TP Trà Vinh chưa kịp có bất cứ biểu hiện nào để thể hiện việc sửa sai cũng như khắc phục hậu quả do chính mình gây ra. Quyết định kỷ luật vẫn chưa ráo mực, người dân có quyền băn khoăn về quyết định bổ nhiệm mới.

Quang Lê

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/phap-luat/mot-quyet-dinh-khong-phu-hop/350092.vgp