Một quyết định gây ảnh hưởng sâu rộng tới nước Mỹ

Thông báo hôm 6-7 của Cơ quan Hải quan và Nhập cảnh Mỹ (ICE) về việc sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ sẽ phải về nước hoặc đứng trước nguy cơ bị trục xuất nếu như đăng ký toàn bộ các tín chỉ theo hình thức học trực tuyến được đánh giá là có thể sẽ khiến các trường cao đẳng và đại học Mỹ chịu nhiều tổn thất về doanh thu.

Theo quy định mới, các sinh viên nước ngoài đăng ký học vào mùa thu năm nay sẽ không được tới Mỹ, nếu trường học chuyển sang học hoàn toàn trực tuyến. Đối với sinh viên nước ngoài đang ở Mỹ, nếu trường chuyển hoàn toàn sang học trực tuyến, sinh viên sẽ phải chuyển trường nếu muốn tiếp tục ở lại Mỹ.

Tuy nhiên, với các trường vừa học trực tiếp vừa học online, những sinh viên đăng ký ít nhất 1 tín chỉ học trực tiếp (in-person class) thì vẫn có thể được phép ở lại Mỹ.

Động thái này có thể ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn sinh viên nước ngoài đang ở Mỹ du học hoặc tham gia các chương trình đào tạo-trao đổi, cũng như các khóa học nghề hoặc phi học thuật. Theo Viện Chính sách Di cư có trụ sở ở Washington D.C., có khoảng 1,2 triệu sinh viên thuộc diện bị ảnh hưởng đã đăng ký ghi danh theo học tại 8.700 trường trên khắp nước Mỹ tính tới tháng 3-2018.

Nhiều sinh viên nước ngoài tại Mỹ đang đối mặt với nguy cơ phải về nước nếu các trường họ theo học ở Mỹ chuyển sang chỉ học trực tuyến. Ảnh: Getty Images

Nhiều sinh viên nước ngoài tại Mỹ đang đối mặt với nguy cơ phải về nước nếu các trường họ theo học ở Mỹ chuyển sang chỉ học trực tuyến. Ảnh: Getty Images

Phản ứng trước thông báo của ICE, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Mỹ Brad Farnsworth cho hay đây là một động thái khiến ông và nhiều người khác bất ngờ. “Tôi nghĩ điều này sẽ chỉ gây thêm nhiều sự lúng túng và bất ổn. Điều chúng tôi mong đợi được thấy là sự đánh giá cao mọi phương thức giảng dạy khác nhau mà các trường đang theo đuổi”, ông chia sẻ.

Một điều nữa mà ông Brad Farnsworth lo ngại là chuyện gì sẽ xảy ra nếu như tình hình sức khỏe cộng đồng ngày một nghiêm trọng và những trường đang có lớp học ngoại tuyến cảm thấy họ cần đổi sang giảng dạy trực tuyến để an toàn. Cũng theo quan chức này, hướng dẫn mới của ICE sẽ khiến cho nhiều sinh viên nước ngoài bỏ tiền học phí cao để đến Mỹ học song nay phải ngậm ngùi về nước.

“Tôi nghĩ điều này sẽ gây hoang mang cho các sinh viên quốc tế, và với những người dự định tới Mỹ học trong mùa thu tới, quy định có thể sẽ đẩy họ sang hướng đi mới, tìm đến quốc gia khác để theo học”, ông nhấn mạnh. Trong khi đó, Giám đốc Chính sách Di trú tại Trung tâm Chính sách lưỡng đảng Theresa Cardinal Brown chỉ ra vấn đề lớn hơn mà các sinh viên phải về nước phải đối mặt là một số quốc gia vẫn đang áp dụng lệnh hạn chế di chuyển: “Các sinh viên không thể về nhà, vậy họ phải làm sao đây. Đây là một bài toán khó đối với nhiều sinh viên”.

Còn đối với các trường cao đẳng và đại học, họ hiện đang phải lựa chọn giữa việc để sinh viên chuyển trường hoặc rời khỏi Mỹ theo quy định hạn chế nhập cư hoặc chuyển sang giảng dạy trực tiếp và phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch COVID-19 như giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, rất khó để các trường thực hiện cả 2 lựa chọn trên nếu hình thức học trực tuyến không còn được áp dụng với sinh viên quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc các trường cao đẳng và đại học tại Mỹ có thể bị ảnh hưởng đáng kể về tài chính do mất đi nguồn doanh thu là học phí từ các sinh viên quốc tế.

Hiện tại, một số trường đang phải đấu tranh để đưa ra lựa chọn thay thế để sinh viên quốc tế có thể tiếp tục theo học mà không vi phạm quy định mới. Theo thông báo của ICE, các trường phải đưa ra quyết định về hình thức giảng dạy trước 1-8.

Quy định mới của ICE không chỉ ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn sinh viên quốc tế mà còn ảnh hưởng đến trường học và giảng viên của họ. Các trường cao đẳng và đại học tại Mỹ đã phải chật vật với những tổn thất tài chính nặng nề do đại dịch COVID-19 bùng phát. Nhiều trường đã phải cắt giảm ngân sách do hoàn trả học phí cho sinh viên vào kỳ học mùa xuân năm 2020, gián đoạn việc giảng dạy, hủy bỏ các sự kiện thể thao.

Trong khi đó, một số trường khác đang lo ngại về tỷ lệ tuyển sinh sẽ giảm trong mùa thu năm nay. Hơn 200 trường cao đẳng và đại học đã thông báo sa thải, cho nghỉ phép hoặc ký hợp đồng không gia hạn đối với các giảng viên. Các quy định mới có thể đặt nhiều trường cao đẳng và đại học vào một tình huống nan giải: Tăng số lượng các lớp học trực tiếp sẽ làm tăng nguy cơ dịch COVID-19 lây lan rộng hơn.

Chưa hết, việc ICE “mời” sinh viên quốc tế rời khỏi đất nước chắc chắn cũng sẽ làm giảm sự ảnh hưởng của Mỹ đối với thế giới. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, cựu sinh viên của các chương trình trao đổi giáo dục và văn hóa, trong đó có hơn 75 người đoạt giải Nobel và gần 450 người đứng đầu chính phủ và nhà nước hiện tại và trước đây. Sau khi đạt được những thành công cá nhân, sinh viên quốc tế thường trở về nước với tư cách là đại sứ không chính thức cho Mỹ.

Tỷ lệ sinh viên quốc tế học tập tại Mỹ đã giảm dần, từ 28% trong số 2,1 triệu sinh viên quốc tế trên thế giới năm 2001, xuống còn 21% trong số 5,3 triệu sinh viên quốc tế trên thế giới năm 2019. Trong khi đó, các nước khác đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thu hút tài năng trên toàn cầu do chiến lược quốc gia.

Đáng chú ý nhất, Trung Quốc hiện sở hữu gần 1/10 số du học sinh trên toàn cầu, trong đó số lượng sinh viên đến từ châu Phi nhiều hơn so với sinh viên tới Anh và Mỹ du học cộng lại. Một lý do khiến Trung Quốc tăng cường thu hút du học sinh quốc tế là các nhà lãnh đạo nước này nhận ra rằng, họ đang tụt hậu so với Mỹ về sức mạnh mềm khi chỉ có một vài nhà lãnh đạo trên thế giới tốt nghiệp các trường tại Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, để trấn an dư luận, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông báo khẳng định viên quốc tế luôn được chào đón tới học tập tại nước này.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, sự điều chỉnh tạm thời về quy chế thị thực này giúp cho sinh viên quốc tế có sự linh hoạt tốt hơn trong tiếp tục theo đuổi khóa đào tạo tại Mỹ, đồng thời cho phép thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong khuôn viên các trường đại học luôn ở trạng thái mở. Trong khi đó, một số trường đại học tại Mỹ đã lên tiếng phản đối điều chỉnh chính sách của ICE.

Đại học Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hôm 8-7 đã khởi kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump về quy định yêu cầu sinh viên quốc tế về nước nếu trường dạy trực tuyến 100%. Trong đơn khởi kiện được gửi đến Tòa sơ thẩm liên bang ở Boston, hai trung tâm đào tạo này cho rằng chính sách ICE mới ban hành là “tùy tiện, kỳ cục”, khi không thông báo, tham vấn trước với các trường.

Theo hai trung tâm đào tạo nói trên, sắc lệnh mới ban hành mang động cơ chính trị và sẽ đẩy giáo dục đại học ở Mỹ lâm vào bất ổn. Quy định mới được xem là nỗ lực của Nhà Trắng trong việc ép buộc các trường đại học mở cửa trở lại, từ bỏ cách tiếp cận giảng dạy thận trọng mà nhiều trường tuyên bố sẽ thực hiện để giảm lây nhiễm COVID-19.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/mot-quyet-dinh-gay-anh-huong-sau-rong-toi-nuoc-my-602572/