Một quy định thiếu tính khả thi

Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về văn hóa công vụ, trong đó có đưa việc 'cấm công chức nịnh bợ cấp trên' vào Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi.

Ngay sau khi truyền thông, báo chí đưa tin về việc luật hóa quy định "công chức không được nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng" thì trên mạng xã hội đã có cả triệu bài viết với nhiều trạng thái cảm xúc bình luận khác nhau, từ "bất ngờ, ngạc nhiên" đến "không còn điều gì để nói"…

Rất tự nhiên, là con người, chẳng kể lãnh đạo hay nhân viên thì ai cũng muốn bản thân mình là một cái gì có giá trị, được mọi người công nhận và tôn trọng. Nếu thành thật với lòng mình, thì bất kỳ ai cũng đều cảm nhận được điều này: Tôi biết anh đang nịnh tôi đấy, nhưng tôi vẫn thấy thích, bởi "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" và ngược lại "thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng", cho nên, nếu ai nói về một tật xấu hay điều dở của ta, cho dù có đúng 100%, ta cũng cảm thấy khó chịu.

“Nịnh sếp”. Ảnh minh họa (nguồn Internet)

“Nịnh sếp”. Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Trong thực tế, việc nịnh bợ, lấy lòng cấp trên là điều khá phổ biến ở môi trường cơ quan, công sở, doanh nghiệp nhà nước. Quả thật có không ít công chức, viên chức không chịu học hành, tu dưỡng, phấn đấu, mà chỉ chăm chăm tiến thân bằng con đường quan hệ, tiền tệ.

Có cả 1.001 kiểu lấy lòng mà đố ai phát hiện ra được. Đơn cử là việc làm tai, mắt thu thập, cung cấp thông tin cho "sếp", chẳng hạn như tiết lộ bí mật trong cạnh tranh, thương mại; các thông tin về thăng quan, tiến chức, thuyên chuyển hay giảm biên chế và gần nhất là trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, một loạt con quan chức địa phương được "nâng" điểm thi, rồi chuyện lấy xe công đi đón phu nhân lãnh đạo tại chân cầu thang máy bay…

Tinh vi hơn là việc "hối lộ thành tích" giữa cấp trên và cấp dưới trong cùng hệ thống, cùng ngành. Cấp dưới luôn sẵn sàng chuyển thành tích, công trạng của mình cho cấp trên hưởng lợi hoặc có trường hợp cấp trên muốn được thăng chức cao hơn nên cố ý chiếm thành tích của cấp dưới.

Thường thì khi lên một chức vụ cao hơn, cấp trên sẽ tìm mọi cách "đền bù" bằng cách điều động cấp dưới lên vị trí cao hơn, có lợi hơn và hình thành nguyên tắc có đi, có lại… hai bên cùng có lợi... Đây đã trở thành căn bệnh nan y của chốn quan trường.

Suy cho cùng, cái gốc phát sinh căn bệnh nịnh nọt, lấy lòng đều xuất phát từ người lãnh đạo. Ở những nơi mà "sếp" chỉ thích nghe những lời hay, ý đẹp, ưa chuyện vinh hoa, nịnh trên, nạt dưới thì ở đó ắt sinh ra một đội ngũ nhân viên chỉ biết khom lưng, uốn lưỡi, cắp cặp, che ô thì muôn đời chúng ta cũng không thể chấm dứt được thói xun xoe, khúm núm… kể cả khi nó được đưa vào luật.

Chỉ khổ cho những viên chức cần cù, chăm chỉ làm việc với tinh thần trách nhiệm, tận tâm cống hiến nhưng vì "thiếu quan tâm tới sếp", nên cả đời cứ giậm chân tại chỗ, không bao giờ được cất nhắc, trọng dụng.

Những người yêu lịch sử Việt Nam hẳn khó quên được câu chuyện đã xảy ra cách đây ngót nghét nghìn năm về Phụ chính Thái sư Tô Hiến Thành đã cương quyết tiến cử người có tài năng, đức độ gánh vác việc nước thay mình lúc lâm chung, nhất định không tiến cử người ngày đêm phục dịch ông chuyện cơm nước, thuốc thang…

Chuyện kể rằng, Tô Hiến Thành là người đã hết lòng, hết sức phò giúp ấu chúa Lý Cao Tông nên trong ngoài đều yên ấm. Nhưng không may là năm Cao Tông lên 7 tuổi, Tô Hiến Thành lâm bệnh nặng. Bấy giờ, trong triều có quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá là người đức độ, tài năng, vì mải lo việc công nên không mấy khi tới thăm hỏi ông được. Ngược lại, Tham tri chính sự Vũ Tán Đường thì ngày đêm túc trực, phụng dưỡng cơm nước, thuốc thang cho ông. Thấy bệnh tình Tô Hiến Thành khó bề qua khỏi, Đỗ Thái hậu - mẹ Vua Lý Cao Tông bèn tới thăm, hỏi ông chuyện người có thể thay thế ông cầm cương, giữ lái chuyện triều chính.

Tô Hiến Thành không cần suy nghĩ, đáp luôn:

- Người thay thế thần chỉ có thể là Trần Trung Tá!

Thái hậu ngạc nhiên, hỏi:

- Tán Đường ngày ngày hầu hạ, thuốc thang cho ông, sao ông không tiến cử? Trần Trung Tá luôn thờ ơ với ông, sao ông lại ưa chuộng làm vậy?

Tô Hiến Thành nói rành rẽ:

- Nếu Thái hậu hỏi người lo việc đại sự quốc gia, thần cử Trần Trung Tá. Nếu cần người phục dịch cơm nước, thuốc thang, thì ngoài Võ Tán Đường, chẳng còn ai hơn được!

Những người như Tô Hiến Thành, tiếng thơm lưu trong sử sách, truyền trong dân gian tới muôn đời.

Những kẻ cơ hội, nịnh bợ thì thời nào cũng có, cho nên không có luật pháp nào điều chỉnh được cả. Muốn đánh giá, tuyển chọn và sử dụng người tài nên biết bỏ qua định kiến, bỏ qua tư tình, bất vụ lợi, nên "tâm sáng, lòng trong", quên chuyện riêng tư, đặt lợi ích phát triển đất nước, lợi ích của nhân dân lên trên hết. "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", hãy để tinh thần của Tô Hiến Thành sống mãi trong mỗi con người Việt Nam chúng ta…

Cù Tất Dũng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/mot-quy-dinh-thieu-tinh-kha-thi-545291/