Một quốc gia, hai chế độ

Ðó là viễn cảnh đã được nêu ra từ lâu cho hai miền Triều Tiên và trước cuộc gặp thượng đỉnh lần này tại Bình Nhưỡng, nó được nêu lại. Tuy nhiên, câu chuyện không hề đơn giản…

Người Triều Tiên hy vọng thống nhất sẽ cải thiện tình hình kinh tế. Ảnh: nationalreview.com

Ri Jin-ryong, 16 tuổi, thành viên Hồng vệ binh Công nông, một tổ chức bán quân sự của Triều Tiên, nói cậu có một thông điệp gửi tổng thống Hàn Quốc nếu hai miền thống nhất.

“Tôi sẽ kể với ông ấy thật tuyệt vời khi (chúng tôi) được dẫn dắt bởi nhà lãnh đạo Kim Jong-un thân mến”, cậu nói với Reuters tại thảo cầm viên Bình Nhưỡng, nơi cậu và đồng đội đang thư giãn trong ngày nghỉ sau khi tham gia một cuộc duyệt binh chào mừng quốc khánh.

Trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên một lần nữa thông qua các sự kiện và truyền thông, nhấn mạnh ý tưởng thống nhất hai miền, vốn bị chia tách từ những năm 40 của thế kỷ trước.

Tuy nhiên ở Hàn Quốc, ý tưởng về chuyện thống nhất bị một số người xem là phi thực tế.

“Luận điệu của Triều Tiên xoay quanh chuyện thống nhất không phải bởi vì họ thực sự tin vào một sự hợp nhất ngay lập tức, mà đó là một khẩu hiệu đầy sức mạnh để tạo ra lý cớ nhằm cải thiện quan hệ liên Triều”, Lim Eul-chul, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Kyungnam ở Seoul, nói.

“Đối với người Hàn Quốc, ý tưởng về thống nhất không thực sự thôi thúc bởi nó nhắc cho họ về một gánh nặng kinh tế sau hợp nhất”.

Một số ngày trước khi đón ông Kim sang dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba trong năm, báo Rodong Sinmun trích lời ông Kim Jong-un nói: “Chúng ta nên phá bỏ bức tường xung đột để đáp ứng các lý tưởng và mong muốn của người dân (hai miền) Triều Tiên, mở ra con đường cho sự thống nhất”.

Phi thực tiễn?

Các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên đã hạn chế nhiều dự án hợp tác và thương mại, là trở ngại lớn trong việc hâm nóng quan hệ hai miền, chưa nói đến chuyện thống nhất.

Nhưng những người Triều Tiên bỏ trốn khỏi đất nước rất ủng hộ ý tưởng thống nhất, theo các cuộc thăm dò. Hơn 95% số người được hỏi nói thống nhất là điều cần thiết, so với 53% số người Hàn Quốc tham gia trả lời, theo thăm dò năm 2017 của Viện Hòa bình và thống nhất (Đại học Seoul).

Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên đã nêu ra ý tưởng “một quốc gia, hai chế độ”, theo đó đất nước (Triều Tiên thống nhất) duy trì hai chế độ ở miền Bắc và miền Nam, ít nhất là cho đến khi hai miền hoàn toàn hòa giải.

“Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi nên công nhận sự khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam về hệ tư tưởng, tôn giáo, niềm tin, và hợp tác với nhau”, một người Triều Tiên được nói là đã bỏ trốn qua Hàn Quốc nói hồi năm 2013.

“Tôi cũng công nhận rằng thống nhất sẽ giúp cải thiện tình trạng kinh tế của miền Bắc”, người này nói thêm.

Thu nhập đầu người của Triều Tiên đang ở mức 1.283USD, chỉ bằng 4,4% thu nhập của người miền Nam, theo đánh giá của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc.

Nhiều con số ước đoán về chi phí cho thống nhất đã được đưa ra và tính trung bình, 5.000 tỷ USD là số tiền phải bỏ ra mà phần lớn do Hàn Quốc gánh.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh
đầu tiên giữa lãnh đạo hai miền hồi năm 2000, cả đôi bên đồng ý cân nhắc ý tưởng “một quốc gia, hai chế độ”, ít nhất là một bước tạm thời trước khi hoàn toàn thống nhất.

Nhưng trên website của mình, Viện Giáo dục thống nhất (Bộ Thống nhất, Hàn Quốc), nói ý tưởng của Triều Tiên về một liên bang hai chế độ với hệ tư tưởng và quản lý khác nhau “có rất ít khả năng trở thành thực tế và cũng chưa có tiền lệ trong lịch sử”.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/mot-quoc-gia-hai-che-do-1325010.tpo