Một phụ nữ Khmer lần đầu trong đời được chồng tặng bánh sinh nhật

Từ chỗ chỉ 'cắm mặt' từ sáng đến tối vào việc nhà, mọi việc trong nhà đều do người chồng gia trưởng đưa ra quyết định, giờ đây chị Lương Thị Oanh, dân tộc Khmer (Xã Hòa Tú 1, H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) phấn khởi cho biết, chồng đã động viên vợ mua váy mới khi đi họp, mua bánh gato mừng sinh nhật vợ…

Chị Lương Thị Oanh, dân tộc Khmer (Sóc Trăng) vui vẻ chia sẻ về việc được chồng động viên đi họp, khuyến khích mua váy mới mặc... - Ảnh: B.N

“Phụ nữ dân tộc Khmer lúc nào cũng phải đảm đang, công việc trong gia đình tối ngày phụ nữ phải làm hết, nhưng người đưa ra quyết định trong gia đình lại là chồng. Mình cũng có quyền đưa ra tiếng nói chứ”, chị Oanh chia sẻ sau khi tham gia Hệ thống học tập và hành động về giới (GALS).

Khóa học đó, chồng chị Oanh cũng tham gia. Tuy nhiên, để “lôi kéo” được chồng đồng ý cho vợ tham gia và bản thân chồng cũng tới lớp không phải chuyện đơn giản. Bởi với phụ nữ dân tộc Khmer thì dường như việc của họ là loanh quanh trong nhà, không được tham gia vào bất cứ quyết định lớn nhỏ nào trong gia đình đã được mặc định từ lâu.

“Chồng mình là người gia trưởng. Trước đây, mỗi lần cần chi tiêu gì mình đều phải ngửa tay xin tiền chồng; muốn làm gì cũng phải được sự đồng ý của chồng…”, chị Oanh chia sẻ.

Nhưng từ khi tham gia GALS, bắt đầu từ việc cả hai vợ chồng cùng phải viết ra sở thích và những điều mà người kia không thích thì mọi chuyện đã thay đổi. “Từ lúc cưới đến khi sinh con, chưa một lần vợ chồng nhắc đến chuyện rất đơn giản này”.

Đến phần cân bằng giới thì kết quả là, công việc trong nhà nghiêng hết về phía vợ, nhưng người đưa ra quyết định trong gia đình lại là chồng. Theo chị Oanh: “Phụ nữ Khmer trước chỉ quanh quẩn việc nhà, bếp núc, ngay cả việc chồng nuôi tôm, vợ muốn tham gia giúp đỡ cũng không được phép!”.

Chị Oanh cho biết, chồng chị cũng không lập tức thay đổi ngay sau khi tham gia lớp học. Sẵn tính gia trưởng, mỗi khi vợ xin phép đi học/đi họp, lúc đầu chồng kiên quyết không cho đi. Nhưng “mưa dầm thấm lâu”, đến giờ thì chị đã được tham gia phát triển kinh tế gia đình cùng chồng. “Việc phụ nữ Khmer được ra ngoài, được cùng chồng nuôi tôm và quản lý tài chính là chuyện vô cùng khó. Vậy mà giờ đây tôi đã làm được”.

“Giờ, mỗi lần tôi đi dự họp ở Hà Nội, chồng tôi rất tự hào. Đi về thấy vợ được chụp ảnh là chồng mang khoe khắp nơi. Lần gần đây nhất, tôi ra Hà Nội, chồng tôi còn động viên vợ mua váy mới mặc đi họp”, chị Oanh hào hứng kể.

Chưa hết, mới đây, chị Oanh còn mua “tặng” chồng chiếc xe máy trị giá hơn 45 triệu đồng, điều mà trước đây trong mơ chị cũng không dám nghĩ tới. “Tôi đã được quyết định các khoản chi tiêu trong gia đình, được quản lý tiền và mua xe cho chồng. Trước chồng tự nuôi tôm, quản lý tiền không tốt nên gần như không có tiền dành dụm. Vợ được giữ tiền nên quản lý tốt hơn, đã có của ăn của để”.

Thậm chí, sinh nhật vợ, chồng chị Oanh đã biết mua bánh gato về chúc mừng- đó cũng là lần sinh nhật đầu tiên trong đời của người phụ nữ dân tộc Khmer, khiến chị vỡ òa cảm xúc vì xúc động.

Chị Phan Tú Quỳnh, đối tác của Oxfam: Đa số nam giới từ chối tham gia các dự án về giới, bởi ở đó phụ nữ được nâng lên cao quá, khiến họ bị mất quyền. GALS tăng quyền cho cả nam và nữ. Cách tiếp cận mới nên khá thuận lợi. Đây là những câu chuyện về lập kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, lồng ghép giới một cách uyển chuyển. Thách thức lớn nhất là phải huy động cả vợ và chồng tham gia, khắc phục được việc trước đây chỉ mình vợ tham gia. Người chồng tới tham dự vì sinh kế, vì phát triển… nhưng sau đó có lồng ghép giới. Khi nam giới tận mắt thấy vợ vất vả, họ sẽ thương vợ hơn.

* Hệ thống học tập và hành động về giới (GALS) là các phương pháp làm việc về giới có sự tham gia, do Oxfam và đối tác xây dựng từ kinh nghiệm của các dự án phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo tại một số nước châu Á, châu Phi như Uganda, Ấn Độ và Peru. Điểm nổi bật của phương pháp này là cộng đồng, cả nam giới và nữ giới là người thực hành, làm chủ và tự đưa ra các sáng kiến đổi mới phương pháp để cải thiện cuộc sống.

* GALS được xây dựng dựa theo các chương trình WEMAN (liên kết và lồng ghép tăng quyền cho phụ nữ, là một sáng kiến và chương trình toàn cầu của Oxfam nhằm thúc đẩy quá trình học hỏi, vận dụng/xây dựng giải pháp và vận động cho công lý giới trong các dự án, tổ chức có các can thiệp về mặt kinh tế).

Bảo Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/hon-nhan-gia-dinh/mot-phu-nu-khmer-lan-dau-trong-doi-duoc-chong-tang-banh-sinh-nhat-post50205.html