Một phần ba số vũ khí mới của Quân đội Đức không thể chiến đấu

Bộ Quốc phòng Đức thừa nhận chỉ một phần ba thiết bị quân sự mới của nước này được giao trong năm 2017 đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu, thông tin này xuất hiện ngay sau khi Mỹ tuyên bố Berlin nên đi đầu trong cuộc chiến chống lại Nga ở châu Âu.

Quân đội Đức đang đối mặt với bê bối lớn về trang thiết bị cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu, Sputnik cho biết. Trong một báo cáo gần đây, Bộ Quốc phòng Đức thừa nhận, trong số 97 phương tiện chiến đấu hạng nặng được giao cho quân đội Đức trong năm 2017, chỉ có 38 thiết bị sẵn sàng chiến đấu.

Cụ thể, trong số 71 xe chiến đấu bộ binh hạng nặng Puma, loại xe thiết giáp được đánh giá hàng đầu thế giới, chỉ có 27 chiếc đủ khả năng chiến đấu 100%. Trong số 8 máy bay vận tải quân sự hạng nặng A400M được giao, chỉ 4 chiếc sẵn sàng hoạt động mọi lúc.

Đối với lực lượng không quân chiến đấu, khả năng sẵn sàng chiến đấu còn tệ hơn. Trong 7 trực thăng tấn công Eurocopter Tiger được giao, chỉ 2 chiếc sẵn sàng bay. 4 trong 7 chiếc trực thăng NH90 sẵn sàng cất cánh trong mọi tình huống.

 Khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Đức được các nhà phân tích của Nga đánh giá ở mức nghèo nàn. Ảnh: AP.

Khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Đức được các nhà phân tích của Nga đánh giá ở mức nghèo nàn. Ảnh: AP.

Tệ hơn cả là chỉ có một trong bốn tiêm kích đa nhiệm Eurofighter Typhoon giao trong năm 2017 sẵn sàng chiến đấu mọi tình huống. Việc các thiết bị quân sự mới không đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu ở mức 70% như yêu cầu gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nhà lập pháp.

Nghị sĩ Matthias Hohn, thành viên Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Đức, chỉ trích người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức đã không kiểm soát được quá trình mua sắm, kiểm tra thiết bị từ nhà sản xuất đến khi bàn giao cho quân đội, gây lãng phí tiền thuế của người dân.

“Thật không thể chấp nhận việc chúng ta trả tiền cho các nhà thầu quốc phòng để mua thiết bị mới mà nó lại không hoạt động”, nghị sĩ Hohn nói.

Khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Đức đã trở thành chủ đề gây tranh cãi ở nước này thời gian gần đây. Các báo cáo về việc cung cấp thiết bị, linh kiện, tình trạng thiếu nhân lực và bảo trì kém thường xuyên được truyền thông Đức công bố.

Đầu tháng này, truyền thông Đức báo cáo rằng kế hoạch phát triển súng trường mới thay thế cho G36 không đạt được kỳ vọng của quân đội. Trước đó, nhiều báo cáo đề cập thiết bị chiến đấu của quân đội, gồm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, cường kích Tornado, tàu ngầm và các thiết bị khác phần lớn ở trong tình trạng nghèo nàn và lỗi thời.

Không chỉ các loại vũ khí hạng nặng, đến ngay cả súng trường tấn công tiêu chuẩn của Quân đội Đức là G36 cũng gặp vấn đề nghiệm trọng. Nguồn ảnh: Sputnik.

Năm ngoái, Đức đã chi hơn 44 tỷ USD cho quốc phòng, đưa Berlin trở thành quốc gia có ngân sách quốc phòng thứ 9 thế giới. Ngân sách quốc phòng năm 2019 dự kiến khoảng 51,2 tỷ USD, nhiều hơn 4,7 tỷ USD so với ngân sách năm 2018.

Việc ngân sách quốc phòng chi nhiều hơn nhưng sự sẵn sàng của các thiết bị quân sự mới lại đi xuống, các nhà lập pháp Đức có lý do để chỉ trích kế hoạch tăng ngân sách của Bộ Quốc phòng. Đầu năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi đồng minh NATO tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% để đáp ứng tình hình an ninh mới.

Tuy vậy, các nhà lập pháp Đức gọi điều này là “điên rồ”, vì không có mối đe dọa lớn nào về mặt an ninh quốc gia đối với Berlin. Theo các nhà lập pháp, kế hoạch này chỉ làm lợi cho quân đội và các nhà thầu quốc phòng.

Mời độc giả xem video: Binh sĩ Đức với súng trường tấn công G36 trong một cuộc tập trận. (nguồn DW)

Quốc Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/mot-phan-ba-so-vu-khi-moi-cua-quan-doi-duc-khong-the-chien-dau-1138859.html