Một phần ba đất nông nghiệp thế giới nguy cơ ô nhiễm

Lạm dụng thuốc trừ sâu khiến không chỉ đất, nguồn nước mà cả hệ sinh thái chung bị ảnh hưởng sau hàng chục năm nữa.

 Thuốc trừ sâu đã được sử dụng nhiều hơn 1.000 lần so với những gì được coi là vô hại. Ảnh: Getty.

Thuốc trừ sâu đã được sử dụng nhiều hơn 1.000 lần so với những gì được coi là vô hại. Ảnh: Getty.

Các nhà khoa học ở Australia vừa cho kiểm tra cách thức sử dụng gần 100 loại hóa chất trong nông nghiệp trên 168 quốc gia, để xác định hàm lượng thuốc trừ sâu nào vượt quá mức khuyến cáo. Kết quả khiến nhiều người gây sốc, bởi chỉ khoảng 64% diện tích đất nông nghiệp có hàm lượng hóa chất trừ sâu trong mức cho phép. Một phần ba còn lại cao hoặc vượt mức tiêu chuẩn nhiều lần.

Bên cạnh tỷ lệ báo động, nồng độ thuốc trừ sâu ở khu vực một phần ba này cũng rất cao, có nơi lên đến hơn 1.000 lần so với ngưỡng an toàn dành cho con người. Con số này bao gồm cả 60% đất nông nghiệp châu Âu, vốn thường được xử lý bằng hóa chất diệt cỏ, diệt nấm và diệt côn trùng ở mức độ nguy hiểm.

Nghiên cứu này được các nhà khoa học tại Đại học Sydney phát triển dựa trên một mô hình ước tính nguy cơ ô nhiễm môi trường do 92 hợp chất hóa học gây ra, bao gồm 59 chất diệt cỏ, 21 chất diệt côn trùng và 19 chất diệt nấm. Số liệu được ghi lại trong bảng Khảo sát địa chất mới nhất của Mỹ và dữ liệu từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc.

Fiona Tang, tác giả chính của báo cáo vừa được công bố trên Nature Geoscience, nói với AFP: "Điểm rủi ro càng cao, xác suất ảnh hưởng tới một loài không nằm trong mục tiêu càng cao". Tuyên bố này dựa trên kết quả đo lường từ hơn 24 triệu ha đất trên khắp thế giới, nơi có nhiều hơn ít nhất một hóa chất cho phép trong đất.

Cũng trong nghiên cứu này, châu Á là nơi có quỹ đất chịu nguy cơ cao nhất, với tổng diện tích lên đến 5 triệu ha. Trung Quốc chiếm hơn một nửa số này, và đa phần nằm ở các vùng đồng bằng màu mỡ, hoặc sản xuất nông nghiệp chủ lực của nước này.

Nga, Ukraine và Tây Ban Nha, những nước được xem là cái nôi nông nghiệp của châu Âu, xếp kế sau. Bà Tang nhận xét: “Tình trạng ô nhiễm ngày một tăng nhanh và có thể xảy ra trên diện rộng".

Ngoài ô nhiễm đất, báo cáo của Đại học Sydney còn cảnh báo nguy cơ tổn hại đến đa dạng sinh học và khan hiếm nước ở những quốc gia như Nam Phi, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và Argentina. Điểm chung của những nước này là đều có lưu vực của sông lớn. Nguồn ô nhiễm có thể lan xuống mạch nước, gây ảnh hưởng đến nhiều yếu tố môi trường và cuộc sống con người.

Châu Á có nguy cơ mất 5 triệu ha đất ô nhiễm, với Trung Quốc chiếm hơn nửa số này. Ảnh: Getty.

Từ lâu, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nếu tiếp xúc liên tục, lâu dài với thuốc trừ sâu có thể gây kích ứng, phát ban, buồn nôn, chóng mặt và tiêu chảy. Ngay cả khi tiếp xúc với dư lượng trong các sản phẩm thực phẩm liên quan, con người vẫn có thể dẫn đến vô số bệnh bao gồm Parkinson, ung thư hạch bạch huyết và hen suyễn.

Biến đổi khí hậu làm việc kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu trở nên khó khăn. Nhiệt độ lạnh làm chậm quá trình phân hủy của thuốc, trong khi mưa lớn dài ngày dễ dẫn đến lượng nước chảy tràn vào hệ thống sông ngòi, làm ô nhiễm các tuyến đường thủy.

Khi nhu cầu về cây trồng tăng cao, việc sử dụng thuốc trừ sâu thương mại đã tăng lên theo cấp số nhân để đáp ứng. Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 8/2020 cho thấy, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học đã vượt qua nhiên liệu hóa thạch để trở thành nguồn trữ lưu huỳnh lớn nhất cho con người. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng mưa axit.

Trước đây, lưu huỳnh được sử dụng chủ yếu trong các nhà máy nhiệt điện, nhưng các chuyên gia từ Đại học Colorado cho rằng việc sử dụng ngày càng cao lưu huỳnh trong phân bón nông nghiệp mang tới những tác động tương tự.

Đầu năm 2021, theo một báo cáo tháng trên tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường Mỹ, thuốc trừ sâu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường sau khi ngừng sử dụng một thời gian dài. Các nhà nghiên cứu ở Thụy Sĩ thậm chí tìm thấy dư lượng thuốc diệt cỏ và thuốc diệt nấm trong đất tại các trang trại sử dụng chất hữu cơ cách đây hơn 20 năm.

Nhóm của bà Tang đang mở rộng nghiên cứu, để xem xét trực tiếp về tác động của ô nhiễm thuốc trừ sâu đối với sức khỏe con người. Hiện nghiên mới dừng ở mức kêu gọi các nước đề ra một chiến lược toàn cầu, nhằm hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và lối sống bền vững, liên quan tới việc sử dụng ít thuốc trừ sâu, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm.

Trong báo cáo Triển vọng Môi trường Toàn cầu công bố năm 2019, Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước giảm sử dụng thuốc trừ sâu, cho rằng sản xuất lương thực không những là nguyên nhân chính làm mất đa dạng sinh học, mà còn gây ô nhiễm không khí, nước sạch, nước biển, nhất là khi hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào phân bón và thuốc trừ sâu sử dụng hóa chất.

Cũng trong năm 2019, chuyên san Science of the Total Environment đã tìm thấy 21 dược chất trong tổng số 100 loại thuốc trừ sâu ở 29 dòng sông chảy khắp châu Âu. Khoảng một phần từ số hóa chất bị này là chất cấm, trong khi khoảng phân nửa các dòng sông được nghiên cứu có ít nhất một loại thuốc trừ sâu với hàm lượng cao hơn mức cho phép.

Ô nhiễm đất là một phần của suy thoái đất do sự hiện diện của hóa chất xenobamel (do con người tạo ra) hoặc sự thay đổi khác trong môi trường đất tự nhiên. Nó thường được gây ra bởi hoạt động trong công nghiệp, hóa chất trong nông nghiệp hoặc xử lý chất thải không đúng quy định. Nếu như cách đây vài thập niên, nguyên nhân chính đến từ công nghiệp, thì ngày nay, nông nghiệp lại vượt lên bởi khả năng khắc phục đất ngày càng trở nên hạn chế.

Tú Giang

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/mot-phan-ba-dat-nong-nghiep-the-gioi-nguy-co-o-nhiem-d287338.html