Một ông bầu nhiều đội bóng thì còn gì vui?

Cuối cùng, đội bóng của bầu Hiển đã lại vô địch đúng như dự đoán. Vô địch sớm tới 5 vòng đấu ở V-League chứ chẳng vừa. Nhưng, có lẽ chính bầu Hiển, ông chủ của đội bóng Hà Nội vừa vô địch cũng chẳng thấy vui như ngày xưa. Bởi đơn giản, mùa này có ai cạnh tranh với đội bóng của ông đâu.

Dù bầu Hiển đã tuyên bố, mình chỉ là nhà hảo tâm chứ không phải là ông chủ của nhiều đội bóng. Nhưng, cả làng bóng đá vẫn khẳng định rằng, những đội bóng có nhà tài trợ từ các công ty con trong T&T Group vẫn là của bầu Hiển.

Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh và Đà Nẵng có SHB tài trợ chính. Quảng Nam có QNK, đội Sài Gòn FC do một tay bầu Hiển đưa từ Hà Nội vào Nam, ngày ông Đinh La Thăng về nhậm chức bí thư TP.HCM. Từng đó đội trên tổng số 14 đội bóng đá thể thức League, nghĩa là lượt đi lượt về với 6 điểm ở mỗi cặp đấu khiến các đội bóng bắt đầu nản dần.

Chẳng phải vô cớ mà ở mùa giải 2017, một đội bóng làng nhàng hạng trung, sân bãi thuộc hàng chán nhất nhì V-League là Quảng Nam đã được khẳng định sẽ vô địch! Thông tin ấy có trước cả tháng và chính xác sau hơn một tháng dựa trên những dữ kiện các trận đối đầu của Quảng Nam với các đội bóng của nhà bầu Hiển.

Ở mùa bóng 2018, khi giải đấu chưa bắt đầu thì người ta đã đặt câu hỏi như cũ: Đội nào của bầu Hiển sẽ vô địch?

Các cầu thủ tung bầu Hiển lên để cảm ơn ông trong việc giúp CLB Hà Nội chinh phục danh hiệu vô địch V-League. Ảnh: Zing

Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Với sự đam mê của mình, đội Hà Nội của bầu Hiển đã thu hút được khá nhiều nhân tài ở khu vực phía Bắc. Với lực lượng ấy, với sự hậu thuẫn mạnh đến vậy, chuyện Hà Nội vô địch là chuyện chẳng khó hiểu.

Nhưng, đã nói thì phải nói hết ý. Thời trước, bóng đá có các ông bầu dù thân thiện với nhau những vẫn cạnh tranh sòng phẳng. Bầu Kiên có đội Hà Nội, bầu Thắng có Gạch, bầu Đức có Gỗ, bầu Tiến Anh có Khánh Hòa, bầu Đường có Bình Dương. Thì giờ, trong những cái tên kể trên chỉ còn bầu Đức là gắn với bóng đá bằng đội HAGL và học viện của mình.

Giấc mơ được nói thành lời, được ghi thành nghị quyết ngày thành lập VPF là xóa bỏ chuyện một ông chủ nhiều đội bóng cũng bất thành. Bầu Đức phản ứng nhiều lần nhưng đều bất thành.

Và rồi, bầu Đức cũng giảm dần chuyện nhúng tay vào nền bóng đá. Đội bóng ông giao cho thuộc cấp quản lý. Nếu ngày xưa, bận mấy ông cũng về Gia Lai hoặc đi cùng đội bóng đến sân khách những trận quan trọng. Thì giờ, ông ít khi có mặt trên sân để xem dù lứa Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn từng là niềm tự hào của ông.

Đội bóng HAGL đã từng tham dự V-League với tuyên bố: Đã chơi là chỉ có nhắm tới chức vô địch. Giờ trụ hạng được coi là thành công rồi.

Bầu Hiển gần như chẳng còn đối thủ ở giải đấu V-League. Nhiều đội bóng từng là đội mạnh, là đại gia cũng chẳng buồn đầu tư thêm bởi, có đầu tư một đội cũng đâu cạnh tranh lại “nhóm” đội bóng.

Uy quyền của bầu Hiển ở V-League quá lớn.

Và cũng bởi chơi mà biết chắc cùng lắm chỉ được về nhì nên V-League ngày càng trở nên xụi dần. Người ta đến sân chỉ vì quý các cầu thủ lứa U23. Người ta đến sân để chờ gặp thần tượng kiểu như các cô gái chờ gặp Bùi Tiến Dũng dù thủ môn này dự bị ở Thanh Hóa là chính.

Các trận đấu nhạt dần, khán giả vắng dần bất chấp uy tín của bầu Hiển ngày càng lên cao. Vậy thì, bầu Hiển có thật sự đang vì nền bóng đá Việt như lời ông nói?

Chơi bóng đá mà không có đối thủ, chẳng vui thì chớ, thậm chí còn kéo lùi trình độ cả nền bóng đá. Đó là viễn cảnh đã hiện rõ dần khi sự tập quyền ở V-League ngày càng lớn.

Thảo Du

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mot-ong-bau-nhieu-doi-bong-thi-con-gi-vui-15606.html