Một nỗi lo có thật

Suốt tuần qua, người dân Hà Nội háo hức đến xem và cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 - Ga Hồ Gươm thuộc dự án Đường sắt đô thị tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Quy hoạch).

Đây là hạng mục quan trọng của dự án, lại nằm trong khu vực hồ Hoàn Kiếm, nơi có những di tích lịch sử, văn hóa như Tháp Bút, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, tượng đài Cảm tử… nên chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến đóng góp và sẽ được tiếp thu, xem xét để có một phương án tối ưu.

Thời gian để góp ý cho quy hoạch còn dài, nhưng theo đánh giá ban đầu, người Hà Nội hồ hởi đón nhận và mong dự án sớm được triển khai thực hiện. Những ai đã từng đến các nước phát triển, từng sử dụng mạng lưới giao thông công cộng nói chung và hệ thống đường sắt đô thị nói riêng, đều cảm nhận rõ sự tiện lợi của hệ thống này. Dù ở Paris, Barcelona, Rome, Vienna hay Berlin, cảm nhận chung nhất khi đi lại bằng các phương tiện công cộng, đặc biệt là các phương tiện vận tải khối lớn như tàu điện ngầm là vô cùng tiện lợi, nhanh và hợp túi tiền. Đi lại bằng các phương tiện này vừa đáp ứng nhịp sống hiện đại, vừa thỏa mãn nhịp sống thong thả, thư giãn, tùy ở sự lựa chọn thời điểm, loại phương tiện. Quan trọng nhất, nó vừa đáp ứng được nhu cầu, túi tiền của đa số người dân, vừa giải được bài toán tắc nghẽn giao thông đô thị hiện đại. Người dân Hà Nội không có lý do gì để không chào đón hệ thống đường sắt đô thị. Chắc chắn với sự vận hành hệ thống này, mà cụ thể là tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long, theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc tại ngã tư Phố Huế - Nguyễn Du), dân cư khu vực này của Hà Nội có thể nhanh chóng di chuyển một cách thuận tiện đến trung tâm TP quanh Hồ Gươm và ngược lại, không kém gì người dân khu Montmart thuộc quận 18 của Paris đến Tháp Eiffel hay Bảo tàng Louvre... Mạng lưới tuyến xe buýt và bến xe buýt cũng sẽ được cải tạo để kết nối với tuyến đường này.
Tuy nhiên trong sự hồ hởi, phấn khởi vẫn có những nỗi lo. Theo Quy hoạch giao thông tổng thể Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội gồm 8 tuyến, bao gồm cả các tuyến trên cao và đi ngầm. Người dân Hà Nội cũng như cả nước hi vọng hệ thống đường sắt đô thị sẽ cải thiện rõ rệt và góp phần hiện đại hóa bộ mặt Thủ đô. Mặc dù vậy, người Hà Nội đã chờ quá lâu để có niềm vui được sử dụng loại phương tiện hiện đại này. Vì nhiều lý do, những tuyến đường sắt đô thị đã được khởi công hầu hết là chậm tiến độ và do đó dẫn đến tình trạng đội vốn… Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, có chiều dài 13,1km, được khởi công vào ngày 10/10/2011, dự kiến hoàn thành vào 30/9/2017, đưa vào vận hành thương mại trong quý I/2018. Vậy mà đến nay vẫn chưa chắc chắn thời điểm vận hành thương mại và số vốn đầu tư đội lên một cách khủng khiếp.
Tuyến Metro số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội do Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 12,5km chạy dọc theo trục đường Cầu Diễn - Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy - Kim Mã và xuống đi ngầm tại khu vực đường Ngọc Khánh - Cát Linh - Quốc Tử Giám và kết thúc trước cửa ga Hà Nội. Ban đầu, dự án dự kiến khởi công vào năm 2006 và đưa vào hoạt động vào năm 2010. Sau đó dự án bị dừng triển khai và tiếp tục khởi động lại vào năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Đến năm 2016, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định, dự án phải tiếp tục lùi ngày hoàn thành về năm 2019. Đại diện nhà thầu cam kết đảm bảo tiến độ đề ra để tuyến metro khai thác thương mại vào năm 2021. Cùng với việc chậm tiến độ, tổng số vốn đầu tư ước tính lên tới 1,2 tỷ USD đã tăng thêm gần 400 triệu Euro.
Thực tế khó mà đòi hỏi các công trình, đặc biệt là những công trình quy mô lớn, mức độ ảnh hưởng rộng như hệ thống đường sắt đô thị nói chung và các tuyến đường nêu trên, phải hoàn thành đúng tiến độ đề ra, cũng như giữ nguyên số vốn đầu tư dự kiến. Tuy nhiên, việc trễ hẹn tiến độ và kéo theo nó là tình trạng đội vốn một cách khủng khiếp là khó chấp nhận với bất cứ lý do gì. Đó là chưa kể những hệ lụy mà người dân TP phải chịu như tắc đường, ô nhiễm môi trường, thậm chí đã xảy ra tai nạn chết người. Đành rằng để có được hệ thống giao thông tiện ích, hiện đại, người dân sẵn sàng chấp nhận những khó khăn nhất thời. Song cũng khó chấp nhận những khó khăn ấy cứ kéo dài một cách triền miên, thậm chí không biết đến bao giờ.
Trở lại tuyến đường sắt đô thị số 2, có thể nói đây là một trong những tuyến quan trọng và có ý nghĩa nhất trong hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội tương lai. Chạy qua khu vực đô thị lõi của TP với khu Phố cổ và Hồ Gươm, bên cạnh sự nhạy cảm về yêu cầu bảo vệ cảnh quan, môi trường, công tác thi công cũng đòi hỏi có những quy định nghiêm ngặt, khoa học. Chắc chắn hoạt động thi công sẽ tác động đến đời sống, sinh hoạt của người dân TP. Chính vì lẽ đó, người dân Thủ đô mong muốn tiến độ thi công sẽ bảo đảm, công trình sẽ về đích đúng hẹn.
Dự án vẫn đang được lấy ý kiến. Có thể là quá lo xa khi nói những chuyện này, trong khi ngày khởi công chính thức chưa được xác định. Nhưng những gì đã xảy ra với các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội đang được thi công, xem ra đây là một nỗi lo có thật và xin được chia sẻ với những ai quan tâm cùng những người có trách nhiệm.

Minh Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mot-noi-lo-co-that-312058.html