Một nhiệm vụ quan trọng của báo chí

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nghĩ cũng nên nhắc lại một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí và nhà báo đã được quy định trong Luật Báo chí 2016. Đó là 'Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam'.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chỉ một dòng ngắn gọn vậy thôi, nhưng xem ra để thực hiện không phải đơn giản. Nói vậy bởi trong những nhiệm vụ của báo chí được quy định trong Luật thì nhiệm vụ nói trên, nhất là việc góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có vẻ như ít được quan tâm nhất.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một là, với một số nhiệm vụ, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không chuẩn xác, chắc chắn sẽ được các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí nhắc nhở, uốn nắn. Hai là, ngay trong nhận thức của một số cơ quan báo chí và người làm báo, nhiệm vụ này cũng chưa thực sự được quan tâm thực hiện.

Chắc chắn, nhận thức nói trên sẽ thay đổi, nếu chúng ta cùng nhau nhớ lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Bác cũng khuyên những người cầm bút, kể cả học sinh, sinh viên 5 điều. Đó là: Nói và viết sao cho người đọc dễ hiểu, dễ nhớ; Viết làm sao cho ý nhiều hơn lời. Nếu ý bằng lời thì phải cẩn thận đấy. Còn lời nhiều mà ý ít thì bài văn trở nên rỗng tuếch; Khi nói và viết nên dùng chữ nhỏ để nói việc lớn, hàm ý sâu, chớ dùng chữ lớn để nói việc nhỏ, hàm ý cạn; Viết làm sao để nêu ra được sự giản dị của cái mà ta tưởng là phức tạp, đừng làm phức tạp cái vốn là đơn giản; Khi nói và viết phải nêu cho được cái mới. Điều này rất khó. Nhưng nói và viết một cách mới những cái đã cũ lại càng khó hơn.

Rất tiếc là trong thực tế hoạt động báo chí hiện nay, đối chiếu với lời dạy của Bác, có thể thấy còn khá nhiều điều cần lưu ý với đội ngũ những người làm báo trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Đơn cử như việc thực hiện lời dạy của Bác: “Khi nói và viết phải nêu cho được cái mới. Điều này rất khó. Nhưng nói và viết một cách mới những cái đã cũ lại càng khó hơn”. Thực tế cho thấy, có lẽ vì khó nên một số người viết hiện tại thường rơi vào lối nói, viết sáo mòn, theo một khuôn mẫu có sẵn, gây nhàm chán, thậm chí phản cảm. Ví dụ như nói về một hiện tượng, sự vật gì đó xuất hiện nhiều thì luôn là “như nấm sau mưa”, kể cả khi nói về một hiện tượng, sự việc mang tính tích cực! Còn khi nói về một điều gì đó gây cảm giác thích thú thì luôn là “mãn nhãn”…

Một hiện tượng khác, đó là người viết dùng từ mà không để ý đến sắc thái tu từ. Gần đây, một tờ báo mạng đăng tải bài viết về thông tin của Công an Hà Nội với nhan đề: "Nổ súng tiêu diệt Lê Đình Kình là đúng pháp luật!". Bài viết có đoạn “Công an Hà Nội đề nghị truy tố 29 bị can, đều là người ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), đã tham gia bàn bạc, lên kế hoạch và thực hiện hành vi chống đối, tiêu diệt lực lượng thi hành nhiệm vụ”. và “Khi thấy lực lượng công an, các đối tượng chủ động dùng vũ khí tấn công quyết liệt nhằm sát thương, tiêu diệt lực lượng thi hành nhiệm vụ”. Có thể là trong trường hợp này tác giả trung thành với văn bản của cơ quan chức năng. Song hoàn toàn có thể lực chọn từ thích hợp hơn. Rõ ràng việc dùng từ “tiêu diệt” trong hai đoạn văn trên là thiếu xác đáng, gây phản cảm, vô hình trung đánh đồng sự hy sinh của các chiến sĩ cảnh sát khi làm nhiệm vụ với cái chết của một kẻ phạm tội.

Còn có thể nêu khá nhiều ví dụ tương tự trên các trang báo, bài viết của một số ấn phẩm báo chí hiện nay. Đó là chưa kể đến những hiện tượng khá phổ biến như nói ẩu, viết ẩu, dùng từ vay mượn của tiếng nước ngoài không phù hợp. Tình trạng này cần phải được khắc phục. Và cũng cần nói rằng để làm được điều đó không hề khó. Tiếng Việt của chúng ta vô cùng phong phú. Chỉ cần người nói, người viết dụng công suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn là có thể tránh được những lỗi như đã nêu ví dụ ở trên. Và như vậy là mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí đã góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam.

Lê Quân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mot-nhiem-vu-quan-trong-cua-bao-chi-387521.html