Một nhiệm kỳ hoạt động sôi nổi và hiệu quả

Nổi bật trong nhiệm kỳ 2016-2021 của HĐND, UBND TP HCM chính là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 54/2017/QH14 và Đề án mô hình chính quyền đô thị

Kỳ họp lần thứ 23 HĐND TP HCM khóa IX sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 9-12. Đây là kỳ họp cuối năm và cũng là kỳ họp nhìn lại công tác nhiệm kỳ 2016-2021.

Nghị quyết 54 tạo thế chủ động cho TP

Nổi bật trong nhiệm kỳ 2016-2021 chính là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 54/2017/QH14 (NQ 54), NQ về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (ngày 24-11-2017, có hiệu lực từ ngày 15-1-2018). Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực, NQ 54 là quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của TP.

Cụ thể, việc triển khai các nội dung, đề án đạt một số kết quả tích cực, tạo thế chủ động nhiều hơn cho TP. Tiến độ các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn khá nhiều, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của TP. Đặc biệt, chính sách chi thu nhập tăng thêm bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện TP, góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC); khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực, giúp TP đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn qua quận 6, TP HCM) đã được hồi sinh Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn qua quận 6, TP HCM) đã được hồi sinh Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mặt khác, việc đẩy mạnh ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn TP đã phát huy hiệu quả, phát huy được vai trò của người đứng đầu trong quản lý, điều hành và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho CB-CC-VC khi thực thi nhiệm vụ. Việc này cũng tạo sự chủ động cho các cơ quan, đơn vị, nhất là kịp thời giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính trong các lĩnh vực có liên quan; nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn TP, góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua Đề án mô hình chính quyền đô thị của TP sau 13 năm đeo bám, trong đó có 2 nội dung quan trọng là không tổ chức HĐND quận, phường và thành lập TP Thủ Đức. Đây cũng là kết quả rất nổi bật, ấn tượng của chính quyền TP trong nhiệm kỳ này.

Công trình chống ngập phát huy hiệu quả

Trong giai đoạn 2016-2020, TP HCM đã thực hiện nhiều biện pháp công trình, phi công trình giúp kéo giảm mạnh cả về số tuyến đường ngập, chiều sâu ngập lẫn thời gian ngập, đặc biệt xóa hẳn những "rốn ngập" tồn tại dai dẳng nhiều năm.

Trong 5 năm triển khai chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020, TP đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 44 dự án chống ngập. Những dự án chống ngập lớn đã đi vào hoạt động như: hệ thống đê bao 4 đoạn khu vực quận Thủ Đức thuộc bờ tả sông Sài Gòn; hệ thống thoát nước đường An Dương Vương (quận 5); các cống kiểm soát triều Bình Triệu, Bình Lợi, rạch Lăng, rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè; hệ thống thoát nước Quốc lộ 1 đoạn từ cầu vượt An Sương đến Nguyễn Văn Quá…

Bên cạnh đó, TP cũng tích cực triển khai nhiều dự án cải tạo, hồi phục các tuyến kênh, rạch bị lấn chiếm, bồi lấp trên địa bàn nhằm tăng khả năng thoát nước và bảo đảm chất lượng sống của người dân. Một trong những điển hình của việc phục hồi kênh rạch thành công là rạch Lăng (quận Bình Thạnh), kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn qua quận 6)…

Cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước" đạt được kết quả rất tích cực. Việc lập lại trật tự trong quản lý xây dựng đô thị được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kéo giảm mạnh mẽ tình trạng xây dựng không phép, sai phép.

Vẫn còn không ít tồn tại

Bên cạnh những thành tựu đáng trân trọng, TP HCM vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Kết thúc 5 năm triển khai chương trình đột phá, phát triển hạ tầng và giao thông công cộng TP HCM là 2 nhiệm vụ lớn mà ngành giao thông TP vẫn chưa thực hiện tốt đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và xứng tầm với một TP có mật độ dân số lớn nhất cả nước.

Điển hình cầu Thủ Thiêm 2, nút giao Mỹ Thủy, đường Nguyễn Hữu Cảnh không thể về đích trong năm 2020 như kế hoạch. Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, đây là các dự án trọng điểm, giúp giảm kẹt xe, tai nạn, ngập nước đồng thời tăng kết nối giao thông ở phía Đông TP. Cầu Thủ Thiêm 2 kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm TP, khởi công từ năm 2015 với tổng vốn gần 3.100 tỉ đồng xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Công trình dự kiến hoàn thành sau 3 năm thi công nhưng đến nay chỉ đạt 70% tiến độ. Dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1 và Bình Thạnh) sử dụng vốn ngân sách. Dự án dài gần 3,2 km, thi công từ tháng 10-2019, dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng đến nay chỉ thi công 1,2 km đường, đạt 35% khối lượng công việc. Thời gian hoàn thành dự án lùi lại đến tháng 4-2021.

Một trong những dự án được kỳ vọng nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường quanh khu vực cảng Cát Lái là dự án cải tạo nút giao Mỹ Thủy. Dự án khởi công năm 2016 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 838 tỉ đồng, giai đoạn 2 là 1.435 tỉ đồng. Dự án mới đạt 45% khối lượng, một số hạng mục chưa có mặt bằng phải tạm ngừng thi công chờ UBND quận 2 bàn giao mặt bằng.

Về phân loại rác tại nguồn, UBND TP đã ban hành Quyết định số 44/2018/QÐ-UBND về "Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP HCM". Theo đó, rác thải tại các hộ gia đình phải được chủ hộ phân làm 3 loại: Hữu cơ, tái chế và rác thải còn lại; cách thức tổ chức thu gom các loại rác khác nhau sau phân loại vào các ngày khác nhau trong tuần… Ðầu năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP cũng đã có kế hoạch triển khai Quyết định số 44/2018/QÐ-UBND với mục tiêu đến năm 2020 tỉ lệ các đối tượng thực hiện phân loại rác tại nguồn đạt 50% và tăng dần vào các năm tiếp theo, đến năm 2025 đạt mức tối thiểu 80%.

Dù đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhưng đến nay, việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt; đa số người dân vẫn đổ lẫn lộn các loại rác, gây khó khăn trong công tác thu gom và xử lý. Mặt khác, do các đơn vị vẫn chưa được trang bị đồng bộ các phương tiện thu gom, vận chuyển cho nên khâu thu gom vẫn để lẫn lộn các loại rác với nhau. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến 7 tháng đầu năm 2020, tổng số phương tiện thu gom hiện hữu của TP là 6.776 phương tiện. Nhu cầu chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển của 24 quận, huyện là 1.943 nhưng thực tế, chỉ mới chuyển đổi được 693 phương tiện, gần 1.300 phương tiện còn lại là phương tiện không đạt chuẩn, dẫn đến khó thực hiện khi tiến hành phân loại chất thải rắn tại nguồn.

THU HỒNG - NGUYỄN PHAN - Ý LINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/mot-nhiem-ky-hoat-dong-soi-noi-va-hieu-qua-20201206215431486.htm