Một nhân cách đáng trân trọng

Năm 1976, tôi tình cờ gặp anh Phạm Quốc Toàn khi anh được cử về dự lớp đào tạo giáo viên chính trị trung cao chuyên sâu của Học viện Chính trị-Quân sự (nay là Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng), lúc bấy giờ còn sơ tán ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Cùng về dự lớp với anh Toàn ở Báo Quân đội nhân dân (QĐND) còn có các anh: Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Quang Thống, Phạm Ngọc Thiện, Nguyễn Hải Đức, nhưng chỉ có anh Phạm Quốc Toàn là học cùng tôi ở chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học. Học viên về dự lớp hầu hết được lựa chọn từ những học viên giỏi thuộc hệ đào tạo cán bộ chính trị trung cấp của Học viện Chính trị-Quân sự, chỉ có 5 nhà báo của Báo QĐND là “ngoại đạo”. Tuy cùng học nhưng chúng tôi rất ngưỡng mộ các anh vì lúc đó các anh đã là nhà báo của một tờ nhật báo lớn, có vị thế hàng đầu đất nước, hơn nữa các anh đã là những sĩ quan cấp úy, còn tôi mới đeo lon thượng sĩ.

Ngay từ lần gặp đầu tiên tôi đã bị anh Toàn thu hút bởi dáng vẻ bề ngoài với vầng trán cao, rộng, giọng nói nhẹ nhàng, trầm ấm. Đến lúc tiếp xúc và qua lời kể của các bạn anh ở Báo QĐND tôi lại càng trân trọng khi biết anh là Phó trưởng phòng biên tập Thời sự Quốc tế, Báo QĐND với những bài bình luận quốc tế sắc sảo. Cùng là đồng hương Hà Tĩnh nên chúng tôi trở nên thân thiết và nhận nhau là anh em kết nghĩa.

Phân khoa chúng tôi có 4 tiểu đội, anh ở Tiểu đội 1, tôi ở Tiểu đội 2, lúc đó tôi được phân công làm tiểu đội trưởng, anh là học viên. Anh em tôi đều được thầy giáo Phạm Hồng Thanh (sau này là Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), giáo viên chủ nhiệm "cắm" lớp luôn lấy làm nòng cốt trong các buổi thảo luận chung hoặc lấy làm bài mẫu để phân tích cho lớp trong các lần kiểm tra viết. Trong học tập tuy khác tiểu đội nhưng tôi và anh thường xuyên trao đổi với nhau về nội dung và phương pháp học tập. Dù chỉ hơn tôi mấy tuổi nhưng anh chín chắn, hiểu biết hơn tôi về cuộc sống, về lý luận chính trị.

Nhờ sự giúp đỡ của anh, tôi đã trở thành cộng tác viên của Báo QĐND. Thời điểm đó, có được một bài báo đăng trên Báo QĐND là ước mơ của rất nhiều anh em học viên chúng tôi. Tôi đã trình bày nguyện vọng của mình với anh về việc viết báo và đăng bài trên Báo QĐND, anh rất ủng hộ và hướng dẫn tôi cách chọn chủ đề, nội dung và kỹ thuật viết. Tôi đã tập viết những bài đầu tiên, đưa cho anh biên tập và gửi Báo QĐND. Mỗi lần như vậy, anh lại phân tích cái được và cái chưa được để tôi rút kinh nghiệm, dần dần tôi trở thành cộng tác viên thân thiết của tờ báo chiến sĩ.

Sau khi ra trường, tôi và anh không còn được gần nhau, nhưng anh vẫn dõi theo những bước đi của tôi. Kể cả khi anh đã chuyển vào làm Tổng biên tập Báo Vũng Tàu-Côn Đảo, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, anh luôn quan tâm đến tôi với tình cảm người anh thân thiết. Chỉ là một kỷ niệm nhỏ, nhưng cách ứng xử của anh làm tôi rất cảm động. Tết Kỷ Hợi 2019, tôi về xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê thăm anh, nhân dịp anh từ trong Nam bay ra thăm quê. Phúc Trạch lúc đó đang mùa hoa bưởi tỏa hương dịu dàng, quyến rũ. Anh đã tìm kiếm và gói gọn cho tôi 3 mồi giống bưởi quý (bưởi Phúc Trạch đã thành thương hiệu nổi tiếng), rồi nhỏ nhẹ nói: “Chú chịu khó mang về vườn nhà ở Đức Thọ trồng thử, may gì hợp thông thổ, vườn nhà ta có thêm giống bưởi đặc sản”. Đến thời điểm này, những cây bưởi đó đã đơm hoa, kết trái, cho mùa trái đầu tiên, đúng thương hiệu bưởi Phúc Trạch rất ngon ở vườn nhà tôi. Nghĩa tình anh em được thể hiện từ sự chu đáo, bình dị như thế.

Những năm gần đây, nhiều người trong giới báo chí-truyền thông cũng như tôi rất bất ngờ và cảm phục khi anh say mê viết văn với nhiều thể loại, kể cả tiểu thuyết. Từ năm 2012 đến 2020, từ các nhà xuất bản uy tín, anh xuất bản 15 đầu sách với hơn 5.000 trang in, quả là sức lao động sáng tạo, không ngơi nghỉ của một cây bút tài năng như chính các nhà văn, nhà báo đàn anh đã nhận xét về Phạm Quốc Toàn.

Anh Phạm Quốc Toàn không chỉ là một nhà báo, một nhà văn, một nhà quản lý báo chí tâm huyết, được các nhà báo lão thành, các đồng nghiệp, học trò và bạn đọc quý trọng; mà trong đời thường anh là một người sống giản dị, lành mạnh, nghiêm khắc mà bao dung, chân thành. Anh phê phán sự giả dối, không bao giờ né tránh và thỏa hiệp với cái ác, với thái độ sống tiêu cực. Anh luôn quan tâm đến gia đình, người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Anh kịp thời động viên, cổ vũ những việc làm tốt, giúp đỡ và sẻ chia với người khác khi gặp khó khăn. Con gái anh không may qua đời ở tuổi 38 do lâm bệnh hiểm nghèo, anh gọi điện báo tin cho tôi, giọng nghẹn ngào: “Chú ơi, cháu Th. đi xa rồi, vì đang đại dịch Covid-19, chú đừng vào, anh chị sẽ thay chú thắp cho cháu nén nhang!”. Người đàn ông già dặn, cuộc đời sương gió trải bao đắng cay, nhọc nhằn đã khóc nấc lên với tôi, đành bỏ nửa chừng cuộc điện thoại đường dài. Lúc đó, tôi không khỏi bàng hoàng, xúc động và cảm thông sâu sắc với sự mất mát của anh và gia đình!

Vài mẩu chuyện nhỏ về anh Phạm Quốc Toàn chưa đủ để nói hết những gì anh đã dành cho tôi, bạn bè và đồng nghiệp. Cuộc đời binh nghiệp của tôi trưởng thành có một phần công lao giúp đỡ chân tình của anh mà tôi luôn khắc sâu trong trái tim mình!

Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN TUẤN DŨNG (Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/mot-nhan-cach-dang-tran-trong-640450