Một nhà sưu tập người Nhật tặng Đà Nẵng 238 bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam

Ông Itoh Toyokichi , nhà sưu tập hội họa 80 tuổi người Nhật đã tặng cho TP Đà Nẵng 238 tác phẩm và cho mượn 49 tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam mà ông sưu tập được thuộc bộ sưu tập 'Houei' (Phồn vinh) của ông trong vòng hơn 30 năm qua.

Tranh lụa “Thiếu nữ” của danh họa Dương Bích Liên được hồi hương - ảnh Nguyễn Hậu

Tranh lụa “Thiếu nữ” của danh họa Dương Bích Liên được hồi hương - ảnh Nguyễn Hậu

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vừa tổ chức khai trương không gian trưng bày các tác phẩm hội họa tiêu biểu vừa hồi hương này.

Bộ sưu tập tranh quý ông Itoh Toyokichi tặng lại cho Đà Nẵng - ảnh N.H

Cuối năm 1989, khi đến Hà Nội, ông Itoh Toyokichi rất ấn tượng khi chiêm ngưỡng những bức tranh được trưng bày trong các bảo tàng tại Hà Nội bởi chúng gợi lại cho ông nhiều kí ức thời niên thiếu. Từ đó, ông bắt đầu sưu tầm tranh của các họa sĩ Việt Nam. Sau nhiều lần đến Việt Nam, bộ sưu tập dần được hoàn thiện như hiện nay, được ông đặt tên là “Houei” (Phồn vinh) với nguyện vọng “mở ra thời đại mới cùng phát triển phồn vinh”.

Từ năm 2005, ông đã tổ chức nhiều buổi triển lãm tại các bảo tàng công trong và ngoài Nhật Bản với ước mong thông qua các tác phẩm quý giá này, lưu truyền những giá trị phong phú về lịch sử và văn hóa Việt Nam tới người dân nhiều nơi trên thế giới.

Với tâm nguyện giữ trọn ven và dựa những tác phẩm mỹ thuật này về lại với quê hương Việt Nam và mong muôn cho sự giao lưu văn hóa giữa hai đất nước ngày càng trở nên phong phú, đóng góp vào hòa bình thế giới, năm 2020, ông đã tặng số lượng lớn tác phẩm thuộc bộ sưu tập trên cho thành phố Đà Nẵng.

Bộ sưu tập gồm các tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật Việt Nam, trong đó có các danh họa thuộc thế hệ họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương như: Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tú Duyên, Dương Bich Liên, Nguyễn Tiến Chung, Linh Chi, Trần Đinh Thọ, Nguyễn Sĩ Ngọc, Dương Hướng Minh... và nhiều họa sĩ tên tuổi khác.

Các tác phẩm phong phú về chất liệu, như bột màu, sơn dầu, màu nước, phấn màu, tempera và cả bút sắt trên giấy can như bức phác họa của Nguyễn Gia Trí hay in khắc gỗ trên lụa như tác phẩm của Tú Duyên, in khắc gỗ trên giấy của Cao Trọng Thiềm…

Ngoài 2 tác phẩm chưa rõ năm sáng tác, những bức tranh còn lại ra đời trong khoảng thời gian từ năm 1944 đến 1993.

Tác phẩm “Bến thuyền đêm trăng” (khắc gỗ đen trắng, sáng tác năm 1989) của họa sĩ Cao Trọng Thiềm.

“Góc phố” - tác phẩm của họa sĩ Phạm Văn Đôn bằng chất liệu bột màu (1975) – người gắn liền với Cách mạng Việt Nam.

Bức tranh “Ngôi nhà” của họa sĩ Nguyễn Sĩ Tốt với chất liệu bột màu (1966).

Tác phẩm tranh lụa “Nữ du kích” của họa sĩ “Hướng tới ánh sáng” - Dương Hướng Minh sáng tác năm 1979.

Tác phẩm “Đêm mùa đông” khắc thạch cao của họa sĩ Đinh Lực (1945).

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng - đơn vị được UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Văn hóa và Thể thao giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản và phát huy giá trị của bộ sưu tập này.

Ông Itoh Toyokichi sinh năm 1941, tại khu phố Asakusa, thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ông đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch với nhiều đóng góp trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam đến với công chúng Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhằm tăng cường tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, tri ân đóng góp của nhà sưu tập Itoh Toyokichi, Bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng sẽ lần lượt lựa chọn đưa ra trưng bày, giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập nói trên.

Nguyễn Hậu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mot-nha-suu-tap-nguoi-nhat-tang-da-nang-238-buc-tranh-cua-cac-hoa-si-noi-tieng-viet-nam-post1324350.tpo