Một nhà giáo tâm huyết

'Làm nghề giáo giống như một vận động viên điền kinh phải luôn nỗ lực, mà mục tiêu là những đường chạy dài hơn và phải chạy nhanh hơn' - đó là lời chia sẻ của thạc sĩ Nguyễn Kim Anh, một nhà giáo đầy tâm huyết, sáng tạo. Ðáp lại tấm lòng của cô là sự công nhận của đồng nghiệp và cao hơn là sự tôn vinh, bầu chọn của học sinh nhiều năm nay.

Cô Nguyễn Kim Anh, thạc sĩ Ngữ văn, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú - Ðống Ða, Hà Nội vừa được bầu chọn là một trong số 48 giáo viên của Thủ đô được trao giải "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" năm học 2017 - 2018. Hồ sơ tham dự của cô được đánh giá là một trong những hồ sơ có nhiều đóng góp giá trị cho việc dạy và học môn Ngữ văn trong trường phổ thông. Ðại diện Hội đồng chuyên môn cuộc thi "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo", bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai nhận định, sự sáng tạo, nhiệt huyết của cô Kim Anh đã góp phần mang lại sức sống cho môn Ngữ văn. Với cách dạy giàu trải nghiệm, hướng học sinh tới cách sống và cảm nhận sâu sắc, các em sẽ dần yêu môn học này theo cách tự nhiên nhất.

Cô Kim Anh chia sẻ, chặng đường làm nghề giáo của cô là cả một quãng đường dài không ngừng tìm tòi, đổi mới và luôn hướng về mục tiêu thông qua môn Ngữ văn cùng các hoạt động trải nghiệm, học kỹ năng sống để hoàn thiện nhân cách. Ðể đạt được mục tiêu đó, các hoạt động của cô Nguyễn Kim Anh không chỉ gói gọn trong những giờ dạy trên lớp, mà là cả một chuỗi những hoạt động nối tiếp, bổ trợ lẫn nhau để học sinh cảm nhận, thấu hiểu, bày tỏ và ứng dụng những gì học được trong trường và trải nghiệm trong thực tế.

Một trong những chuyên đề tâm đắc nhất của cô Nguyễn Kim Anh chính là hình thành "Văn hóa đọc" cho học sinh. "Ðọc kỹ để sống sâu" là đúc kết của nhóm "Văn hóa đọc" Trường Phan Huy Chú. Ðây cũng là trăn trở lâu nay của cô cũng như nhiều giáo viên khác về việc làm thế nào thu hút học sinh với hoạt động đọc sách khi mà có quá nhiều các loại hình giải trí hấp dẫn các em. Cùng Ban Giám hiệu nhà trường, cô Kim Anh xây dựng quy trình đọc sách với các bước trước, trong và sau đọc sách cho học sinh. Mỗi em sẽ có nhật ký cho việc đọc sách. Sau quá trình đọc sách, học sinh sẽ sáng tác nhạc, thơ, vẽ tranh, thuyết trình về nội dung cuốn sách, về nhân vật, về tác giả... tùy vào khả năng. Ở Trường THPT Phan Huy Chú, văn hóa đọc đã trở thành môn học và được tính vào điểm Giáo dục công dân, nhằm thúc đẩy học sinh tham gia tích cực hơn vào hoạt động này. "Thông qua hoạt động đọc sách, tất cả khả năng của các em học sinh đều được huy động. Trang sách trở thành nhịp cầu kích thích phát triển sự sáng tạo, tư duy và kỹ năng toàn diện cho các con. Con giỏi vẽ, con mong muốn mọi người nhìn thấy tranh của con thì con phải đọc sách để vẽ. Con mê âm nhạc, con cũng phải đọc sách thì mới có thể tìm ra chất liệu để sáng tác. Con thích thơ, con cũng cần đọc cuốn sách đó để tìm ra tứ thơ... Cứ thế, tất cả học sinh cùng khả năng tiềm ẩn của các em bị cuốn hút vào hoạt động đọc", cô Kim Anh chia sẻ.

Bên cạnh việc tạo dựng văn hóa đọc trong nhà trường, cô Kim Anh là một trong những người biên soạn chính cho các chương trình dạy kỹ năng sống cho học sinh, trong đó chủ đề "Sống trách nhiệm" từ lớp 10 đến lớp 12 với các góc độ, mức độ khác nhau, thích ứng với lứa tuổi, thời điểm. Ðiều này giúp các em xác định mục tiêu học tập, phấn đấu, đồng thời thấu hiểu hơn những vấn đề tưởng như không có lời giải trong quan hệ gia đình, bạn bè, thầy cô.

Khó có thể kể hết những nỗ lực và công sức cô giáo Kim Anh đã cống hiến trong những năm đứng lớp. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi cô Kim Anh liên tục được học sinh Trường THPT Phan Huy Chú - Ðống Ða bình chọn là giáo viên được học sinh tin yêu của trường. Cô Kim Anh chia sẻ: "Ðược học trò tôn vinh là một phần thưởng vô giá, bởi đó là sự vinh danh cho trí tuệ, tâm huyết và tình cảm thân thương của người giáo viên với các trò. Thế cho nên tôi cho rằng, đã chọn nghề nhà giáo là phải luôn cố gắng không ngừng nghỉ".

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38293702-mot-nha-giao-tam-huyet.html