Một nhà báo gần 30 năm gắn bó với thương binh

Trong một lần vào thăm và viết bài về thương binh Nguyễn Văn Phòng, quê Hải Phòng, lính xe tăng bị thương ở mặt trận Tây Nam tại Bệnh viện Quân y 175, tôi đã tình cờ gặp một người có ơn to lớn với thương binh ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất, Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu (gọi tắt là Trung tâm Thương binh). đó là nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo, một cây bút phóng sự nổi tiếng của làng báo.

Tôi được biết nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã vào thăm anh Phòng 3 lần để chuyển tiền vận động mọi người giúp đỡ anh Phòng.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (giữa, cầm máy ảnh) đưa phóng viên đến làm phim về thương binh. Ảnh: NVCC

1. Qua trò chuyện ban đầu, tôi được nghe nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể: “Tôi thân thiết với Trung tâm Thương binh, đến nỗi nhiều lần đến thăm thương binh, anh em đều giữ tôi lại không cho về. Tôi nhớ có lần giữa trưa anh Phòng và mấy thương binh nhậu rồi hát bài Năm anh em trên một chiếc xe tăng, và lúc ấy tôi đã bắt điện thoại cho nhà văn Hữu Thỉnh cùng nghe khiến anh Hữu Thỉnh vô cùng xúc động”.

Sau lần ấy, tôi còn vào thăm người thương binh tên Phòng vài lần nữa. Những lúc anh Phòng tỉnh, tôi được nghe nhiều chuyện về nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Anh Phòng nói với tôi: “Ông Nhân (nhà báo Huỳnh Dũng Nhân) tốt lắm, năm nào cũng xuống thăm anh em chúng tôi đôi lần, ông còn đưa nhiều đoàn sinh viên đến nói chuyện với chúng tôi. Vui lắm. Rồi nhiều lần ông còn mời các nghệ sĩ, nhà hảo tâm đến hỗ trợ thương binh. Anh em thương binh tại Long Hải không ai là không biết ông Nhân, ông ấy ơn nghĩa với thương binh nhiều lắm”.

Ít ngày sau, thương binh Nguyễn Văn Phòng mất. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cùng tôi và nhiều đồng nghiệp khác đã về Trung tâm Thương binh, đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tại đây, tôi thật bất ngờ thấy nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được các cô chú thương binh ở đây yêu quý như người nhà. Anh đến nhà ai cũng nhớ tên từng thương binh và hỏi thăm chuyện gia đình mỗi người một cách thân thiết, gần gũi. Một thương binh mù cả hai mắt ngồi trong nhà chỉ nghe tiếng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ngoài cửa đã nhận ngay ra anh. Nhưng tôi ấn tượng hơn cả là chú chó cưng của anh Phòng. Nó quấn lấy chân nhà báo Huỳnh Dũng Nhân như đã thân quen từ lâu vậy.

2. Sau buổi cùng xuống Long Hải, tôi có dịp ngồi với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân lâu hơn. Hỏi về cơ duyên làm bạn với thương binh gần 30 năm, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể lại: “Năm 1993, trong một lần đi công tác ở Vũng Tàu, tôi tình cờ biết đến nơi đây. Thế là tôi mượn xe gắn máy phóng sang Long Hải làm việc với ban giám đốc và thăm anh em thương binh. Lần ấy, tôi dự một bữa ăn mà mọi người chỉ kê cái bàn tròn, không có ghế. Lát sau các thương binh mới tự điều khiển xe lăn đến tụ tập, thế là thành bàn tiệc. Hình ảnh bàn ăn không cần ghế này làm tôi nhớ mãi. Từ đó, tôi chơi thân với nhiều thương binh, hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh riêng của từng anh chị em. Lúc đó ở đây có 62 thương binh, sau này có thêm 24 thương binh tâm thần, nhưng mỗi năm cũng mất đi mấy anh chị do vết thương quá nặng, bệnh cũ tái phát hoặc già yếu. Sau chuyến đi đó, tôi viết phóng sự Vết xe lăn trên cát Long Hải đăng trên Báo Lao Động. Từ bài viết này, nhiều địa phương, đơn vị đã đến thăm, tặng quà thương binh. Nhiều báo đài, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, văn nghệ sĩ nổi tiếng nhất của TPHCM cũng đến biểu diễn phục vụ anh chị em thương binh. Có những lần các nghệ sĩ vừa diễn vừa khóc, nhất là khi nhìn thấy những giọt nước mắt chảy ra từ những hốc mắt của các thương binh mù, hay thấy các thương binh vỗ tay bằng cánh tay cụt đến khuỷu, hoặc thấy anh em thương binh gảy đàn tưởng tượng trên cây nạng gỗ...

Bác sĩ Phan Thống, Phó Giám đốc Trung tâm Thương binh, từng nói: “Nếu không có những bài báo của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thì trung tâm chả được nhiều người biết tới như hôm nay”. Những món quà của các đoàn thể không chỉ mang lại sự thay đổi về đời sống vật chất mà còn đem lại niềm tin yêu cuộc sống, sự lạc quan cho thương binh. Từ một đơn vị có nhiều yếu kém trước đây, Trung tâm Thương binh đã phấn đấu trở thành đơn vị tiên tiến, được tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua và được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, động viên khen thưởng.

3. Anh Nguyễn Văn Hoàng, thương binh quê Long An, kể cho tôi nghe kỷ niệm thú vị về nhà báo nặng lòng với thương binh này. Tại đám cưới của anh, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã mang quà của báo và của một số doanh nghiệp đến chúc mừng hạnh phúc. Có lần nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đưa Đoàn cải lương Trần Hữu Trang đến biểu diễn cho thương binh xem vào ngày 28 Tết đến mờ sáng mới về. Lại có lần đến sát tết rồi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân còn một mình phóng xe Honda xuống khu thương binh tặng anh chị em 100 cuốn lịch để kịp treo tết. Nếu đơn vị hay cá nhân nào muốn xuống thăm thương binh là nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tình nguyện kết nối và nhiều khi anh cũng làm người hướng dẫn mọi người đi thăm Trung tâm Thương binh.

Anh thương binh Vũ Văn Hấn, lính xe tăng, quê Thái Bình, kể: “Một lần, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nghe thương binh tâm sự: Chúng tôi cũng hay được đi TPHCM nhưng toàn đi bằng xe... cứu thương. Cứ từ Long Hải đến Bệnh viện Quân y 175 rồi về. Chả biết TPHCM đổi thay thế nào, cả cái hầm Thủ Thiêm cũng không biết ra sao”. Ngay sau đó, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cùng Tạp chí Du lịch vận động một số đơn vị tổ chức ngay một chuyến du lịch cho anh chị em thương binh đi thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng, Khu du lịch Suối Tiên... và chuyến đi này có sự giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM. Anh dặn tài xế dù thế nào cũng cho xe đi qua hầm Thủ Thiêm để anh em tham quan.

Huỳnh Dũng Nhân tận dụng mọi thời điểm, hoàn cảnh, mọi dịp công tác để có thể hướng những người mình gặp, mình giảng dạy biết đến các anh thương binh tại Trung tâm Thương binh. Khi tham gia giảng dạy một lớp tập huấn cho cộng tác viên Báo Hải Quân tại Long Sơn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà báo cũng đề nghị lớp dành ngày nghỉ của mình đi thăm và tặng quà cho Trung tâm Thương binh. Hình ảnh 25 sĩ quan hải quân mặc quân phục chỉnh tề đứng sau hàng xe lăn của các thương binh cùng hát vang ca khúc Đời mình là một khúc quân hành đã khiến ai nấy vô cùng xúc động. Tại đây, anh Tống Viết Bình, Giám đốc Trung tâm Thương binh, đã tặng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân một bức tranh thêu có chữ TÂM để kỷ niệm 25 năm nhà báo Huỳnh Dũng Nhân gắn bó chia sẻ với Trung tâm Thương binh.

Trong một đợt tuyên dương những điển hình trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Thành ủy TPHCM, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng được tuyên dương cá nhân điển hình vì đã có những đóng góp cho thương binh bằng những việc làm rất cụ thể ấy. Cho đến bây giờ, khi nhắc đến Huỳnh Dũng Nhân, những thương binh tại Long Hải vẫn coi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có công rất lớn trong việc đã viết nhiều tác phẩm và có công kết nối để mọi người biết đến sự tồn tại của những thương binh ở Trung tâm Thương binh đã hy sinh cả thanh xuân cho Tổ quốc!

NGUYỄN NGA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mot-nha-bao-gan-30-nam-gan-bo-voi-thuong-binh-672805.html