Một người tử vong do ăn bún riêu chay

Ngày 26/3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương cho biết sau khi tiếp nhận công văn của Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh ngày 25/3 về 2 trường hợp nghị nhiễm độc do ăn bún riêu chay (nghi nhiễm Botulinum toxin) đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2, 1 trường hợp tử vong (điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy).

Đây là độc tố của vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

BS. CK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bệnh nhi điều trị tại bệnh viện liên quan là bé gái tên P.N.T.T, sinh năm 2005 ở Bình Dương hiện đang suy hô hấp và được thở máy.

 Một bệnh nhân ngộ độc do ăn bún riêu chay đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh.

Một bệnh nhân ngộ độc do ăn bún riêu chay đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, em có ăn bún riêu chay do bố mẹ đem về, 17h30 ngày 21/3 em bắt đầu đau đầu, chóng mặt, nôn, không tiêu chảy. Đến 3h30 ngày 22/3 em chóng mặt, ói nhiều hơn, cứng lưỡi, vẫn còn tỉnh táo, tay chân hoạt động bình thường người nhà cho bé nhập viện ở Bình Dương.

Đến 13h chiều cùng ngày, em mệt lả, vẫn còn ói nhiều, cứng lưỡi nhiều hơn, đàm nhớt ở họng nhiều. Tuy nhiên, em ko ho ra được, phải dùng dụng cụ hút đàm nhớt thường xuyên nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2, em tỉnh GCS 12 điểm, suy hô hấp, ứ CO2 nhiều nên được đặt nội khí quản, thở máy. Hiện các bác sĩ khoa Nhiễm đang nỗ lực hết sức để cứu chữa cho em.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương cho biết đã có báo cáo kết quả bước đầu vụ việc một người dân tại Bình Dương tử vong và 5 người khác đang nguy kịch nghi do ngộ độc do pate chay.

Người bị tử vong là bà C.N.M (42 tuổi, HKTT tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), với nguyên nhân bị viêm não, viêm tủy và viêm thân não.

Ngày 20/3 bà M và bà C.N.H đi chợ mua nguyên liệu để nấu bún riêu (trong đó có chả chay và pate chay) để nấu cho các phật tử đang sinh hoạt tại miếu Chiêu Liêu (phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một) ăn trưa, có khoảng 25 đến 30 người ăn bữa trưa tại đây.

Sau bữa trưa, bà M có biểu hiện cứng lưỡi, khó nuốt và nhanh chóng được chuyển đi bệnh viện cấp cứu. Sau đó, một số người khác cùng ăn trưa với bà M cũng có biểu hiện tương tự và cũng được chuyển đi bệnh viện cấp cứu.

Cơ quan chức năng xác định bà M và bà H là người trực tiếp đi mua nguyên liệu để nấu bún riêu. Tuy nhiên, bà M đã tử vong còn bà H đang cấp cứu tại Bệnh viện 115 trong tình trạng nguy kịch nên chưa xác định được chính xác các nguyên liệu đã mua và mua ở đâu.

Hiện tại, đoàn liên ngành vẫn đang tiếp tục điều tra lấy mẫu chả chay và pate chay trên thị trường để xét nghiệm tìm độc tố vi khuẩn Clostridium Botulinum. Đồng thời, tuyên truyền đến người dân không sử dụng sản phẩm chả chay, pate chay hết hạn sử dụng, không rõ nguyên gốc xuất xứ, không nhãn mác, hình dáng không còn nguyên vẹn.

Hiện tại, có 5 người cùng ăn trưa với bà M đang được cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 và BV Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh trong tình trạng nguy kịch.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/tu-vong-do-an-bun-rieu-chay-635304/