Một người thầy đặc biệt

Dù cơ thể không lành lặn, nhưng 8 năm qua, anh Phùng Văn Trường, sinh năm 1979, ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội - 'người thầy đặc biệt' vẫn truyền cảm hứng học tập cho các em nhỏ.

Sinh ra lành lặn nhưng năm 2 tuổi, chân tay anh Trường bắt đầu có dấu hiệu của chứng teo cơ và yếu dần. Những năm tháng học sinh, cậu bé Trường đều phải tự mình chống nạng hoặc nhờ vào sự giúp đỡ mọi người để đến trường. Sau khi học hết lớp 8, đôi tay gần như mất dần cảm giác, khiến anh phải ngồi xe lăn. Muốn học lên lớp cao, nhưng nhà cách xa trường, không ai đưa đón, anh đành phải nghỉ học.

''Thầy giáo Trường'' với các học trò trong lớp trong tình thương.

8 năm nay, khi bán hàng tạp hóa trong căn nhà nhỏ, muốn nhớ rõ ràng từng khoản thu chi hay khi nhìn con viết chữ xấu, anh muốn dạy nhưng bản thân cũng không nâng nổi chiếc bút. Vì vậy, anh đã quyết tâm thực hiện viết chữ bằng miệng để có thể thực hiện được ước muốn đó.

Ngậm bút giữa hai hàm rằng, những ngày mới tập viết, động tác của anh chỉ như một đứa trẻ. Vượt qua nhiều khó khăn, khổ công rèn luyện, sau một thời gian, anh đã làm có thể làm chủ được chiếc bút, linh hoạt viết chữ theo ý muốn. Anh tập làm quen với những mẫu chữ trên tivi, sau đó tự nghĩ ra kiểu chữ viết cho riêng mình. Khi đã thành thạo, anh tập hợp các cháu ở trong thôn đến để cùng “thi đua” rèn chữ. Lâu dần, những đứa trẻ kéo nhau đến học ngày mỗi đông. Ấn tượng là chúng không chỉ được anh Trường dạy chữ, mà còn được truyền thụ về phương pháp làm toán, tập đánh vần.

Ngoài việc dạy học cho học sinh, mỗi ngày 'thầy giáo Trường' đều dùng miệng rèn chữ viết.

Lớp học của anh không có phấn trắng bảng đen, không mà đơn giản chỉ là một chiếc sọt nhựa dùng để đựng những cuốn sách giáo khoa hay tập vở. Học sinh có thể đến học vào bất cứ thời điểm nào và học trong bao lâu tùy theo ước muốn. Ngày nào cũng vậy, lớp học của anh luôn rộn ràng tiếng học trò, nhưng đông nhất là vào những ngày hè, sĩ số có thể lên đến 20 em học sinh ở độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5.

Thời gian đầu anh dạy học miễn phí. Nhưng cảm phục nghị lực và hoàn cảnh của thầy, nhiều phụ huynh đã rủ nhau góp chút tiền ít ỏi để anh mua dụng cụ học tập, đỡ dần gia đình. Dù dạy được rất nhiều học sinh, nhưng anh Trường chỉ một mực khiêm tốn nhận mình là người truyền cảm hứng học tập đến cho các em. “Bọn trẻ thấy tôi viết chữ bằng miệng thì thích thú lắm. Đó là một công việc ý nghĩa, mình mà viết chữ xấu thì khó lòng hướng dẫn các cháu”, anh Trường cho biết.

Dù viết chữ bằng miệng nhưng nét chữ 'Thầy giáo Trường' vẫn rất đẹp, truyền cảm hứng mãnh mẽ đến cho các học trò của mình.

Em Nguyễn Thị Hương Xuân, học sinh lớp 2C, trường tiểu học Hoàng Văn Thụ tâm sự: “Em theo học thầy Trường đã nhiều năm nay. Đến đây, em đã học cách viết chữ đẹp, cách giải toán hay, điều đó đã bổ sung rất lớn cho em trong quá trình học tập tại trường”.

Đã từ lâu các em học sinh ở khắp đến đây đều coi anh Trường là thầy giáo, là người chở đò thầm lặng giúp các em trưởng thành trong học tập. Anh Trường giờ ngồi xe lăn, chân tay đôi lúc run rẩy, lóng ngóng song như vành trăng khuyết, anh Trường kiên cường đem cuộc đời mình rọi ánh sáng để những đứa trẻ được học tập, truyền cho các em nghị lực và niềm tin trên con đường học vấn.

Bài và ảnh: Minh Phúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mot-nguoi-thay-dac-biet-303319.html