Một ngôi sao điện ảnh bị cảnh sát bắn chết vì … hiểu lầm

Ngày 30 tháng 8 vừa qua, tên của nữ minh tinh một thời Vanessa Marquez lại một lần nữa được nhắc đến trên rất nhiều tờ báo nổi tiếng ở Mỹ, nhưng không phải vì cô vừa xuất hiện trong một bộ phim mới, mà là vì cái chết đầy bi kịch của cô: Vanessa đã bị cảnh sát bắn chết vì một hiểu lầm tai hại.

Vanessa sinh ngày 21 tháng 12 năm 1968, tại bang California, Mỹ. Giống như rất nhiều đứa trẻ lớn lên gần kinh đô điện ảnh Hollywood, cô bé Vanessa cũng khao khát được trở thành một diễn viên nhí như những thần tượng của mình là Judy Garland, Shirley Temple và Bessie Love. Vanessa liên tục gửi hồ sơ của mình đến vô số quản lý, nhà sản xuất và hãng phim danh tiếng nhưng không một ai chú ý đến cô bé gốc Mexico thân cô thế cô.

Mãi đến tận năm 1988, Vanessa mới nhận được vai diễn lớn đầu tiên ở tuổi 20 - một độ tuổi vừa vặn để bắt đầu sự nghiệp ở Hollywood - với vai diễn cô giáo Ana Delgado thông minh và xinh đẹp trong phim "Stand and Deliver”. Bộ phim kinh phí thấp với nội dung giản dị và một dàn nhân vật gồm toàn người gốc Mexico đã đạt được thành công không ngờ tới.

“Stand and Deliver” thu về 13 triệu USD, mang lại cho nam diễn viên lừng danh Edward James Olmos giải Oscar cho diễn viên nam chính xuất sắc nhất đầu tiên trong sự nghiệp, và một khởi đầu khiêm tốn nhưng đáng nhớ dành cho sự nghiệp của Vanessa tại kinh đô điện ảnh thế giới - một nơi nổi tiếng phân biệt chủng tộc, đặc biệt là với người gốc Mexico.

Những tưởng bộ phim kinh điển này sẽ ngay lập tức khiến người đẹp California nổi tiếng, nhưng phải đến tận năm 1992, Vanessa mới xuất hiện trở lại trên truyền hình với một vai diễn trong phim “Melrose Place”. Tên tuổi cô thực sự được khán giả xem truyền hình biết đến sau khi xuất hiện trong phim “Seinfeld” - bộ sitcom huyền thoại của Mỹ. Vanessa đã gây được ấn tượng mạnh mẽ khi thủ vai cô thư kí xinh đẹp, ranh mãnh, thông minh với nụ cười ngọt ngào và tươi trẻ - nụ cười về sau trở thành nét đặc trưng cho mọi vai diễn của cô.

Năm 1994, Vanessa có được vai chính đầu tiên trong sự nghiệp: cô có cơ hội được thủ vai y tá Wendy Goldman trong phim truyền hình “ER”. “ER” là một phim truyền hình lấy chủ đề y khoa và tình cảm - hai chủ đề có thể nói là được lòng người xem truyền hình tại Mỹ nhất. Series này có 15 phần, kéo dài 331 tập, được trình chiếu trên kênh NBC suốt 15 năm và trở thành phim truyền hình giờ vàng dài nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ.

Trong suốt thời gian được trình chiếu, “ER” được đề cử 124 giải Emmy và chiến thắng 23 lần. Ngoài ra, “ER” còn chiến thắng 116 giải thưởng lớn nhỏ khác. Đối với một nữ diễn viên chưa thực sự thành sao, cơ hội được góp mặt trong một series phim quốc dân với lượng người xem đạt trung bình hơn 10 triệu lượt mỗi tập như “ER” là vô cùng quý giá, và Vanessa đã tận dụng cơ hội này một cách triệt để. Cô thậm chí đã trụ lại được trên trường quay của chương trình nổi tiếng tận đến 3 năm, từ năm 1994 đến năm 1997.

Nữ y tá Wendy Goldman nhanh chóng chiếm được tình cảm của khán giả nhờ vào tính cách dịu dàng và ngây thơ của mình. Cô thường xuyên tạo ra những tình huống hài hước, một liều thuốc bổ cho “ER”, vốn là một bộ phim rất căng thẳng và đau lòng.

Trong quãng thời gian này, Vanessa tiếp tục xuất hiện trên một số phim truyền hình danh tiếng khác bao gồm “Melrose Place” và “Malcolm & Eddie”, cùng hai bộ phim độc lập là “Blood in Blood out” và “Twenty Bucks”. “Twenty Bucks” đã vinh dự được tái hiện lại ở một trong những bộ phim hoạt hình thành công nhất trong nhiều năm trở lại đây tại Mỹ: “Family Guy”.

Hình ảnh gần đây của Vanessa.

Sự nghiệp của Vanessa tuy vụt sáng như một ngôi sao băng nhưng rồi lại cũng sớm tắt lịm. Một trong những lý do cho kết thúc đáng tiếc của nghiệp diễn của cô chính là bộ phim đã khiến cô thành sao, “ER”.

Tháng 10 năm 2017, trong một bài viết trên Facebook cá nhân, Vanessa công khai cho biết cô đã bị quấy rối tình dục và phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc từ chính những bạn diễn của mình: “Tôi bị sàm sỡ và nhục mạ vì gốc gác Mexico ngay trên trường quay “ER”, gần như mỗi ngày, ngay trước mặt dàn diễn viên. Mọi người cười ầm lên trong khi tôi bật khóc vì đau đớn và nhục nhã. Khi một nữ nhân viên thuộc bộ phận quan hệ công chúng yêu cầu kẻ tấn công tôi là Eriq LaSelle xin lỗi, anh ta chỉ phì cười và trả lời: “Tôi tưởng cô ta thích thế cơ mà?”

Những ngôi sao còn lại ư? Toàn những kẻ phân biệt chủng tộc.” Sau sự cố đó, Vanessa rời khỏi bộ phim “ER”, còn Eriq tiếp tục đóng vai chính thêm 8 phần phim nữa và xuất hiện trong hai tập phim cuối. Trong một bài viết trên Tweeter, Vanessa tố cáo thêm một siêu sao Hollywood nữa là George Clooney: “Clooney đã góp phần khiến tôi bị đưa vào danh sách đen và cuối cùng là đuổi việc khi chúng tôi cùng đóng “ER”!”.

Người đàn ông quyến rũ nhất thế giới đã ngay lập tức bác bỏ cáo buộc của Vanessa: “Tôi không phải là biên kịch, đạo diễn, hay nhà sản xuất của “ER”. Tôi là một diễn viên, và một diễn viên thì không có quyền loại bỏ bất kì ai.” Vanessa mắc chứng trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và động kinh sau khi ngừng đóng “ER”. Những chứng bệnh tâm lý, cộng với sức khỏe yếu và chứng nghiện mua sắm đã khiến Vanessa gần như không có được vai diễn nào nữa.

Tối 30-8, chủ nhà của Vanessa đã yêu cầu cảnh sát đến căn hộ của cô vì Vanessa đang lên cơn động kinh và không thể kiểm soát được bản thân. Sau khi được hỗ trợ y tế, Vanessa tiếp tục trò chuyện với hai viên cảnh sát gần một tiếng đồng hồ. Đột nhiên, cô tiếp tục lên cơn kích động và rút súng nhắm vào phía cảnh sát.

Bị bất ngờ, một trong hai viên cảnh sát đã nổ súng. Sau khi kiểm tra, phía cảnh sát bất ngờ nhận ra trong tay Vanessa chỉ là một khẩu súng giả. Dù đã được đưa đến bệnh viện ngay sau đó, nữ diễn viên đã qua đời vì mất quá nhiều máu lúc 0h48 , ở tuổi 49.

Trong bài viết cuối cùng của mình trên Twitter, Vanessa đã diễn tả niềm vinh hạnh khi được xuất hiện trong phim “Stand and Deliver” - bộ phim về sau được đưa vào danh sách những phim cần được lưu giữ cho thế hệ sau tại thư viện quốc gia: “Nếu bạn may mắn, bạn sẽ thực hiện được ước mơ và được làm những việc bạn cần phải làm.

Còn nếu bạn thực sự, thực sự may mắn, bạn sẽ được xuất hiện trong một bộ phim làm nên lịch sử và có sức ảnh hưởng lên hàng triệu con người. Bạn sẽ còn sống mãi trong lòng khán giả, kể cả khi bạn đã qua đời”.

Thi San

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/mot-ngoi-sao-dien-anh-bi-canh-sat-ban-chet-vi-hieu-lam-509394/