Một ngày vất vả kiếm tiền đi học của nữ sinh nghèo người Hmông được tuyển thẳng vào đại học

Trong khi các bạn đang đi du lịch, xả hơi, nghỉ dưỡng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT thì Mua Thị Chở lại quần quật với công việc nhà, trẩy đào bán để mong kiếm được tiền đóng học.

Mới đây, Mua Thị Chở, sinh năm 2.000, trú tại thôn Sủng Là Dưới, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là thí sinh duy nhất ở xã Sủng Là đượcTrường Đại học Khoa học Thái Nguyên tuyển thẳng vào ngành Ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, vì nhà đông con, quá nghèo nên Chở có nguy cơ không được đi học.

Giấy gọi vào thẳng đại học của Mua Thị Chở.

Giấy gọi vào thẳng đại học của Mua Thị Chở.

Ngôi nhà lụp xụp 3 bề đắp đất, phía trước thưng bằng ván mỏng, lợp ngói âm dương được làm từ 20 năm trước... nằm ở lưng chừng núi đang là nơi trú mưa nắng của cả đại gia đình 8 người, gồm: Bố, mẹ, em trai, vợ chồng anh trai với hai đứa cháu nhỏ của Chở chung sống. Các chị gái của Chở thì đã đi lấy chồng và ở nơi khác.

Mua Thị Chở là con thứ tư trong gia đình có 5 anh chị em.

Nhà của gia đình Mua Thị Chở được làm từ 20 năm trước.

32 tấm giấy khen và giấy chứng nhận thành tích suốt 12 năm học phổ thông được Chở chụp ảnh gửi nhờ facebook giữ hộ, để sau này các em, các cháu noi gương mà xóa nạn mù chữ. Trên nhà không đủ chỗ treo nên nhiều bằng khen, giấy khen được Chở giăng hàng treo ở bếp làm niềm vui cho cả nhà.

Chở đang là niềm tự hào của cả xã, bởi từ trước đến giờ cả xã chỉ có em là duy nhất được học đến cấp 3 và thoát khỏi cảnh tảo hôn. Chở biết chỉ có đi học đại học thì mới có kiến thức, trưởng thành để về xây dựng quê hương, góp phần giúp đỡ đồng bào trên vùng cao thoát khỏi nghèo.

Trên nhà hết chỗ treo, Mua Thị Chở treo bằng khen, giấy khen ở cả dưới bếp

Khác với những năm học phổ thông ở trường dân tộc nội trú, giờ bước chân vào trường đại học, Chở sẽ không được Nhà nước hỗ trợ ăn học hoàn toàn mà phải có những đóng góp đầu năm học và tự lo sinh hoạt phí cho mình

Giấy chứng nhận học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo của Chở

Trong khi các bạn đang đi du lịch, xả hơi sau kỳ thi tốt nghiệp THPT thì Mua Thị Chở lại quần quật với công việc chăm sóc gia súc, trẩy đào bán để kiếm tiền đóng học. Chở về nhà lao động giúp đỡ cha mẹ, liên tục đi hái đào và bán đào. Hết vườn đào của nhà, em thu hái và bán tới các nhà lân cận với mong muốn tích cóp thêm tiền đi học.

Chở cũng tập tành bán hàng online trên facebook

Chở cũng tập tành bán hàng online trên facebook với quảng cáo: “Mọi năm nghỉ hè em phải đi làm, không được ăn đào. Năm nay về nhà đúng thời gian đào chín rộ. Đào trồng trên cao nguyên đá Đồng Văn, một số cây do chính tay em trồng. Quả rất to và ngon, không có thuốc trừ sâu, không có chất hóa học gì... hoàn toàn là đào chin cây tự nhiên. Mọi năm em tự đi tận Bắc Mê bán nhưng năm nay bận học hành, thi cử và nhiều việc phải làm ở nhà nên em không đi bán được.

Hiện đào đã chín rộ và đang rất ngon. Mọi người ủng hộ cho em đi ạ để em có chút tiền đi học".

Dưới đây là một số hình ảnh một ngày làm việc của Chở.

Chở tâm sự, cuộc sống của người dân trên cao nguyên đá Đồng Văn rất vất vả. Một ngày của Chở là sáng sớm dậy khi những cành ngô còn ướt đẫm sương đêm để đi hái rau, cắt cỏ.

Rồi về nhà nấu cơm cho gia đình

Ngoài bán đào, Chở còn chăm sóc trâu, bò, lợn, gà giúp bố mẹ

Ngoài bán đào, Chở còn chăm sóc trâu, bò, lợn, gà giúp bố mẹ

Không chỉ việc nhà, Mua Thị Chở cũng như những thiếu nữ H'Mông khác phải lên nương rẫy chăm sóc nương ngô, trỉa bắp mang về ăn.

Cuối buổi lên nương thì lên núi lấy củi về cho gia đình đun hàng ngày và dự trữ chuẩn bị mùa đông.

Chiều muộn, Chở đi hái đào để tối về đóng hộp gửi cho khách – đây là khoản thu nhập chính để em có kinh phí cho năm học mới.

Bữa cơm đầm ấm của cả gia đình.

Đó là những công việc hàng ngày của Mua Thị Chở trong thời gian nghỉ hè. Công việc dù khá vất vả nhưng Chở luôn cố gắng để có thêm kinh phí đi học đại học.

Mua Thị Chở mong học xong sẽ được trở thành hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu, quảng bá cảnh đẹp cao nguyên đá Đồng Văn và những văn hóa truyền thống tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước.

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/mot-ngay-vat-va-kiem-tien-di-hoc-cua-nu-sinh-ngheo-nguoi-hmong-duoc-tuyen-thang-vao-dai-hoc-20190711112732301.htm