Một ngày sau khi đổi tiền, các thành phố Venezuela gần như 'tê liệt'

Venezuela ngày 21/8 dường như 'tê liệt' khi mọi người ngừng các hoạt động để tìm cách thích ứng với đồng tiền mới phát hành.

Đồng 2 bolivar mới của Venezuela. Ảnh: AFP

Đồng 2 bolivar mới của Venezuela. Ảnh: AFP

Trước đó, ngày 20/8, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã cho phát hành tiền mới để định giá lại và đặt tên lại cho đồng bolivar là “bolivar chủ quyền”. Tổng thống Maduro cũng tuyên bố ngày 20/8 là ngày nghỉ quốc gia. Đồng bolivar mới được lưu hành ngày 21/8.

Chính phủ Venezuela cho biết động thái này nhằm đối phó với tình trạng lạm phát mất kiểm soát. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nó có thể khiến cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn.

Theo kênh BBC, hàng nghìn doanh nghiệp đã đóng cửa để làm quen với đồng “bolivar chủ quyền” và rất nhiều người lao động nghỉ ở nhà.

Phần lớn thủ đô Caracas vắng lặng khác thường so với một ngày làm việc. Một số thành phần thuộc phe đối lập còn kêu gọi biểu tình nhưng nhiều người chỉ ở nhà vì quá lo lắng về đồng tiền mới.

Tại đa số các thành phố lớn khác, đường phố cũng vắng vẻ lạ thường.

Chợ đen buôn bán đôla ở Venezuela thậm chí còn bị đóng băng khi nước này đổi đồng tiền trong bối cảnh lạm phát cao và kinh tế bất ổn.

Venezuela đã thông báo một số thay đổi quan trọng kèm với đồng tiền mới như tăng lương tối thiểu 34 lần từ ngày 1/9, tăng thuế giá trị gia tăng và cắt giảm trợ cấp nhiên liệu.

Tổng thống Venezuela Maduro. Ảnh: AFP

Tổng thống Maduro cũng cho biết đồng bolivar chủ quyền sẽ được gắn với đồng petro – đồng tiền điện tử của Venezuela được định giá theo giá dầu với mức 1 petro tương đương với 60 USD.

Tuy nhiên, Mỹ đã cấm công dân giao dịch tiền ảo petro và trang giao dịch tiền ảo ICOindex.com thậm chí còn coi đồng petro là “lừa đảo”.

Nhà kinh tế Luis Vicente Leon nói với hãng tin AFP: “Neo đồng bolivar vào đồng petro tức là không neo nó vào đâu cả”.

Đồng bolivar chủ quyền hình thành bằng cách giảm 5 số 0 trên đồng bolivar cũ. Có nghĩa là một cốc cà phê hồi tháng 7 có giá 1,5 triệu bolivar thì giờ chỉ có giá 25 bolivar chủ quyền.

Người dân ở Caracas cũng cho biết họ chỉ được rút 10 bolivar chủ quyền từ máy rút tiền ngày 21/8.

Động thái đổi tiền diễn ra trong bối cảnh Venezuela đang lạm phát ở mức rất cao. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Venezuela sẽ lạm phát ở mức 1 triệu % vào cuối năm 2018. Tính tới tuần trước, lạm phát ở Venezuela là 32.000 %.

Ông Maurice Obsstfeld, cố vấn kinh tế kiêm giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF, nói: “Chúng ta đang chứng kiến tình trạng siêu lạm phát mà chỉ có Zimbabwe là hơn”.

Nhiều người Venezuela đã rời đất nước. Ảnh: AFP

Người Venezuela từ nhiều năm nay đã tràn sang các nước láng giềng để sống. Từ năm 2016, gần 2 triệu người đã rời đất nước. Ở Ecuador, 500.000 người Venezuela đã tới đây từ đầu năm. Theo Liên hợp quốc, đây là một trong những đợt di chuyển dân số hàng loạt lớn nhất Mỹ Latinh trong lịch sử.

Kinh tế Venezuela phụ thuộc mạnh vào dầu. Doanh thu từ dầu chiếm 95% doanh thu xuất khẩu và 25% tổng sản phẩm quốc nội. Khi giá dầu giảm năm 2016, kinh tế Venezuela cũng suy giảm theo.

Ông Peter Hakim, Chủ tịch danh dự và thành viên cấp cao tổ chức Đối thoại liên Mỹ, nhận định: Đột nhiên, Venezuela không còn nguồn lực từng có và nước này còn rất nhiều hóa đơn nhập khẩu từ trước chưa trả.

Để trả các hóa đơn và tiền lương cho nhân viên chính phủ, Venezuela bắt đầu in nhiều tiền hơn. Ông Hakim nói: “Khi in tiền và không có gì đằng sau đồng tiền đó như niềm tin quốc tế, niềm tin quốc gia, thì giá cả bắt đầu tăng”.

Phải dùng cả núi tiền mới có thể mua được một con gà ở Venezuela. Ảnh: Reuters

Người Venezuela hiện nay chỉ ăn hai bữa mỗi ngày và bắt đầu trao đổi thực phẩm và các hàng hóa khác để đổi lấy dịch vụ, ví dụ như cắt tóc.

Khi siêu lạm phát bắt đầu thì nó xảy ra rất nhanh và khó kìm hãm. Zimbabwe, nước chịu siêu lạm phát kỷ lục năm 2008 chỉ kìm hãm lạm phát khi IMF và Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, thực hiện cải cách sâu sắc và từ bỏ đồng nội tệ để dùng đồng đô la.

Siêu lạm phát hủy hoại sức mua và khuyến khích tích trữ hàng hóa vì người dân và doanh nghiệp đều cho là giá cả sẽ tăng cao.

Không chắc chắn về giá cả làm mất động lực của người bán và người mua. Các chủ nhà hàng ở Venezuela không có thực đơn in giá sẵn còn siêu thị cũng không niêm yết giá.

Kế hoạch nói trên là một phần trong chương trình khôi phục kinh tế của Chính phủ Venezuela, trước hết là chặn đà lạm phát phi mã đang gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trầm trọng ở quốc gia Nam Mỹ này.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/mot-ngay-sau-khi-doi-tien-cac-thanh-pho-venezuela-gan-nhu-te-liet-20180822154631242.htm