Một ngày rong chơi Cù Lao An Bình

Nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, Cù lao An Bình thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long với diện tích rộng khoảng 60 km vuông gồm 4 xã: An Bình, Hòa Ninh, Bình Hòa Phước và Đồng Phú.

Đây là địa phương có thế mạnh bậc nhất của Vĩnh Long về du lịch sông nước miệt vườn gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp tỉnh. Hiện nay, cù lao nầy mỗi năm thu hút trên 600.000 ngàn lượt du khách đến tham quan, thưởng lãm.

Thu hoạch chôm chôm ở An Bình

Ông Mã Đức Chung, du khách đến từ Quảng Đông, Trung Quốc nhận xét: “Tôi đã có dịp rong chơi rất nhiều cù lao miền Tây như Tân Lộc của Cần Thơ; Cù Lao Phong Nẫm của Sóc Trăng; cù lao Dài của Vĩnh Long…nhưng chưa thấy đâu lại sung túc, giàu có, mến khách như ở đây. Cạnh đó cù lao nầy có khá nhiều điểm tham quan, giải trí rất hấp dẫn”.

Chúng tôi dừng chân ở điểm đầu tiên là chùa Tiên Châu, di tích LSVH cấp quốc gia với nhiều câu chuyện huyền thoại tâm linh. Chùa rất thoáng đãng với nhiều pho tượng Phật quý hiếm. Dù là ngày thường nhưng lượng khách đến viếng rất đông. Ngoài sân chùa có một cây đa hơn trăm năm tuổi to lớn, tạo vẻ kỳ bí cho khu di tích nầy.

Sầu Riêng trên cù lao An Bình

Rời chùa, chúng tôi di chuyển bằng xe hai bánh đến KDL rất nổi tiếng Vinh Sang. Nếu từ bên kia sông, du khách có thể đến KDL nầy chỉ mất 5 đến 10 phút nhưng di chuyển bằng xe hai bánh rất vất vả vì đường khá hẹp, quanh co, nhưng bù lại du khách cảm thấy rất nhẹ nhõm bởi vô số vườn nhãn, cam, bưởi, sầu riêng và nhất là chôm chôm. Đến đây nhiều người trong đoàn rất thích mặc áo “long bào” của vua để chụp ảnh lưu niệm; đu mình trên lưng các con đà điểu khổng lồ; hóa thân thành những người nông dân rặc ri để tát cá đồng; thưởng thức những món ăn dân dã rất “Vĩnh Long” như : cá lóc nướng trui, cá tai tượng chiên xù, lẩu trái bần nấu cá ngác đi kèm với rượu đế Xuân Thạnh ( Trà Vinh) hay rượu đế Phú Lễ (Ba Tri)… Khu du lịch trang trại Vinh Sang nầy đã được Hiệp hội du lịch Đồng sông Cửu Long bình chọn là một trong bốn điểm đến hấp dẫn nhất năm 2009.

Ông Hà Ban, du khách đến từ tỉnh Gia Lai hào hứng nói: “Không gì thú vị hơn khi ngồi đây nghe đờn ca tài tử miệt vườn, nhậu lai rai với những món ăn độc, lạ, ngồi ngắm sông Cổ Chiên trong hoàng hôn thấp thoáng trăng lên. Tuyệt lắm”.

Di tích LSVH cấp quốc gia chùa Tiên Châu

Chúng tôi “hành quân” về hướng nhà cổ Cai Cường để tận mắt chứng kiến một di tích kiến trúc nghệ thuật có hơn 200 năm tuổi nhưng vẫn còn rất tốt do được bảo quản chu đáo. Chủ nhân ngôi nhà hào phóng mời chúng tôi dùng những trái nhãn “Hồng Phúc” ngọt ngào cùng với những dĩa mãng cầu “Hoàng Hậu”. Thấy chúng tôi thắc mắc về những cái tên lạ, chủ nhân nhà cổ giải thích: Đây là hai loại giống trái cây mới xuất hiện ở cù lao An Bình nầy, người trồng trúng “bể tay” luôn. Nhiều nông dân từ nghèo khó trở thành tỷ phú ngọt xớt như mía lụi”.

Càng đi, chúng tôi càng nhận ra nếp sinh hoạt của cư dân trên vùng đất nầy vẫn còn mang đậm nét văn hóa miệt vườn mộc mạc đơn sơ của thời kỳ khai hoang mở cõi. Hệ thống kênh rạch trên cù lao chằng chịt như một mạng nhện dọc ngang. Chốc chốc là thấy cầu nông thôn với những chiếc xuồng chèo đưa du khách len lỏi giữa những vùng cây trái trĩu cành sai quả. Có rất nhiều hàng dừa xanh mướt một màu, mang đến cho du khách cảm giác thanh bình êm ả, hiền hòa, trong lành đến lạ thường.

Nhãn “Hồng Phúc”, đặc sản của cù lao An Bình

Nói đến Cù lao An Bình là nói đến những vườn cây trái bạt ngàn và luôn có quanh năm. Nhiều nhất là nhãn, chôm chôm, xoài, sầu riêng, mít, bưởi, mận, cóc, ổi, mảng cầu, bòn bon, sapôchê, măng cụt, ... Nhiều nhà vườn được hình thành theo kiểu “cây nhà, lá vườn” như: vườn ông Ba Hùng, Mai Quốc Nam, Mười Hưởng, Nhà cổ ông Cai Cường…. Khách du lịch có thể thực hiện tour trải nghiệm cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với nông dân tại địa phương rất hấp dẫn.

Trên đường tham quan cù lao, chúng tôi bắt gặp rất nhiều lò sấy nhãn khô. Người hướng dẫn đoàn kể: Chỉ có nhãn cù lao nầy mới sấy khô xuất khẩu được bởi các đặc điểm: Cơm dầy, khô ráo, mùi thơm nhẹ nên người nước ngoài rất thích. Cù lao nầy hiện có hàng chục lò sấy nhãn với hàng trăm lao động.

Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi bắt gặp quá nhiều ngôi nhà cao tầng to rộng, khang trang mọc đầy theo các tuyến đường ngang dọc 4 xã của cù lao. Trên những con đường nhựa bóng láng, phẳng lì là vô số xe tải ngược xuôi chuyên chở trái cây các loại; phân bón, dụng cụ sản xuất. Đó là chưa kể đến có rất nhiều xe honđa đời mới, đắt tiền đi lại dập dìu. Lạ quá. xứ cù lao nầy không có đất trồng lúa bởi toàn bộ diện tích chỉ trồng cây ăn trái do thổ nhưỡng rất phù hợp. Cù lao mà không thấy sự chia cắt với đất liền; không thấy đói nghèo, vất vả lo toan. Đi đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia; những trụ điện cao thế nối dài; những trụ ăng ten viễn thông sừng sững chĩa tháp lên trời cao.

Đoàn chúng tôi ghé thăm lão nông Võ Văn Thiện (4 Thiện), chủ nhân của hàng loạt cây ăn trái lạ cù lao như: Mãng Cầu Hoàng Hậu, Nhãn Hồng Phúc, Chanh nước…và chứng kiến những sản phẩm có một không hai trên ĐBSCL. Ông Thiện khoe: trừ hết chi phí, mỗi năm tui lãi sơ sơ 2 tỷ đồng, năm tới sẽ “sung” hơn. Mà đâu chỉ mình tui, xứ cù lao nầy, kiếm tỷ phú dễ hơn kiếm hộ nghèo. Chuyện đó có thiệt 100%.

Không để mất thời gian quý báu, chúng tôi chia tay ông 4 Thiện để đến tham quan tại Khu du lịch trang trại nuôi trồng thủy sản Mê kông - Đồng Phú (xã Đồng Phú). Nhiều người trong đoàn rất thích thú khi tự tay câu những con cá tra, cá ba sa, cá ngát, cá lăng, cá mè dinh... trong các kinh rạch nhỏ và được hướng dẫn tự chế biến các món ăn đơn giản, giàu chất dinh dưỡng. Thú vị quá đi thôi. Nhiều người đã thốt lên như thế.

Điểm tham quan cuối cùng của chuyến đi là vườn mai vang danh cả nước mang tên Phước Định với hàng chục ngàn cây mai nguyên thủy (tự nhiên, không ghép) và hàng chục ngàn chậu mai ghép. Có nhiều cây mai cổ trị giá hàng tỷ đồng nhưng vẫn chưa đáp ứng cơn săn lùng của các đại gia mê mai cả nước. Làng mai nầy có trên 100 hộ chuyên canh quanh năm và đã được công nhận làng nghề truyền thống.

Đêm về. Trăng đã lên trên dòng Cổ Chiên cuộn chảy do mùa lũ đang về. Chúng tôi thả hồn theo những tiếng đàn thánh thót rất ngọt hồn người, hòa lẫn với những điệu thức bài bản đờn ca tài tử từ các cô gái, chàng trai chân chất xứ cù lao. Đâu đây trong tiếng sông, tiếng gió lộng; trong mây trời, trong ánh trăng huyền diệu, chúng tôi mơ màng nhìn thấy những đoàn người đang khai hoang mở đất trên cù lao An Bình với những lời ca, giọng hát ngọt ngào, rất “ Vĩnh Long”.

TÔ PHỤC HƯNG

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/mot-ngay-rong-choi-cu-lao-an-binh-106612