Một ngày nên có bao nhiêu giờ?

Thoạt tiên, đặt ra câu hỏi đó có vẻ rất ngớ ngẩn, vì ai chẳng biết ngày có 24 giờ, vốn đã mặc định như thế lâu nay theo lịch hiện đại. Còn theo quan niệm của người Việt xưa, ngày đêm có 12 giờ, ứng với thập nhị địa chi (12 con giáp), tức là mỗi giờ của người Việt tương đương với 2 giờ theo lịch phương Tây, mà 'chính ngọ' nhằm lúc 12 giờ trưa. Hay cũng có người gọi 'đêm năm canh ngày sáu khắc', để chỉ khoảng thời gian mà khoa học xác định là tương đương với khoảng thời gian Trái đất hoàn thành một vòng quay quanh trục chính nó (với quy chiếu Mặt trời).

Vậy đâu có vấn đề bàn cãi là ngày có bao nhiêu giờ nữa!

Ấy vậy mà chúng ta vẫn nghe ai đó hay nói: phải chi ngày có 25, 28, 30 giờ để làm cho hết việc! Nghe thật mủi lòng: họ mong mỏi có thêm thời gian để hoàn thành khối lượng công việc lẽ ra phải thực hiện xong trong một ngày, bởi thực tế họ đã rất vất vả để hoàn thành hoặc phải để “leo qua” ngày hôm sau. Đó là một sự giả định, chứ kỳ thực thì dù ngày có đến… 40 giờ thì cũng chỉ có ngần ấy thời gian, chẳng qua chia nhỏ thời gian của từng giờ ra thôi; tức là cũng không thể làm thêm được gì nữa!

Tôi hay đón đọc Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Vào ngày thứ Tư hàng tuần, báo luôn giới thiệu các bài chính của số sẽ ra vào ngày thứ Năm, mà dòng đầu tiên hay đập vào mắt tôi là “TBKTSG số …-2018”. Đến những số 40, 41… trở đi, tôi hiểu là đã đến những tuần cuối của năm rồi, bởi mỗi năm có 52 tuần, tương ứng với 364 ngày. Tự dưng, tôi thấy “lại sắp hết năm rồi ư?”, với sự thảng thốt, khi nhìn thoáng lại, mình chưa làm được gì nhiều; nhìn rộng thêm nữa, như vậy tức là sắp thêm một tuổi nữa, mà thành tựu của một đời người chẳng có gì. Khi ấy, tôi cũng thi thoảng ước: phải chi năm có… 80 tuần thì đỡ hơn, để làm thêm được một số điều đã định trong năm! Chừng “tỉnh lại” thì ôi thôi, 80 hay 100 tuần thì cũng chỉ là quãng thời gian mà Trái đất quay xong một vòng quanh Mặt trời, vốn thường được ghi là 365 ngày, nhưng chính xác hơn phải là 365,242199 ngày!

Hẳn một số người làm việc ở các lĩnh vực khác cũng sẽ có lịch làm việc đếm theo tuần như thế. Đầu năm, các chỉ tiêu được đặt ra cho từng đơn vị, bộ phận và tiến độ có thể được tính theo hàng tháng, hàng tuần. Nếu đến những tuần thứ 40 trở đi, mà khối lượng công việc, các chỉ tiêu còn nhiều thì có thể phải “vắt giò lên cổ” mà chạy, rồi cũng sẽ có người than thở: phải chi có thêm vài tuần nữa…

Như vậy, thời gian có vẻ như là một đại lượng cố định. Ta vẫn hay nghe, đời người có “ba vạn sáu ngàn ngày” (tức tương đương với 100 năm), có “trăm tuổi” (một cách nói ước lệ, chỉ một đời người), hoặc “sáu mươi năm cuộc đời”…, tức là các con số nói chung để chỉ về một kiếp nhân sinh. Nói “dường như” bởi tuy giờ, ngày, tuần, tháng, năm… là một “hằng số” thì biến số là số tuổi của mỗi người. Có người sống đến hơn trăm tuổi, vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và làm việc tốt, nhưng có người chỉ sống đôi ba mươi năm. Hẳn sự khác biệt đó ảnh hưởng không nhỏ đến khối lượng làm việc của từng người. Dẫu vậy, có không ít ngoại lệ. Nhà toán học Pháp Galois (1811-1832) qua đời trong cuộc đấu súng khi chưa đầy 21 tuổi nhưng được coi là một thiên tài toán học, với những công trình mà mãi nhiều năm sau người ta mới hiểu được. Văn hào Nga Lermontov (1814-1841), bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi và trong 27 năm ngắn ngủi cũng đủ đưa ông trở thành nhà thơ lớn thứ hai sau Pushkin, với 4 tác phẩm văn xuôi, 6 vở kịch, 29 tác phẩm thơ… Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) chỉ sống 27 tuổi và chỉ có 9 năm cầm bút nhưng có hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, 1 vở kịch dịch từ tiếng Pháp, một số bài phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về nhiều lĩnh vực…

Như vậy, ngoài tài năng, điều quan trọng khác là liệu người ta sử dụng thời gian của mình như thế nào để đạt kết quả tốt nhất. Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) có một tác phẩm rất nổi tiếng là Lợi mỗi ngày được một giờ, có đoạn viết: “Mỗi ngày có 1.440 phút: lúc ngày mới bắt đầu thì hết thảy chúng ta, ai cũng như ai, được hưởng cái số vốn chung là 24 giờ đó. Ngày của bạn cũng như một số tiền bạn gửi ở ngân hàng, hạn rút lần từng giờ từng phút ra để tiêu. Số giờ, phút có hạn, nhưng bạn được hoàn toàn tự do muốn dùng cách nào thì dùng”. Như vậy, như nhà văn xác định, chúng ta được tự do sử dụng thời gian của mình, nhưng cũng chính vì vậy, ta thường lãng phí thời gian của mình rất nhiều, cho nhiều việc vô bổ, hoặc ta không biết cách sử dụng thời gian đó hợp lý, nên rốt cuộc ta không thực hiện được hết công việc như ta mong muốn hoặc ta không làm được nhiều điều như ta trông đợi.

Sử dụng thời gian hợp lý, hiệu quả có thể coi là một trong những bí quyết lớn lao của những người thành công. Nếu ai đó dành thời gian quá nhiều cho việc lên Facebook, cà phê tán gẫu, “cày” phim, chơi game, “nhậu tới bến”… thì hẳn cũng có những quãng thời gian vui thú nhất định nhưng khó làm được nhiều điều khác mà mình mong muốn. Những việc đó có thể là kiếm tiền, tạo địa vị/danh vọng, đi du lịch, vui vẻ với gia đình/người thân, kết nối bạn bè, làm công tác xã hội…, tức là sẽ để lại những sản phẩm gì đó có ích cho bản thân, gia đình, xã hội, hoặc ít nhất cũng làm được những điều mình thích.

Nguyễn Minh Hải

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283088/mot-ngay-nen-co-bao-nhieu-gio.html