Một ngày khám phá Vườn Quốc gia Bái Tử Long

Những hang động hoang sơ, kỳ bí, những đảo đá muôn vạn hình thù, góc cạnh và một hệ sinh thái đa dạng, độc đáo… là tất thảy những gì chúng tôi cảm nhận được sau một ngày trải nghiệm ở Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Có thể thấy, thiên nhiên đã ưu ái cho nơi đây một vẻ đẹp không phải nơi nào cũng có được. Để gìn giữ vẻ đẹp và những giá trị riêng có đó, là sự cống hiến thầm lặng của rất nhiều người.

Độc đáo - Hoang sơ - Kỳ bí

Sáng sớm một ngày hè oi ả, chúng tôi đến BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long khi những cán bộ nơi đây đang chuẩn bị một chuyến đi thực tế. Đã từng nhiều lần đến đây, nhưng chúng tôi chưa có cơ hội được trải nghiệm đầy đủ cảnh đẹp của Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

Rất vui vẻ với lời đề nghị được theo chân đoàn công tác của chúng tôi, anh Phạm Quốc Việt, Phó trưởngPhòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long) cũng không quên nhắc nhở: “Chuyến đi này khá vất vả, chúng tôi sẽ kiểm tra toàn diện các hang động, rừng cây và phải mất cả ngày.Vì vậy, mọi người phải chú ý an toàn khi leo núi, vào hang sâu đấy!”

Một góc đảo Trà Ngọ lớn.

Một góc đảo Trà Ngọ lớn.

Hơn 7h, chúng tôi lên xuồng từ cầu cảng Cái Rồng hướng về vùng lõi của Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Mới sáng, trời đã nắng gay gắt, những tia nắng vàng óng soi xuống các núi đá, quyện vào sóng biển như những dải lụa hồng khổng lồ uốn lượn chạy tít tắp phía chân trời. Mặc dù đã đọc khá nhiều tài liệu về sự đa dạng, độc đáo của hệ sinh thái Vườn Quốc gia Bái Tử Long, nhưng khi nghe anh Việt giới thiệu, chúng tôi vẫn thấy hấp dẫn và háo hức được khám phá nơi đây đến lạ thường.

Cửa hang Cái Đé - lối vào áng Tái luôn hấp dẫn du khách thích mạo hiểm.

Vườn Quốc gia Bái Tử Long được thành lập theo Quyết định số 85/2001/QĐ-TTg, ngày 1/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Vườn có diện tích 15.783ha, với phần đảo nổi là 6.125ha. Trong Vườn Quốc gia Bái Tử Long có hơn 80 đảo lớn, nhỏ hợp thành 3 cụm đảo chính là Sậu, Trà Ngọ và Ba Mùn. Hệ sinh thái nơi đây đa dạng, phong phú thuộc dạng bậc nhất Đông Nam Á, với 6 hệ sinh thái rừng biển cơ bản là: Rừng ngập mặn; rừng mưa nhiệt đới; rạn san hô; thái thảm cỏ biển; vùng bãi triều và vụng, hang động. Điểm nổi bật, riêng biệt, hiếm có của Vườn Quốc gia Bái Tử Long là có nhiều loài đặc biệt quý hiếm có giá trị khoa học như: Đồi mồi, lim, lát hoa, kim giao, san hô, bào ngư, khỉ vàng, rùa biển…

Dơi và nhũ đá trong hang Cái Đé.

Trong chuyến đi lần này, chúng tôi được đoàn công tác của Vườn Quốc gia Bái Tử Long dẫn đi khám phá nhiều hang động hoang sơ, mang vẻ đẹp rất riêng. Trong đó phải kể đến hang Cái Đé. Nhìn bên ngoài, hang khá nhỏ, nhưng càng vào sâu, lòng hang càng rộng với vô số điều kỳ thú. Ấn tượng nhất có lẽ là lớp nhũ đá hàng triệu năm tuổi đủ hình thù lung linh và hàng nghìn con dơi ẩn mình trên lớp nhũ đá.
Sau gần 40 phút xuyên qua lòng hang Cái Đé, xuồng chúng tôi đến được áng Tái. Anh Việt giới thiệu: Áng Tái và hang Cái Đé là quần thể đẹp, hấp dẫn nhất hiện nay đối với người yêu thích du lịch mạo hiểm khi đến Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Riêng tại áng Tái có diện tích rộng tới trên 10ha với rất nhiều loại động, thực vật quý, hiếm như: Ngán, sá sùng, khỉ đuôi dài, gỗ...

Khỉ đuôi dài trong Vườn Quốc gia Bái Tử Long khá thân thiện, gần gũi với con người.

Cuộc hành trình tiếp tục với việc khám phá đảo Ba Mùn. Trên đảo có quần thể nai vàng còn khá đông và cũng là một quần thể duy nhất ở vùng Đông Bắc nước ta. Ngoài ra, còn các loại động vật khác như: Hươu, khỉ, voọc, các loài chim biển, chim di cư... Ba Mùn hiện là khu bảo tồn động vật hoang dã tự nhiên lớn nhất ở vùng Đông Bắc. Và đây cũng là nơi đặt trung tâm cứu hộ động vật biển lớn nhất miền Bắc.

Được biết, Vườn Quốc gia Bái Tử Long hiện có hơn 2.200 loài sinh vật, trong đó có khoảng 1.000 loài sinh vật trên cạn, còn lại là sinh vật biển. Đáng chú ý, trong đó có tới trên 100 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, như: Táu mặt quỷ, kim giao núi đá, cầy hương, đồi mồi, cá heo...

Khỉ đuôi dài ở Trà Ngọ lớn.

Áng Cái Lim trong Vườn Quốc gia Bái Tử Long được các chuyên gia cao cấp của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN đánh giá là độc đáo nhất Đông Nam Á cả về sinh thái, khoa học, giáo dục và đào tạo. Đây quả là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho nước ta, vừa phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, vừa phục vụ phát triển du lịch sinh thái trong tương lai gần.

Những cống hiến thầm lặng

Trong suốt hành trình khám phá Vườn Quốc gia Bái Tử Long, chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ ở nơi đây, mà còn được chứng kiến những cống hiến lặng thầm đầy ý nghĩa của cán bộ, nhân viên BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

Cán bộ BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long nghiên cứu sự đa dạng sinh học ở Áng Tái.

Đứng dưới tán rừng gỗ lim hàng chục năm tuổi ở đảo Trà Ngọ lớn, anh Lê Văn Luyến, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cái Lim (BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long), bộc bạch: Thời gian trước đây, trên các đảo, động, thực vật quý hiếm bị săn bắn, truy lùng ráo riết. Dưới mặt nước thì ngư dân sử dụng mìn, công cụ khai thác khắp nơi, khiến cho nhiều rạn san hô, nơi cư trú của các loài thủy sản quý hiếm bị tổn thương nghiêm trọng… Bởi vậy, khi Vườn Quốc gia Bái Tử Long được thành lập, lực lượng chuyên trách đã chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn những hành vi xâm hại động, thực vật tại đây. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đến “miếng cơm, manh áo” của không ít người, nên nhiều lần cán bộ của đơn vị đã bị đe dọa đến sự an toàn tính mạng và tài sản.

Mỗi chuyến đi thực tế trong các áng, cán bộ BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long đều phải dùng mảng xốp khá nguy hiểm.

Tiếp lời anh Luyến, anh Nguyễn Văn Thanh, kiểm lâm viên của Trạm Kiểm lâm Cái Lim, chia sẻ: Để phát hiện, bắt giữ những vụ vi phạm là không hề đơn giản. Có những đợt cao điểm, chúng tôi phải trực chiến cả tháng không được về nhà. Phương tiện của đơn vị thì nhỏ, công suất thấp, khi nhận được thông tin có hành vi đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt, chúng tôi phải vật lộn với sóng to, gió lớn, khi lên được tàu vi phạm thì đã say lắc lư. Có đận, chúng tôi vừa cặp vào mạn tàu vi phạm liền bị mấy ngư dân cầm dao định tấn công, phải đấu trí mãi họ mới chấp nhận đưa tàu về nơi xử lý. Không ít lần, anh em chúng tôi bị đối tượng nhắn tin đe dọa. Thế nhưng, bằng tình yêu với công việc, chúng tôi đều động viên nhau ở lại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đồi mồi là một trong 7 loài rùa biển hoang dã, quý hiếm, có tên trong sách đỏ thế giới và Việt Nam có mặt tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

Do phải cập nhật số liệu về hệ thống động, thực vật ở đây, cán bộ, nhân viên của đơn vị đã không quản ngại khó khăn, vất vả lặn ngụp dưới hang sâu, hay leo lên những mỏm đá để kiểm đếm, lấy mẫu từng loài. Vào những ngày thời tiết thuận lợi còn đỡ, nhưng vào mùa mưa bão, chỉ một chút sơ xuất là có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Cán bộ Trạm Kiểm Lâm Cái Lim đánh bắt thủy sản cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Được biết, từ năm 2015 đến nay, BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã duy trì hoạt động tuần tra và phối hợp với các lực lượng của địa phương, của tỉnh tổ chức trên 1.602 lượt tuần tra, kiểm soát bảo vệ các nguồn tài nguyên rừng, biển, cảnh quan và môi trường; phát hiện 51 vụ vi phạm và xử lý hành chính 129 triệu đồng. Để nâng cao công tác bảo vệ, quản lý, BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã kiện toàn tổ chức, biên chế, bố trí hợp lý lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, các mũi; phối hợp chặt chẽ với cơ quan Trung ương và của tỉnh tiến hành nghiên cứu, phân loại tổng thể nguồn động, thực vật đặc hữu nơi đây. Nhờ đó đã góp phần quan trọng hoàn thiện hồ sơ đề cử và được công nhận là Vườn di sản ASEAN vào năm 2016.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra, kiểm soát rừng lim nguyên sinh ở đảo Trà Ngọ lớn.

Những câu chuyện chân thực, gần gũi của cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Bái Tử Long khiến chúng tôi càng cảm phục về những con người đang ngày đêm thầm lặng, góp sức mình gìn giữ kho tàng thiên nhiên vô giá cho hôm nay và mai sau.

Quang Minh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/mot-ngay-kham-pha-vuon-quoc-gia-bai-tu-long-2487714/