Một ngày của nữ bác sĩ khám chữa, phẫu thuật cho chó, mèo

Nữ bác sĩ thú y: 'Nhiều người bỏ ngang nghề vì không chịu nổi áp lực'.

 Tôi tên là Tô Thị Lệ Thu (30 tuổi), làm bác sĩ thú y 7 năm nay. Hiện tôi làm việc tại một bệnh viện thú y tại Hà Đông, Hà Nội. Công việc hàng ngày của tôi chủ yếu là thăm khám, chữa trị hoặc thực hiện phẫu thuật cho thú cưng, chủ yếu là chó và mèo.

Tôi tên là Tô Thị Lệ Thu (30 tuổi), làm bác sĩ thú y 7 năm nay. Hiện tôi làm việc tại một bệnh viện thú y tại Hà Đông, Hà Nội. Công việc hàng ngày của tôi chủ yếu là thăm khám, chữa trị hoặc thực hiện phẫu thuật cho thú cưng, chủ yếu là chó và mèo.

Yêu thích chó mèo từ nhỏ, tôi không nghĩ sẽ làm bác sĩ thú y khi lớn lên. Nhưng run rủi thế nào, thi đại học 2 lần ngành kinh tế đều thiếu điểm, tôi nộp đơn vào ĐH Nông nghiệp rồi bén duyên với ngành thú y từ đó. Cũng may là càng làm tôi càng thấy yêu nghề và chưa bao giờ có ý định bỏ nghề.

Giống như người, bác sĩ thú y phân ra các chuyên khoa như nội khoa, sản khoa, da liễu... Năm 2013, ngành thú y vẫn chưa quá phát triển, chúng tôi chủ yếu học về các gia súc lớn. Đi làm đã 7 năm nay, tôi vẫn phải luôn tự trau dồi, học hỏi từng ngày.

Hôm nay, tôi làm việc ca sáng, từ 8h đến 17h30. 9h30, tôi tiếp “bệnh nhân” đầu tiên là một chú chó tên Tun. Tun có kích thước lớn, tôi phải cùng chủ của Tun khá vất vả mới có thể bế em lên bàn khám bệnh.

Tun bị sưng ở nách, nghi có khối u. Tôi đo các chỉ số cơ thể, xét nghiệm máu. Dù cao lớn, Tun khá ngoan và hợp tác, có nhiều bạn “đanh đá”, tôi phải nhờ chủ rọ mõm, dành thời gian trước trò chuyện làm quen hay dùng thức ăn để dụ.

Hơn 10h, tôi khám cho Sụn. Sụn hay bị phù chân, máu khó đông, chỉ cần một vết xước nhỏ cũng khó lành. Lần trước, tôi phải lau rửa vết thương suốt 2 tháng, dùng cả biện pháp dân gian là đun rau muống lấy nước, đem rửa vết thương cho Sụn. Lần này, Sụn ở lại nội trú để theo dõi và chữa trị.

Hôm nay, tôi đem theo Lady - chú chó tôi nuôi đến bệnh viện chơi và lấy cao răng. Tôi thực hiện gây mê Lady khoảng 15 phút. Chó cũng như người, vì ăn nhiều loại thức ăn, cả thịt cá mà không đánh răng nên cao răng nhiều, phải thường xuyên lấy mới sạch sẽ.

Xong xuôi, tôi chơi một lát với Lady trong lúc đợi em tỉnh hẳn. Tôi cũng tranh thủ kiểm tra mẫu nấm đã nuôi cấy từ lông và vẩy da của một bạn mèo 3 tuần nay. Vì có bạn không thể phát hiện bị nấm qua khám lâm sàng nên nuôi cấy rồi dùng hóa chất phân lập sẽ thu lại kết quả chính xác nhất.

Theo kết quả kiểm tra, bạn mèo này đã bị nấm và cần nhanh chóng chữa trị. Ở thú nuôi, nhất là chó, mèo rất hay bị nấm và dễ lây sang người.

11h45, tôi nghỉ ăn trưa cùng đồng nghiệp. Chúng tôi thường đem đồ tới, phân công thay nhau nấu rồi ăn chung. Bệnh viện tôi có khoảng hơn 10 người làm việc theo ca, sáng 8h-17h30, chiều 13h30-22h, đêm 22h-8h hôm sau.

Chiều, tôi mổ cho bạn mèo tên Mun, 5 tháng tuổi, bị chấn thương hỏng mắt nên được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ mắt. Trước khi phẫu thuật, tôi kiểm tra tình trạng con mắt bị hỏng, tiêm thuốc giảm đau, cầm máu, kháng viêm trước khoảng 30 phút đồng thời gây mê để vệ sinh mắt cần cắt bỏ.

Sau đó, tôi tiến hành bóc tách để lấy hết toàn bộ con mắt bị hỏng ra ngoài, khâu hốc mắt và khép mí mắt lại. Toàn bộ quá trình phẫu thuật diễn ra trong khoảng 1 tiếng.

Mun sẽ ở lại bệnh viện 3 ngày để theo dõi vết mổ. Mun có khả năng phục hồi khá tốt so với một số trường hợp tương tự. Vết thương sau phẫu thuật tốt, không bị chảy dịch.

Tôi từng gặp nhiều trường hợp thú nuôi bị bạo hành, bỏ rơi, vô gia cư. Tôi quen mấy bạn bên Trạm cứu hộ chó mèo, thi thoảng có ca đặc biệt, các bạn sẽ gửi đến đây chữa trị. Trừ thuốc, chúng tôi sẽ miễn phí công thăm khám. Các bác sĩ ở đây hầu như đều nhận nuôi một con vật.

Tiếp xúc nhiều với động vật, tôi cũng có nhiều tình cảm, hạn chế sát sinh. Giờ ai trêu ăn thịt chó hay điều gì tương tự, tôi cảm thấy rất không thích, dù chỉ là đùa. Ở đây, hầu như các bác sĩ không ai ăn thịt chó.

Làm nghề nhiều năm, tôi có thể phán đoán con vật nào tới khám “sờ” được, con nào không. Nhưng nhiều lúc sơ ý tôi cũng bị cắn, nhất là khi mới vào nghề. Ban đầu, tôi chủ quan không đi tiêm nhưng sau khi thấy một bạn đồng nghiệp mất do bệnh dại, tôi và đồng nghiệp mới đi tiêm phòng.

Tôi không được bố mẹ ủng hộ làm nghề bởi tôi bị xoang. Hít phải lông chó mèo nhiều, rồi thay đổi thời tiết, khói bụi, tôi bị sổ mũi, hắt hơi liên tục. Khi nào khó chịu quá, tôi sẽ nghỉ một chút.

Nghề này nhìn tưởng nhàn nhã nhưng thực ra rất vất vả. Có nhiều bạn bỏ tiền, công sức ra học nhưng một thời gian cũng phải bỏ vì áp lực, tâm lý lúc nào cũng căng thẳng, sợ sệt. Không chỉ kiến thức, phải đủ kiên nhẫn, kiên trì mới theo được nghề.

Ngọc Hiền - Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-ngay-cua-nu-bac-si-kham-chua-phau-thuat-cho-cho-meo-post1103387.html