Một nét riêng ở quán thủy thần

Vừa xuất hiện với tập truyện ngắn đầu tay, đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là trường hợp tác giả Nguyễn Hải Yến - một cô giáo ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương và 'Quán Thủy Thần'.

Trang bìa cuốn sách “Quán Thủy Thần” của Nguyễn Hải Yến

Trang bìa cuốn sách “Quán Thủy Thần” của Nguyễn Hải Yến

Khi quyết định ấn hành “Quán Thủy Thần” của Nguyễn Hải Yến, chắc chắn Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ cũng không dám tin sức lan tỏa từ tác phẩm này đến công chúng ra sao. Thế nhưng, không ai ngờ, những mảnh đời lam lũ ở làng quê Bắc bộ qua cách nhìn và cách viết của Nguyễn Hải Yến đã thực sự chinh phục được người đọc. Cuốn sách liên tục được tái bản và nhận được sự tán thưởng của giới viết lách chuyên nghiệp.

Với 200 trang in, 10 truyện ngắn của “Quán Thủy Thần” mở ra một không gian vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Những con người tưởng chừng lầm lũi, tưởng chừng hắt hiu lại hé lộ tâm tư đa chiều, đa dạng. Có cái buồn xa thẳm, có cái nhớ mông mênh, có cái đau nghẹn đắng, có cái vui rộn ràng… trong vòng xoáy công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Các truyện ngắn tiêu biểu như “Đi giữa trời xanh mây trắng”, “Bên đường có cái đầm nước”, “Nhân gian một cõi”, “Giếng mắt rồng”, “Hoa đại đỏ”, “Gió lên thả ngọn đèn trời”…khiến người đọc phải bâng khuâng, phải nghĩ ngợi, phải xao xuyến trước bao nhiêu số phận chìm lấp xung quanh.

Đến khi Hội Nhà văn Việt Nam quyết định trao giải thưởng hàng năm cho tập truyện ngắn “Quán Thủy Thần”, thì thực sư một trường hợp thú vị đã xuất hiện trong làng văn chương Việt Nam. Vậy tác giả Nguyễn Hải Yến là ai? Chị bộc bạch: “Tôi thuộc thế hệ 7X đời đầu, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Thanh Miện, Hải Dương. Năm 14 tuổi, vì nhiều lý do, tôi bắt đầu rời làng lên phố. Đi suốt mấy chục năm, chẳng có nhiều dịp về quê nhưng trong tâm trí tôi luôn có một góc để cho quê hương. Mỗi lần chạm nhẹ vào đó, tôi lại thấy ký ức với rạ rơm đồng bãi ùa về. Tôi đi học, làm giáo viên ở một trường THCS thuộc huyện Gia Lộc ở Hải Dương, sau đó lao vào vật lộn với cuộc sống, suốt năm không có một ngày nghỉ, nhưng vẫn không quên thói quen đọc sách bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Mãi đến cuối năm 2015, tôi dùng Facebook, và viết những dòng đầu tiên trên đó - những ký ức về làng. Bạn bè tôi đọc rồi động viên, hối thúc, buộc tôi phải nhìn nhận vấn đề viết một cách nghiêm túc. Truyện ngắn đầu tay của tôi ra đời vào khoảng tháng 3/2016. Có thể nói, người se mối nhân duyên của tôi với văn chương là mẹ tôi - một cán bộ trung cấp nông nghiệp kiêm đánh máy chữ ở Phòng Nông nghiệp huyện. Bà thường dẫn chị em tôi đi bộ hàng tiếng đồng hồ qua đồng sang phố huyện để mua sách cho con đọc, hay mỗi ngày Hè lại thả con cả ngày ở thư viện huyện, giữa đống sách mới ít, mối xông mọt đục thì nhiều. Chị em chúng tôi ham đọc sách và tự học qua sách cách viết của các nhà văn là vì thế”.

Khác với nhiều tác giả trẻ dùng những câu văn ngắn để truyền tải nhanh những ý tưởng, Nguyễn Hải Yến viết nhẩn nha và có được những trang mơ mộng. Ví dụ, truyện ngắn “Quán Thủy Thần” được đặt tên cho cả tập, có mấy câu đề từ vần điệu “Tháng ba ngủ trên triền sóng/ Khát hoa gạo lưng trời/ Xô bến cạn vỡ thành muôn mảnh/ Soi mảnh nào cũng thấy trùng khơi” thì cách miêu tả phong cảnh cũng đậm chất thơ: “Từ làng tôi ra cửa sông phải đi qua một con đường đất gồ sống trâu xuyên cánh đồng, bốn mùa hun hút gió. Đến cuối đường, nếu quay đầu nhìn lại sẽ thấy làng mạc tan thành vệt xanh lơ, những hôm ẩm trời lẫn cả vào màu mây đang sà xuống lan như khói, sẽ thấy mình cô đơn đến ngộp thở giữa sắc màu đơn điệu không biết là đất hay là trời nếu như mắt không tìm thấy một điểm dừng – một cây cầu quán cũ, nền đất cao vượt hẳn lên, lặng thinh nằm bên gốc gạo già buông bóng sừng sững, mái ngói âm dương xô từng mảng, quanh năm gió đồng hút qua khe hở chiếc mõ dài hình con cá gỗ treo phía trong cột quá, nghe u u vang và lạnh như tiếng sáo thủy thần”.

Sau tập truyện “Quán Thủy Thần”, tác giả Nguyễn Hải Yến tiếp tục khai thác thế mạnh của cô về vốn sống ở làng quê bằng hai tác phẩm “Hoa gạo đáy hồ” và “Ma đồng bằng Bắc bộ”. Cô giáo đang làm sôi động văn đàn, chia sẻ: “Tôi yêu văn chương từ ngày nhỏ, luôn coi văn chương cùng với các bộ môn nghệ thuật khác là nguồn nuôi dưỡng của tâm hồn, để tâm hồn con người được phong phú, đằm sâu và nhân ái. Yêu văn chương, tôi làm nghề dạy học, cũng mong thỏa một phần ước mơ làm sao cho nhiều người trẻ cũng yêu văn, cũng biết khám phá những vẻ đẹp ẩn sâu dưới những tầng ngôn ngữ, chuyên chở ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa và hạnh phúc được làm người. Đó là một việc khó, nhưng hấp dẫn. Viết văn còn hấp dẫn hơn nhưng cũng khó khăn hơn bội phần. Bởi vì dạy văn là cùng học trò hưởng thụ, còn viết văn là làm, là tạo ra nguồn thực phẩm ấy. Dạy văn là nói với dăm ba chục người, còn viết văn là “nói” với mọi người. Cho nên tôi tự dặn mình, phải nỗ lực, nỗ lực không ngừng”.

Gia Quan

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/mot-net-rieng-o-quan-thuy-than-129723-129723.html