Một nền tiểu thuyết trẻ đầy triển vọng

Tiểu thuyết là loại hình quan trọng nhất để đánh giá thành tựu của một nền văn học. Ở châu Á hiện nay, ngoài Nhật Bản và Ấn Độ đã được thừa nhận là 'cường quốc văn học', văn học Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ sớm có những tiểu thuyết tầm cỡ, có sức lan tỏa toàn cầu.

Nếu tính mốc cải cách kinh tế Trung Quốc, năm 1978 cũng được nhiều chuyên gia cho là khởi đầu của tiểu thuyết thời kỳ mới ở nước này. Tròn 40 năm được xem là một nền tiểu thuyết hiện đại trẻ, bước đầu có những thành tựu đáng kể. Đó là một nền tiểu thuyết vừa đi theo những quy luật chung của văn học thế giới, đồng thời lại có những nét đặc sắc riêng biệt.

Trước hết, trong quan niệm văn học Trung Quốc từ xa xưa chỉ có thơ và tản văn là những thể loại văn chương nho nhã, "đẽo chữ gọt câu"; tiểu thuyết, trái lại, phải thông tục, luôn phản ánh, chứa đựng hơi thở đời sống. Thời trung đại, Trung Quốc rất nổi tiếng với các tiểu thuyết chương hồi nhưng về cơ bản loại tiểu thuyết này mang tính sử thi là chính, lối kể chuyện trọng nội dung như chép sử, còn hình thức rập khuôn rất đơn điệu. Chỉ khi phong trào Ngũ Tứ (năm 1919) nổ ra, văn học Trung Quốc mới được hiện đại hóa và tiểu thuyết mới dần đi lên vị trí quan trọng nhất. Sau nhiều biến động của xã hội Trung Quốc, từ cuối thập niên 1970, quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết mới tiếp tục. Tiểu thuyết Trung Quốc “tăng tốc” đổi mới với hàng loạt trường phái ra đời đồng thời, cảnh tượng đúng là “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”.

Trước tiên là các dòng tiểu thuyết “vết thương”, “phản tư” (suy nghĩ lại), nổi lên với tên tuổi của các nhà văn: Lưu Tâm Vũ, Cao Hiểu Thanh, Trương Hiền Lượng, Phùng Ký Tài… Vấn đề của hai dòng văn học này là kể lại câu chuyện trần trụi về những chuyện buồn quá khứ; đồng thời cố gắng lý giải chiều sâu tâm lý con người, bối cảnh xã hội trong cơn biến động, rút lại bài học lịch sử. Các dòng văn học thời kỳ đầu có giá trị tư liệu, giá trị nhân đạo nhưng nghệ thuật tiểu thuyết nhìn chung thiếu đặc sắc.

Chỉ đến khi dòng tiểu thuyết “tầm căn” (tìm về cội nguồn) ra đời, tiểu thuyết Trung Quốc mới có thay đổi về chất lượng. Nền văn hóa, văn minh nói chung và văn học nói riêng của Trung Quốc trong suốt hàng nghìn năm là trung tâm kiến tạo vùng Đông Á. Một nền văn hóa lâu đời, đặc sắc chính là chất liệu vô tận để tiểu thuyết khai khác. Tìm về bản sắc đất nước, tính cách tộc người để nhìn nhận hiện tại, tiên đoán tương lai là cách nhiều tiểu thuyết gia khai thác. Tiểu thuyết “tầm căn” nổi lên từ giữa những năm 80 của thế kỷ 20 với tên tuổi của Uông Tăng Kỳ, Vương Mông, Giả Bình Ao, Hàn Thiếu Công, A Thành, Lý Hàng Dục… Thành công nhất là văn hào Mạc Ngôn (giành giải Nobel Văn học năm 2012) với những tiểu thuyết nổi tiếng như: “Báu vật của đời”, “Đàn hương hình”, “Cao lương đỏ”, “Tửu quốc”, “Sống đọa thác đày”… Sở dĩ dòng tiểu thuyết “tầm căn” có thành tựu lớn lao và sức sống lâu dài bởi kết hợp nội dung là văn hóa truyền thống Trung Quốc với hình thức, kỹ thuật viết văn ảnh hưởng từ các bậc thầy văn chương Âu-Mỹ, như: Gabriel Garcia Marquez (Colombia), Franz Kafka (Séc), Marcel Proust, Jean-Paul Sartre, Albert Camus (Pháp), William Faulkner (Mỹ)… Đọc các tiểu thuyết “tầm căn”, ta sẽ thấy câu chuyện không còn riêng về văn hóa-lịch sử Trung Quốc mà là câu chuyện nhân sinh mang tầm nhân loại.

Cũng từ giữa thập niên 1980, dòng tiểu thuyết “thực nghiệm” ra đời với sự khẳng định tên tuổi của Vương An Ức, Dư Hoa, Tô Đồng, Hồng Phong, Mã Nguyên… Các nhà văn Trung Quốc này có quan niệm tương tự với các nhà văn của phong trào tiểu thuyết mới ở Pháp những năm 60 của thế kỷ trước, đó là không chú trọng đến nội dung, tính cách nhân vật…; sáng tác tiểu thuyết được giản lược thành thực nghiệm thao tác kỹ thuật viết văn và công việc viết văn giống như việc tham gia trò chơi văn bản. Quan niệm mang tính “hậu hiện đại” này khiến tiểu thuyết “thực nghiệm” chỉ được nhóm nhỏ những người “sành điệu” trong văn giới ủng hộ, độc giả đại chúng cơ bản quay lưng thờ ơ. Đóng góp của tiểu thuyết “thực nghiệm” xét về khía cạnh hình thức là đáng kể khi đã mở rộng khả năng phát triển độ mở của tiểu thuyết.

Sau khi dòng tiểu thuyết “vết thương” và “phản tư” không còn được người đọc quan tâm, tiểu thuyết “tầm căn” và tiểu thuyết “thực nghiệm” lại “cao siêu” khó hiểu thì lập tức Trung Quốc tràn ngập dòng tiểu thuyết “tân tả thực” với các tác phẩm của Trì Lợi, Lưu Chấn Vân, Phương Phương… Dòng tiểu thuyết này ra đời từ thập niên 1990, khi công cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc đã thu được những kết quả khả quan. Vẫn là sự tả thực lạnh lùng nhưng không bình luận mùi mẫn hay gào khóc ca thán mà kể lại câu chuyện khách quan, bằng giọng điệu lạnh lùng, vô cảm. Điều này giống như việc một con người bị ném vào xã hội đang chuyển mình quá nhanh, tồn tại được là tốt rồi, không còn dám ước mong gì hơn. Sự hấp dẫn của dòng tiểu thuyết “tân tả thực” không phải chỉ là được nhiều người đọc hâm mộ mà bản chất hợp với truyền thống tiểu thuyết của Trung Quốc là kể chuyện một cách thông tục. Đó là lý do vì sao một số nhà văn (Dư Hoa, Tô Đồng…) trước đó viết tiểu thuyết “thực nghiệm” lại quay sang viết tiểu thuyết “tân tả thực”.

Cuối thập niên 1990 đến nay là sự ra đời và phát triển của “tiểu thuyết trẻ” đăng tải trên mạng, tính giải trí cao với các tác giả như: Cố Mạn, Diệp Lạc Vô Tâm, Quách Kính Minh, Đồng Phi Phi, Từ Triệu Thọ, Tân Di Ổ, Hàn Hàn, Tào Đình… Thế hệ nhà văn này sinh ra khi cải cách kinh tế đã thành công, họ không có những ký ức không vui như thế hệ cha anh trong quá khứ nhưng họ có nỗi cô đơn tuổi trẻ, nỗ lực phải tồn tại và khẳng định cá nhân. Vì thế, khi viết văn, họ không để ý đến chuyện viết như thế nào, có ai đọc không mà cứ ào ào gõ phím những gì họ nghĩ và cảm nhận, nhanh chóng xuất bản và chờ đợi nổi tiếng. Cũng như nhạc pop, dòng văn học này “xuất khẩu” ra nước ngoài, tạo ảnh hưởng tốt nhưng để nói có thành tựu không thì phải chờ đợi thời gian sàng lọc bớt những tiểu thuyết vô thưởng vô phạt.

Bốn thập kỷ tiểu thuyết thời kỳ mới ở Trung Quốc, đỉnh cao là 20 năm của thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ 20, tiểu thuyết Trung Quốc đã kịp chuyển mình bắt kịp với tư duy sáng tạo toàn cầu, đồng thời đã tạo dựng bản sắc tiểu thuyết riêng. Tài năng văn học luôn là của hiếm và không có quy luật xuất hiện, hình thành nhưng nền rộng mà tiểu thuyết Trung Quốc tạo ra sẽ là môi trường thuận lợi để cá nhân vươn lên khẳng định tài năng.

ƯU ĐÀM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mot-nen-tieu-thuyet-tre-day-trien-vong-550645