Một năm vượt sóng

Năm 2022 là năm phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, với mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Kết thúc năm tài khóa 2022, nền kinh tế đã ghi nhận những bước phục hồi tương đối ngoạn mục.

Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm. Ảnh: Quang Vinh.

Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm. Ảnh: Quang Vinh.

1.Theo như tổng kết được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 (hồi giữa tháng 12/2022), chúng ta có nền kinh tế dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra. Năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... tuy nhiên tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định về những kết quả ấy, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào đưa ra nhận xét khá thú vị về những “cơn gió ngược” tác động tới kinh tế Việt Nam. “Thế nhưng trong bối cảnh đó kinh tế Việt Nam vẫn có sự tăng tốc nhất định. Về triển vọng tăng trưởng thời gian tới của Việt Nam, nhờ sức tăng trưởng ấn tượng hết quý 3, chúng tôi nâng mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 7 - 7,5%, đây là một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực” - vị Trưởng đại diện IMF nói.

2.Nhận định của các chuyên gia kinh tế hàng đầu cho thấy, dường như Việt Nam đã đúng hướng trong năm 2022 nhưng thách thức của năm 2023 là không hề nhỏ. Ở vai trò đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, chúng ta đang đối mặt năm 2023 với rất nhiều khó khăn, thách thức khi bối cảnh khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường. Sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới ở rất nhiều các quốc gia lớn, các nền kinh tế lớn của thế giới. Bên cạnh đó, những xu thế của lạm phát đang tăng nhanh cũng đang gây ra rất nhiều hệ lụy và tác động tới kinh tế và thương mại quốc tế.

Thực tế triển vọng kinh tế toàn cầu yếu kém và rủi ro gia tăng có thể tác động tới nền kinh tế Việt Nam về áp lực tỉ giá hối đoái, ngành tài chính tổn thương và lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong năm 2023, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Andrea Coppola cho rằng, Chính phủ có nhiệm vụ rất khó khăn và vai trò quan trọng để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế Việt Nam và biến tình hình đầy thách thức này thành cơ hội hiện đại hóa. Bên cạnh đó, đây cũng là lúc tăng cường hơn nữa quản trị kinh tế và thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đối với chính sách tài khóa, chuyên gia WB cho rằng thách thức chính trong năm 2023 sẽ là phải tìm cách tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát. Chính sách tài khóa và phối hợp với chính sách tiền tệ sẽ rất quan trọng để quản lý sự đánh đổi giữa mục tiêu tăng trưởng và lạm phát. Cơ quan quản lý kiểm soát chặt chi tiêu công, chọn lọc đẩy nhanh việc thực hiện chương trình đầu tư công quan trọng có vai trò làm động lực tăng trưởng kinh tế. Cần đổi mới và củng cố các cơ chế lựa chọn ưu tiên và đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư công nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của chi tiêu công.

Trong bối cảnh khó khăn chung khi các nước nghèo, các nước đang phát triển tìm kiếm nguồn vốn, bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: Với một nền kinh tế như Việt Nam hiện nay thì nguồn vốn quốc tế sẽ dần trở nên kém quan trọng hơn và nguồn vốn nội địa sẽ dần trở thành động lực chính cho tăng trưởng. “Để huy động nguồn tài chính công quốc tế, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần tăng cường củng cố hệ thống tài chính trong nước và cải cách các thể chế chính sách tài chính để trở nên đáng tin cậy đối với người cho vay và nhà đầu tư khu vực công quốc tế” - Trưởng Đại diện thường trú UNP nêu quan điểm.

Khách du lịch đã trở lại Việt Nam trong năm 2022. Ảnh: Quang Vinh.

3.Việt Nam sẽ làm gì để đối mặt và vượt qua những thách thức? Đó là câu hỏi cũng đồng thời là vấn đề mà các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đặt ra cho nền kinh tế vốn đang chịu nhiều thách thức của chúng ta.

"Chúng ta không hoang mang, lo sợ, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp. Tất nhiên, không có giải pháp hoàn hảo, cũng không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có giải pháp, lựa chọn tốt nhất và phải có ưu tiên phù hợp" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra thông điệp này tại Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023”. Thủ tướng cũng đồng tình, năm 2023 là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 với dự báo khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022 và nhiều hơn thời cơ thuận lợi, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.

Trước tình hình ấy, Thủ tướng cho rằng, cần theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động, linh hoạt, có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, dứt khoát, lựa chọn ưu tiên phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh nguồn lực có hạn, công việc nhiều; trong điều hành tuyệt đối không chuyển trạng thái đột ngột, "giật cục". Tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn; chính sách tài khóa tập trung, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tiết kiệm chi tối đa, nghiên cứu tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí; các chính sách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, không triệt tiêu mà bổ sung cho nhau, bảo đảm hiệu quả tổng thể…

Chẩn bệnh đúng và chữa trị những căn bệnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2022 tốt sẽ tạo tiền đề cho kinh tế Việt Nam năm 2023 vượt qua thách thức, đạt những thành quả tốt hơn; phục vụ tốt hơn cho mục tiêu tăng trưởng của đất nước. Chúng ta tin, bằng sự quyết tâm, bằng sự đoàn kết, đồng lòng những khó khăn của năm 2023 không làm khó được nền kinh tế và con người Việt Nam.

HOÀNG MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mot-nam-vuot-song-5707843.html