Một năm triển khai Cổng dịch vụ công Quốc gia

Thay vì phải chạy 2 lần đến kho bạc rồi đến văn phòng đăng ký đất đai, anh Nguyễn Huy Việt (Bình Xuyên – Vĩnh Phúc) chỉ mất 3 phút để thực hiện xong thủ tục nộp thuế phí sang tên quyền sử dụng đất. Trong năm qua, việc triển khai Cổng dịch vụ công Quốc gia đã giúp tiết kiệm hơn 8.000 tỷ đồng.

Ngồi tại văn phòng, anh Việt nhận được tin nhắn từ hệ thống một cửa điện tử để thanh toán trực tuyến. Chỉ mất vài phút thực hiện các thao tác, việc thanh toán trực tuyến tiền thuế phí làm thủ tục chuyển nhượng đất của anh Việt đã xong. Chứng từ có chữ ký số của ngân hàng lập tức được chuyển đến văn phòng đăng ký đất đai huyện Bình Xuyên, làm cơ sở để cơ quan chức năng thực hiện để sang tên sổ đỏ cho anh Việt.

Nếu như trước đây, để thực hiện thủ tục thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai, anh Việt phải đến nhận thông báo tại bộ phận một cửa, đi nộp tiền tại ngân hàng sau đó đến văn phòng đăng ký đất đai để nộp chứng từ làm thủ tục sang tên.

Việc triển khai Cổng dịch vụ công Quốc gia đem lại rất nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính

Việc triển khai Cổng dịch vụ công Quốc gia đem lại rất nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính

Hiện nay, dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tại 4 địa phương là Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bình Định, Tây Ninh, dự kiến mở rộng triển khai toàn quốc vào Quý I/2021. Theo thống kê, việc thực hiện trực tuyến như vậy sẽ giúp tiết kiệm ít nhất một ngày với 4 lần đi lại. Theo Tổng cục thuế, mỗi năm có khoảng 4 triệu lượt thực hiện thanh toán giao dịch này. Nếu chỉ 50% giao dịch được thực hiện trực tuyến nh thì tiết kiệm ít nhất 682 tỷ đồng/năm.

Thực hiện thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, anh Phạm Ngọc Tuấn ở Long Biên, Hà Nội cũng chỉ cần đăng nhập vào Cổng thông tin dịch vụ Quốc gia, gửi hồ sơ trực tuyến và chờ nhận kết quả. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, mỗi năm có khoản 111.000 công trình nhà ở riêng lẻ được cấp phép xây dựng. Với việc thực hiện dịch vụ công cấp 4, người dân doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 3 ngày công với 4 lần đi lại, nếu 50% người dân lựa chọn cách làm này, sẽ tiết kiệm khoảng 54,6 tỷ đồng/năm.

Tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia và công bố dịch vụ công trực tuyến 2700 diễn ra chiều nay (30/12), Văn phòng Chính phủ công bố dịch vụ công thứ 2.697, 2.698; 2.699 và 2.700 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Ngoài 2 dịch vụ nói trên còn có dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng, giúp tiết kiệm 281 tỷ đồng/năm. Dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu giúp người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để thực hiện khai, nộp lệ phí trước bạ, đồng thời chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau một năm triển khai, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 417 nghìn tài khoản, hơn 100,5 triệu lượt truy cập, hơn 27,5 triệu hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ trạng thái lên cổng. Dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tích hợp, cung cấp đến 14 bộ/ngành và 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đã có 48.000 lượt giao dịch thành công. Cổng dịch vụ công quốc gia không chỉ mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp mà còn giúp tiết kiệm số tiền hơn 8000 tỷ đồng.

Tính đến nay, Cổng công tin dịch vụ quốc gia đã cung cấp 2700 dịch vụ, đạt 39%, vượt 9% so với chỉ tiêu Chính phủ đặt ra. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các kết quả của Cổng dịch vụ công trực Quốc gia đã thể hiện tinh thần của Chính phủ phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Chính phủ vẫn còn một số tồn tại hạn chế như tại một số địa phương việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến còn chưa nghiêm, chưa đúng quy định, vẫn còn tình trạng yêu cầu bổ sung bản giấy trong khi đã có văn bản ký số. Một số bộ ngành, địa phương chưa hoàn thành việc tích hợp để cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho người dân.

Các đơn vị thanh toán cam kết đồng hành cùng Cổng dịch vụ công Quốc gia trong Hội nghị chiều nay (30/12). Hiện nay người dân có thể thanh toán các dịch vụ công trực tuyến qua ví điện tử VNPT Pay và nhiều ví điện tử, tài khoản ngân hàng khác

Tiếp tục hoàn thiện chức năng của Cổng dịch vụ công Quốc gia

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ, Cổng dịch vụ công Quốc gia được triển khai trong thời gian rất nhanh, bắt đầu từ tháng 3/2019, khai trương ngày 9/12/2019. Cổng được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi và bảo mật thông tin.

Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng Cổng dịch vụ công Quốc gia chia sẻ, nhiêm vụ của Chính phủ giao có những yêu cầu rất khắt khe về việc phải đồng bộ dữ liệu giữa cổng quốc gia với cổng địa phương bộ ngành, địa phương, đồng thời phải đảm bảo tuyệt đối về an toàn bảo mật. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tham khảo ứng dụng từ nhiều nước, huy động đội ngũ nhân lực, hạ tầng, công nghệ tốt nhất để xây dựng thành công Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, trong năm 2021 tiếp tục đưa Cổng dịch vụ công Quốc gia là một kênh giao tiếp điện tử quan trọng, kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với Chính phủ trên môi trường điện tử, tạo cơ sở hình thành doanh nghiệp điện tử, công dân điện tử.

Một số mục tiêu cụ thể được Văn phòng Chính phủ đặt ra như cung cấp thêm tối thiểu 20% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 của các bộ, ngành địa phương. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai danh mục dịch vụ công trực tuyến ưu tiên tích hợp, cung cấp, trong đó tập trung nhóm dịch vụ công liên quan đến giấy tờ công dân, hộ tịch, cư trú, an sinh xã hội, đất đai, xây dựng, môi trường. Phấn đấu 100% các bộ, ngành địa phương hoàn thành việc tích hợp và cung cấp thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các chức năng của Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, tập trung cải thiện trải nghiệm người dùng. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, triển khai các ứng dụng trên appmobile, triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý công việc, hỗ trợ người dân.

Đại diện Tập đoàn VNPT, đơn vị cung cấp dịch vụ cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ, hạ tầng, con người tốt nhất, đáp ứng các yêu cầu về an ninh mạng tiên tiến nhất để triển khai các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/mot-nam-trien-khai-cong-dich-vu-cong-quoc-gia-1771829.tpo