Một năm tồi tệ của tiền mã hóa

Có lẽ các nhà đầu tư tiền mã hóa sẽ kỳ vọng vào năm 2023 hơn, khi năm 2022 là một năm tồi tệ đối với lĩnh vực tiền mã hóa.

Năm 2022, với tiền mã hóa có một vài điểm sáng như việc nâng cấp mạng lưới Ethereum 2.0, xuất hiện nhiều khi các tổ chức tài chính thể hiện sự quan tâm tới các tài sản số. Chính phủ Mỹ cũng bắt đầu thể hiện sự quan tâm bằng việc ra những quy định về lĩnh vực này.

Tuy vậy, những nhà đầu tư tiền mã hóa vẫn phải trả giá rất đắt trong năm 2022. Từ sự sụp đổ của đồng tiền ổn định (Stablecoin) của Terra, đến việc mô hình tài chính phi tập trung (DeFi) quá dễ bị tấn công. Và cuối cùng, sự sụp đổ của một sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu FTX đã điểm thêm tính nguy hiểm của nhiều mô hình hiện nay.

Hàng loạt vụ tấn công từ đầu năm

 6/10 vụ tấn công tiền mã hóa lớn nhất đều được thực hiện trong năm nay. Ảnh.CNBC.

6/10 vụ tấn công tiền mã hóa lớn nhất đều được thực hiện trong năm nay. Ảnh.CNBC.

Bắt đầu năm 2022, tâm lý thị trường tiền mã hóa khá lạc quan khi Bitcoin và Ethereum đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2021, sự bùng nổ của tài sản số (NFT), các quỹ đăng ký hợp đồng tương lai Bitcoin… đã khiến lĩnh vực tiền mã hóa nhận được rất nhiều lời có cánh từ các nhà phân tích.

Tuy nhiên đến tháng 3, những trục trặc lớn bắt đầu xảy ra và làm rung chuyển thị trường. Tin tặc đã tấn công vào mạng Ronin, của Axie Infinity và đánh cắp 625 triệu USD và khiến sự kiện này trở thành vụ trộm tiền mã hóa lớn nhất từ trước đến nay. Không phải chỉ một, mà nhiều nền tảng tiền số lớn khác, chẳng hạn như Binance và FTX, cũng đã bị tấn công vào năm 2022.

Trên thực tế thì 6/10 vụ tấn công tiền mã hóa lớn nhất đều được thực hiện trong năm nay.

Cathy Yoon, Giám đốc Pháp chế của công ty tiền mã hóa MPCH vào đầu năm vẫn khá lạc quan: “Việc bị tấn công mạng không làm cho các các nền tảng trở nên yếu đi. Mọi người nên học cách bảo vệ tài sản của mình và học thêm về tài chính nhiều hơn”.

Sự sụp đổ của Terra

Sự sụp đổ của Terra đã khiến thị trường tiền mã hóa lao dốc. Ảnh: Alpaca.

Cuối năm 2021, Terra (LUNA) là một trong những dự án tiền mã hóa hấp dẫn nhất chủ yếu là thuật toán stablecoin TerraUSD (UST). Giá đồng Terra đạt mức kỷ lục 119,20 USD vào tháng 4 và TerraUSD trở thành một trong những stablecoin phi tập trung hàng đầu.

Sự hưng phấn không kéo dài lâu. TerraUSD bắt đầu giảm xuống dưới mức 1 USD. Không giống như các loại tiền ổn định khác như Tether (USDT), TerraUSD không được hỗ trợ bởi các tài sản bằng USD.

Vào ngày 9/5, TerraUSD đã không thể đạt đến trạng thái cân bằng và giảm xuống mức thấp nhất là 35 cents. Và chỉ trong một ngày 12/5, giá LUNA đã giảm 96% xuống dưới 10 cents.

Sự sụp đổ của Terra đã khiến thị trường tiền mã hóa lao dốc, Bitcoin vào thời điểm đó đã mất 1/3 giá trị xuống dưới mức 40.000 USD. Điều đáng buồn hơn nữa là sự lao dốc mới chỉ bắt đầu.

Hiệu ứng sau sự sụp đổ của FTX

Trong tháng 11, khi thị trường vẫn còn đang ảm đạm khi rơi vào trạng thái “mùa đông tiền mã hóa” (crypto winter), thì điều tồi tệ hơn đã đến. Một báo cáo được công bố trên Coindesk vào tháng 11 tiết lộ rằng sàn giao dịch tiền điện tử FTX đang gặp khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng và có thể sớm phá sản.

Binance - sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới đã bắt đầu bán tháo các đồng tiền mã hóa của FTX là FTT. Ngày hôm sau, họ thông báo sẽ mua FTX, nhưng sau đó đã không làm vậy vì phát hiện ra những điểm yếu trong đánh giá tài chính của FTX.

FTX sụp đổ cũng kéo theo hàng loạt công ty tiền mã hóa, quỹ đầu tư khủng hoảng. Ảnh: The New York Times.

Sam Bankman-Fried - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của FTX thời điểm đó đã công khai tìm kiếm gói giải cứu trị giá hơn 9 tỷ USD nhưng bất thành. Công ty đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 11/11, gây ra hiệu ứng domino đối với các công ty liên quan.

Bankman-Fried đã từ chức và sàn giao dịch này nợ tiền của hơn 1 triệu chủ nợ với các khoản nợ và tài sản có giá trị từ 1 tỷ USD đến 10 tỷ USD. Ngay sau khi phá sản, James Bromley - Luật sư tại Sullivan & Cromwell, người đại diện cho FTX, nói rằng "một lượng lớn tài sản đã bị đánh cắp hoặc bị mất tích".

Trong hồ sơ tòa án, các nhân viên của FTX và Alameda Research đã sử dụng tiền của khách hàng để mua các vật dụng cá nhân như bất động sản ở Bahamas, vay các khoản vay cá nhân… Bankman-Fried phải đối mặt với các cuộc điều tra gian lận, công ty và thành viên hội đồng quản trị phải đối mặt với nhiều vụ kiện. Thêm vào đó, những người phát ngôn trước đây như Larry David và Tom Brady phải đối mặt với các vụ kiện tập thể.

Sau đó thì những hệ quả không mong muốn bắt đầu xuất hiện.

Ngày 28/11, Blockfi, một công ty cho vay và dịch vụ tài chính tiền số có liên hệ chặt chẽ với FTX, đã tuyên bố phá sản. Genesis Global Capital, một công ty cho vay tiền số khác, đã tạm dừng các khoản rút tiền vào tháng 11 vì vấn đề thanh khoản. Tiếp theo là sàn giao dịch tiền số Gemini thông báo việc hoãn rút tiền của khách hàng. Các quỹ nổi tiếng khác đã đầu tư vào FTX bao gồm Sequoia Capital, SoftBank và BlackRock cũng gặp rắc rối với các chủ đầu tư.

Vụ phá sản của FTX sẽ đi vào lịch sử như một trong những vụ phức tạp nhất từ trước đến nay và chính điều đó đã khiến thị trường tiền mã hóa sụp đổ theo và chưa biết bao giờ có thể khôi phục được.

Vẫn có những hy vọng cho năm 2023

"Tiền mã hóa là gì? Chứng khoán, hàng hóa hay tiền tệ?", câu hỏi trị giá hàng triệu USD vẫn chưa có câu trả lời. Chính vì vậy vào năm 2022, các chính phủ trên toàn thế giới đã thông qua nhiều bộ luật nhằm đơn giản hóa khái niệm mới về loại tiền này.

Noelle Acheson, cựu Giám đốc Thị trường của công ty cho vay mã hóa Genesis, cho biết: “Những nhà lập pháp và các động thái của họ xứng đáng được hoan nghênh vì họ muốn bảo vệ cử tri, công dân và đóng góp vào sự đổi mới. Tuy nhiên, có nhiều điều cần xem xét trong việc xây dựng quy định, không ít trong số đó mới chỉ mang tính định nghĩa chung cho các từ như NFT hoặc tiền mã hóa”.

Cathy Yoon cũng có chung quan điểm: “Tình trạng hiện tại của các quy định còn cần phải cải thiện nhiều điều. Các nhà lập pháp vẫn còn đang xem xét các quy định và cho thấy họ không hiểu hết lĩnh vực này”.

Tiền mã hóa sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn trong năm 2023. Ảnh: Crypto News.

Dù vậy, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) của Mỹ lại đang áp dụng các quy định mà họ đã có. Vào tháng 9, Gary Gensler, Chủ tịch của SEC, cho biết hầu hết loại tiền mã hóa là chứng khoán và không cần có quy định mới

Bên ngoài nước Mỹ, phần còn lại của thế giới dường thì chủ động hơn trong việc điều chỉnh ngành công nghiệp tiền mã hóa. Tháng 10, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua dự luật Quy định về thị trường tài sản số, một bộ luật mang tính bước ngoặt nhằm điều chỉnh thị trường này. Các bộ luật sẽ có hiệu lực vào năm 2024.

Quốc hội Anh cũng đã công nhận tài sản tiền mã hóa là công cụ tài chính. Dự thảo luật nhằm mở rộng các luật hiện hành liên quan đến các công cụ tập trung vào thanh toán đối với stablecoin.

Trung Quốc thì tiếp tục phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY). Nước này cũng triển khai vòng tiếp theo của chương trình thí điểm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) vào tháng 8.

Tương tự như Trung Quốc, Ngân hàng trung ương Ấn Độ đã tung ra phiên bản bán lẻ tiền kỹ thuật số vào tháng 12. Động thái này diễn ra một tháng sau khi một số ngân hàng Ấn Độ được phép giải quyết các giao dịch thị trường thứ cấp bằng tiền kỹ thuật số.

Brazil có vẻ hào hứng với tiền mã hóa hơn cả khi nước này đã hợp pháp hóa loại tiền này làm phương thức thanh toán trên toàn quốc vào cuối tháng 11.

Với các hành động của nhiều quốc gia trên, thị trường tiền mã hóa năm 2023 được hy vọng sẽ trở thành xu hướng chủ đạo sẽ có sự đổi mới. Tuy nhiên, nó cũng sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn.

Bảo Trung

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-nam-toi-te-cua-tien-ma-hoa-post1384328.html