Một năm thực hiện quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn: Tạo dựng thói quen tiêu dùng mới

Theo đánh giá của người dân và cơ quan quản lý, sau một năm triển khai thực hiện đề án 'Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận TP Hà Nội' đã hạn chế hoạt động bán trái cây rong lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Cùng đó, góp phần phần hình thành nét văn minh thương mại mới cho cả người bán và người mua, tăng doanh thu cho các cửa hàng.

Người tiêu dùng mua hoa quả đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại cửa hàng hoa quả Luôn tươi sạch 72 Trần Thái Tông

Tăng doanh thu nhờ đề án
Theo Sở Công Thương, qua rà soát, hướng dẫn, đối chiếu với các quy định, trên địa bàn 12 quận có tổng số 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng đủ điều kiện. Tất cả các cửa hàng này đều đã được cấp logo nhận diện của đề án. Qua một năm triển khai, 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận đã được cấp đăng ký kinh doanh, tăng 70% so với trước khi thực hiện đề án; 3.004/3.004 người được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe theo quy định, tăng 32% so với trước đó; 100% cửa hàng được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong khi trước đề án, tỷ lệ này chỉ đạt 30%.
Đáng chú ý, về nguồn gốc xuất xứ trái cây, tại thời điểm kiểm tra để cấp biển nhận diện, 766/766 cửa hàng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 100%, (trước đó đạt 59%); 604/766 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 79%, (trước đề án đạt 38%). Ngoài ra, các cửa hàng được cấp biển nhận diện còn được trang bị các thiết bị bảo quản trái cây, quầy kệ, thiết bị vệ sinh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

"Thành công bước đầu trong việc triển khai đề án là cơ sở để UBND TP Hà Nội tiếp tục mở rộng đề án ra các huyện, thị tứ thị trấn và các khu công nghiệp, tạo cơ hội cho người tiêu dùng Thủ đô được tiếp cận nguồn hoa quả, thực phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các DN, hộ kinh doanh trái cây và người tiêu dùng, từ đó tạo được sự đồng thuận ủng hộ của các tổ chức, Nhân dân đối với đề án." - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản

Song song với việc quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, đề án đã thí điểm xây dựng 33 tuyến phố không kinh doanh trái cây tại lòng đường, vỉa hè 12 quận. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, kết quả lấy mẫu 357 trái cây để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi khuẩn ecoli... chỉ có một mẫu vượt ngưỡng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Đánh giá về hiệu quả của đề án đối với hoạt động kinh doanh, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Big Green Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho hay, trước kia, khách mua thường băn khoăn về nguồn gốc trái cây, nhưng từ khi được cấp biển nhận diện, hàng hóa được truy xuất nguồn gốc, nên người tiêu dùng đã yên tâm hơn khi mua hàng. Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Công ty CP V-food Việt Nam Lê Thị Bích Ngọc cho biết thêm, sau khi hệ thống cửa hàng được gắn biển nhận diện, doanh thu đã tăng 20 - 50% so với trước khi được gắn biển.
Nâng cao nhận thức về trái cây an toàn
Thực tế khi triển khai đề án, nhiều hộ kinh doanh ngại thực hiện các thủ tục về đăng ký kinh doanh, an toàn thực phẩm. Trong khi đó, công tác kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ các loại trái cây của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn do nguồn cung cấp trái cây vào TP qua nhiều kênh. Bên cạnh đó, vẫn còn một số người tiêu dùng giữ thói quen mua sắm tại những cửa hàng trái cây không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không trang thiết bị bảo quản, chất lượng không bảo đảm...
Để khắc phục những khó khăn trên, Sở Công Thương đã phối hợp các sở, ngành, địa phương trong công tác hỗ trợ các DN bán lẻ, chuỗi cửa hàng thực phẩm Hà Nội gặp gỡ, ký kết 480 biên bản ghi nhớ về cung ứng trái cây của các tỉnh, TP vào thị trường Hà Nội. Đồng thời, giới thiệu, cung cấp thông tin về nguồn cung trái cây an toàn tại Hà Nội để các cửa hàng kinh doanh trái cây kết nối, tiêu thụ… Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết: Để đề án ngày càng hoạt động có hiệu quả, thời gian tới ngoài việc kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý, giải tỏa các trường hợp kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… “Bên cạnh sự cố gắng của Sở Công Thương và UBND các quận còn đòi hỏi Sở NN&PTNT Hà Nội cần tập trung kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc, nhất là trái cây trong nước” - ông Thăng kiến nghị.
Tại hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện đề án, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản yêu cầu, các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục cử cán bộ theo dõi bám sát địa bàn để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các DN, hộ kinh doanh trái cây. Đồng thời, thường xuyên rà soát thực trạng hoạt động của các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn, bảo đảm 100% cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng được các yêu cầu của đề án và được cấp biển nhận diện. Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt tại các cửa hàng đã được cấp biển nhận diện, qua đó nâng cao ý thức kinh doanh.

"Việc cấp biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Người tiêu dùng có địa chỉ tin cậy để mua trái cây và dần hình thành thói quen mua sắm tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện. Các DN, cửa hàng được gắn biển có ý thức cao hơn trong việc chấp hành quy định pháp luật." - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Lê Nam

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mot-nam-thuc-hien-quan-ly-cua-hang-kinh-doanh-trai-cay-an-toan-tao-dung-thoi-quen-tieu-dung-moi-328609.html