Một năm tệ hại của nền kinh tế Đức

Nước Đức có thể đã may mắn tránh được suy thoái, nhưng hiệu quả kinh tế năm 2018 vẫn yếu nhất trong 5 năm qua, kể từ năm 2013. Đây cũng là một bằng chứng cho thấy, căng thẳng thương mại và suy giảm mạnh ở Trung Quốc đang cản trở tăng trưởng toàn cầu.

Sự yếu kém về thương mại của Đức một phần là do các yếu tố tạm thời, trong đó có cả sự gián đoạn trong sản xuất xe hơi do các thử nghiệm khí thải mới nghiêm ngặt hơn của EU

Tăng trưởng kém nhất trong vòng 5 năm

Theo dữ liệu sơ bộ của chính phủ Đức vừa được công bố, nền kinh tế nước này tăng trưởng 1,5% trong năm 2018. Đó là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, giảm mạnh từ mức tăng 2,2% trong năm 2017; đây cũng là tỷ lệ hàng năm chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Đồng euro đã giảm gần 0,4% xuống còn 1,14 USD sau khi dữ liệu GDP được công bố.

Ông Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế tại Berenberg, cho biết nền kinh tế Đức đã phải gánh chịu “một loạt cú sốc”. Căng thẳng thương mại, bất ổn ở các thị trường mới nổi, giá dầu tăng đột biến, sự không chắc chắn đối với Brexit và suy thoái kinh tế mạnh ở Trung Quốc đều góp phần vào sự yếu kém này.

Các nhà kinh tế cảnh báo có một số phát triển cấu trúc đáng lo ngại ở Đức. Yêu cầu về chỉ tiêu phát thải đã tạo ra các vấn đề sản xuất nghiêm trọng trong ngành công nghiệp ô tô; giá năng lượng cao hơn đã xóa bỏ hoàn toàn hiệu quả của việc tăng lương trước đó, cộng thêm hiệu ứng niềm tin tiêu cực ngày càng lan tỏa.

Ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ING (trụ sở chính ở Hà Lan, có chi nhánh tại Đức) cho biết hiệu quả kinh tế tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2013 là một lời cảnh tỉnh cho nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng euro. Ông Brzeski nhận định: “Có lẽ ít nhất ngành ô tô sẽ tăng trở lại trong những tháng tới, giá năng lượng thấp hơn một chút sẽ cũng cải tổ tiêu dùng tư nhân. Tuy nhiên, hiệu suất xuất khẩu kém, mặc dù tỷ giá đồng euro yếu, cho thấy căng thẳng thương mại và điểm yếu ở các thị trường mới nổi có thể tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng ở Đức”.

Một số công ty hàng đầu của Đức đã phải gánh chịu các tác động kể trên. Các nhà sản xuất xe hơi như Volkswagen (VLKAF) đã bị tổn thương khi doanh số của họ giảm sút nặng nề ở Trung Quốc, trong khi đã phải vật lộn để một số mẫu xe mới được chứng nhận trong các thử nghiệm khí thải mới của EU. Volkswagen đã cung cấp 10,8 triệu xe ô tô - một kỷ lục trên toàn thế giới vào năm 2018, nhưng doanh số bán hàng ở Trung Quốc giảm vào cuối năm đã hạn chế tăng trưởng hàng năm trong thị trường trọng điểm, với mức tăng trưởng chỉ còn 0,5%.

Tăng trưởng của Đức yếu nhất trong nửa cuối năm 2018, đặc biệt là quý ba, khi các hợp đồng kinh tế được ký kết chỉ chiếm 0,2%. Dữ liệu chính thức của ba tháng cuối năm vẫn chưa được công bố, nhưng ông Schmieding cho biết tình trạng bất ổn có thể sẽ tiếp tục vào năm 2019.

Hiệu ứng domino toàn cầu?

Berenberg dự báo nền kinh tế Đức sẽ chỉ tăng 1,2% trong năm 2019, phù hợp với phần còn lại của khu vực đồng euro. Các nhà kinh tế của tờ Capital Economics thậm chí còn đưa ra dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 1%. “Trong vài tháng tới, chúng ta sẽ phải tự chuẩn bị cho một mùa đông rất xám xịt” - ông Schmieding ám chỉ nền kinh tế Đức.

Sự phát triển yếu ớt này cũng là dấu hiệu cho thấy, các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng từ Ngân hàng Trung ương châu Âu đối với nền kinh tế khu vực đồng euro có rất ít tác động. Từ năm 2015, việc kết hợp lãi suất cực thấp với dòng tạo tiền nới lỏng định lượng đã được áp dụng, nhằm kích thích các hoạt động kinh tế và giảm thất nghiệp. Tuy nhiên, dường như các biện pháp này ngày càng trở nên kém hiệu quả.

Rắc rối trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ làm tăng thêm nỗi lo về tăng trưởng toàn cầu chậm hơn trong năm nay. Các rủi ro ngăn cản triển vọng toàn cầu bao gồm cuộc chiến thương mại và tác động của việc tăng lãi suất của Mỹ đối với các thị trường mới nổi.

Các nhà phân tích cũng lo lắng về nền kinh tế của Trung Quốc, một động lực tăng trưởng lớn trong những năm gần đây, hiện đang có dấu hiệu suy giảm mạnh. Bắc Kinh cũng vừa công bố các biện pháp mới trị giá 1.300 tỷ nhân dân tệ (193 tỷ USD) được thiết kế để kích thích nền kinh tế, bao gồm cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và giảm thuế suất hải quan. Đây là nỗ lực mới nhất trong một loạt các nỗ lực của chính phủ Trung Quốc, nhằm thúc đẩy tăng trưởng thời gian gần đây, như thúc đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.

Kiều Trinh (TH)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/mot-nam-te-hai-cua-nen-kinh-te-duc-3977069-b.html