Một năm Hà Nội 'vượt bão' từ đổi mới tầm nhìn, phương pháp lãnh đạo

Chúng ta vừa đi qua năm 2020 đầy khó khăn, thách thức bởi đại dịch Covid-19 và đang tiến rất gần đến cánh cửa Đại hội XIII của Đảng, sự kiện chính trị lớn nhất và quan trọng nhất của đất nước trong năm mới 2021 với nhiều tư duy đổi mới đột phá để phát triển. Đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, không thể không nhắc đến vai trò của thành phố Hà Nội năm 2020 nổi lên nhiều chuyển động mới, nhiều chủ trương và cách làm mới thật sự ấn tượng và hiệu quả.

Những “định nghĩa” mới của thành phố “ba trong một”

Xác định tầm nhìn lãnh đạo là một vấn đề hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi tổ chức, mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta đều có những tầm nhìn mới, tạo ra một số điểm nhấn. Tại Đại hội XIII của Đảng tới đây, một trong những điểm nhấn quan trọng nhất là thể hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đổi mới sáng tạo.

Nhưng khát vọng sẽ không thành hiện thực nếu như nó không được chuyển lửa vào suy nghĩ và hành động của từng tổ chức Đảng. Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước đã thể hiện tầm nhìn mới, tư duy mới ngay trong nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố vào tháng 10-2020. Trả lời báo chí khi đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội đã cho biết: Một trong những mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa Thủ đô. Còn đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội. Ảnh: Sở TT&TT TP Hà Nội.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội. Ảnh: Sở TT&TT TP Hà Nội.

Trong tầm nhìn trên, có thể thấy rất rõ khát vọng, mong muốn xây dựng một thành phố “ba trong một”: Thành phố xanh, thành phố thông minh, thành phố hiện đại. Đi liền với đó không chỉ là mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa mà xa hơn phải có sức cạnh tranh quốc tế, là thành phố kết nối toàn cầu.

Jonathan Swift (1667 – 1745) - nhà thơ, nhà văn trào phúng người Ai-len rất đúng khi cho rằng: “Tầm nhìn là nghệ thuật nhìn thấy được những gì mà người khác không nhìn thấy”. Với tầm nhìn rõ ràng như vậy đã không chỉ định rõ hướng đi cho Hà Nội những năm tới mà còn tạo ra nhiều định nghĩa mới. Nhắc đến Hà Nội giờ đây, không chỉ là những cụm từ quen thuộc như Thành phố Vì hòa bình, thủ đô ngàn năm văn hiến mà đã định vị những danh từ mới: Thành phố xanh, thành phố thông minh, thành phố sáng tạo, thành phố hiện đại…

Tư duy về phát triển thành phố sáng tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo là một nhân tố quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng của Thủ đô. Điều này phần nào thể hiện rất rõ trong phát biểu tại tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo” do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tiếp nối truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực sáng tạo, Hà Nội tin rằng, nếu biết phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong môi trường kết nối quốc tế, thành phố sẽ thêm một lần nữa hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng sáng tạo mang tên Thăng Long từ ngàn năm trước, xứng đáng là Thủ đô, trái tim của cả nước.

Đồng chí Vương Đình Huệ và các đại biểu bỏ phiếu tại Đại hội. Ảnh: hanoimoi.com.vn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Đại hội. Ảnh: hanoimoi.com.vn.

Có thể nói đây là một hướng đi rất đúng khi chính các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá rất cao tư tưởng trên. Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, xây dựng Hà Nội – Thành phố sáng tạo do UNESCO công nhận, Hà Nội có thể mở rộng hợp tác và trao đổi với các thành phố thiết kế khác như Seoul, Singapore, Kobe, Thượng Hải trong khu vực và các thành phố như Helsinki, Montreal, Berlin và Turino trên toàn cầu. Từ chỗ giương cao ngọn đuốc của nền văn hóa hòa bình trong nhiều thập kỷ thì hướng đi mới sẽ tạo ra nhiều giá trị mới.

Trong tầm nhìn của người đứng đầu, Bí thư Thành ủy Hà Nội còn hướng tới kiến tạo nhiều không gian phát triển mới khi nhiều lần nhắc đến quy hoạch sông Hồng, ước vọng Hàn Quốc có kỳ tích sông Hàn thì Việt Nam có thể có kỳ tích sông Hồng được không? Nếu chúng ta làm được cái này thì sẽ có nguồn lực hết sức to lớn về giải quyết sinh kế cho khoảng 1 triệu dân cư. “Từ trên máy bay nhìn xuống hay đi tàu bè nhìn qua, thấy hai bên bờ sông Hồng như hiện nay thì Thủ đô làm sao phát triển được?", Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trăn trở. Bên trong thì vi phạm trật tự xây dựng, còn đất ngoài bãi sông Hồng không ai dám đầu tư vào khoa học công nghệ vì quy định đất chưa được quy hoạch… Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hà Nội là 1 trong 10 địa phương chưa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Do đó, cần hoàn thành phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch cho các huyện và hoàn thiện trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch của TP Hà Nội.Đồng thời, cần phủ kín quy hoạch phân khu, trước hết là đối với 4 quận nội đô, các đô thị vệ tinh; chủ động triển khai xây dựng quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đáy …

Một năm chuyển động ấn tượng

Thực tiễn đã chứng minh rằng, một tầm nhìn lãnh đạo dù có tốt đẹp và đúng đắn đến bao nhiêu nhưng nếu cách tổ chức thực hiện không hiệu quả thì tầm nhìn ấy vẫn mãi nằm trên giấy, mãi chỉ là ước mơ mà thôi.

Nhưng với Hà Nội, từ khi Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ đảm nhận trọng trách Bí thư thành ủy, nếu theo dõi và xâu chuỗi những nghị quyết, chỉ thị, phát ngôn và hành động từ tập thể Thường vụ, Thành ủy và cá nhân người đứng đầu, sẽ thấy được những ý chí mới, cách làm mới. Đó là những chỉ đạo không ồn ào, không đao to búa lớn nhưng không kém phần quyết liệt và hiệu quả thì có thể thấy rất rõ và rất nhanh.

Quang cảnh Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội. Ảnh: hanoi.gov.vn.

Còn nhớ đầu tháng 3-2020, trước tác động mạnh mẽ của “bão Covid 19”, nhiều bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm, điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế, xã hội nhưng Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã khẳng định quyết tâm sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong năm 2020; đồng thời, phấn đấu hoàn thành, đạt các chỉ tiêu trong năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016-2020. Thời điểm ấy, có nhiều người lo ngại đây là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Đầu quý 4-2020, trước dự báo tình hình tăng trưởng, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ một lần nữa quả quyết: “Hà Nội không thể bằng lòng với mức tăng trưởng GRDP năm 2020 là 3,5% như dự báo của Tổng cục Thống kê. Trong quý 4-2020, TP phải phấn đấu và quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao nhất để cả năm 2020, GRDP thành phố đạt mức tăng trưởng 4-5%”.

Phải thật sự có bản lĩnh và kinh nghiệm, có niềm tin ở năng lực tổ chức thực hiện mới có thể đưa ra những quyết định và chỉ đạo quả quyết như vậy.

Và thời gian đã có câu trả lời, đó không phải là những tuyên bố, hô hào suông mà đi kèm là biện pháp để biến quyết tâm thành hành động. Hết năm 2020, Hà Nội đã hoàn thành đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có những chỉ tiêu tưởng chừng không thể hoàn thành như: Thu ngân sách nhà nước; tăng trưởng kinh tế gấp 1,4 lần cả nước; kiềm chế lạm phát ở mức dưới 3%, ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng 4,2% - cao nhất trong 5 năm trở lại đây... Tăng trưởng kinh tế Thủ đô vẫn đạt 3,98% và gấp 1,4 lần cả nước; thu ngân sách đạt 280.500 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Ngành công nghiệp và xây dựng cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng, tính chung cả năm 2020, ước tăng 6,76% và đóng góp 1,51 điểm % tốc độ tăng GRDP chung của toàn Thành phố. Đáng chú ý, trong khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hà Nội ước tăng 4,45% so với năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 4,3% và chiếm trên 90% trong cơ cấu ngành công nghiệp; xuất khẩu cũng tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019...

Chiều 10-12, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức hội nghị ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì hội nghị. Ảnh: hanoimoi.com.vn.

Chọn vấn đề để giải quyết dứt điểm và tạo niềm tin

Để đạt được thành tích đó là những chỉ đạo rất thiết thực, rất kiên quyết. Trong một cuộc họp từ đầu năm ngoái, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đưa ra một thông điệp ấn tượng, trên mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế, phải quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng với “virus trì trệ”. Đây là loại virus nguy hại không kém Covid-19. Ngay khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Thành ủy đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 31 về thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống có hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô, vừa duy trì và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Phương pháp chỉ đạo, điều hành có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng sâu sát và “5 rõ”: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND các cấp từ TP.Hà Nội đến cơ sở.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn trong công tác lãnh đạo, đại ý: Chủ trương một, biện pháp phải mười, phải một trăm. Để đạt mục tiêu kép, Bí thư Thành ủy Hà Nội còn chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND TP tiếp tục hoàn thiện 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Gần một năm trên cương vị Bí thư Thành ủy cũng là một năm hết sức quan trọng đối với Đảng bộ Thủ đô, ông Vương Đình Huệ đã làm được nhiều việc hết sức quan trọng, trong đó có những việc đã kéo dài nhiều năm tưởng như không có hồi kết, đúng như ông nói: "Đây là thời điểm thử thách bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên các cấp”.

Gần một năm trên cương vị Bí thư Thành ủy cũng là một năm hết sức quan trọng đối với Đảng bộ Thủ đô, ông Vương Đình Huệ đã làm được nhiều việc hết sức quan trọng, trong đó có những việc đã kéo dài nhiều năm tưởng như không có hồi kết.

Năm 2020, thành phố đã giải quyết dứt điểm, tạo chuyển biến tích cực đối với nhiều việc khó tồn đọng kéo dài nhiều năm như đã hoàn thành xử lý vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực. Cùng với đó là câu chuyện rác thải Hà Nội luôn âm ỉ và nóng bỏng, đã kéo dài nhiều năm tại Khu Liên hiệp Xử lý chất thải Sóc Sơn. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế, lắng nghe kiến nghị của nhân dân và chỉ đạo giải quyết quyết liệt theo phương châm “4 tại chỗ”, phát huy trách nhiệm chính quyền cơ sở. Làm việc với Quận Hà Đông mới đây, ông đã chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm làm việc hết sức đúng đắn: “Thành phố đang chọn vấn đề nan giải để xử lý đầu tiên. Quận cũng nên chọn vài việc làm cho dứt điểm để người dân có niềm tin, làm mẫu để xử lý các việc khác”.Theo ông, vai trò của cấp ủy đảng, của người đứng đầu theo nguyên tắc tập trung dân chủ phải luôn được đề cao: “Phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát chứ không để cán bộ sai phạm nhiều quá. Không nhắc nhở lúc người ta sai nhỏ, để trượt dài rồi lại phải xử lý cán bộ. Mà có ai muốn cán bộ sai phạm để xử lý. Đẩy mạnh việc giám sát sẽ rung chuyển ngay lập tức. Ở Thành ủy, có vấn đề là Thường trực, Thường vụ giao cho Ủy ban Kiểm tra làm ngay. Như vừa rồi liên quan đến rác thải, chúng tôi giao ngay cho kiểm tra, giám sát, thanh tra vào ngay. Chúng ta có công cụ thì phải làm ngay”.

Những đột phá chiến lược và chương trình hành động trọng điểm

Từ Đại hội XII của Đảng đến nay, chúng ta kiên trì thực hiện 3 đột phá chiến lược cả chế kết cấu hạ tầng, cải cách thể thế và phát triển nguồn nhân lực. Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ trương lớn đó của Đảng với sự vận dụng, tạo đột phá bằng những ưu tiên, nội hàm sát với thực tiễn của mình. Một trong những nét mới đột phá trong phương pháp lãnh đạo của thành ủy nhiệm kỳ này là ngay sau Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Thành ủy đã ban hành và triển khai thực hiện ngay các chương trình công tác ngay sau Đại hội, khắc phục căn bản độ trễ quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống. Ngoài 8 chương trình như kỳ trước, Thành ủy Hà Nội đã ban hành thêm 2 chương trình công tác mới, với 10 chương trình công tác tổng thể tập trung vào các vấn đề: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị; xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Đẩy mạnh công tác quy hoạch; Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành hai nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ và công nghiệp văn hóa.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII gồm 71 đồng chí. Ảnh: hanoimoi.com.vn.

Phát biểu khai mạc hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVII, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh: Chủ đề của năm 2021 là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển" nên năm 2021 phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong toàn hệ thống chính trị, tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, của mỗi cán bộ đảng viên, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Nội dung đã nói nhiều rồi, cũng đã có nghị quyết rồi, quan trọng bây giờ phải hành động với tinh thần đổi mới, sáng tạo, với tư duy phát triển, không phải quyền anh quyền tôi, do đó phải phân cấp mạnh hơn nữa để phát triển".

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Ảnh: hanoimoi.com.vn.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi tới chào nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác. Ảnh: hanoimoi.com.vn.

Khát vọng đổi mới, sáng tạo để phát triển, phồn vinh theo tinh thần dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XIII đã và đang được thể hiện rất rõ trong tầm nhìn, bước đi và những chủ trương, biện pháp lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố Hà Nội. Tầm nhìn ấy đang dần được hiện thực hóa bằng những cách làm mới, giúp nghị quyết ngày càng đi vào cuộc sống.

TP Hà Nội chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Năm 2020: hoàn thành đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có những chỉ tiêu tưởng chừng không thể hoàn thành như: thu ngân sách nhà nước; tăng trưởng kinh tế gấp 1,4 lần cả nước; kiềm chế lạm phát ở mức dưới 3%, ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng 4,2% - cao nhất trong 5 năm trở lại đây... Tăng trưởng kinh tế Thủ đô vẫn đạt 3,98% và gấp 1,4 lần cả nước; thu ngân sách đạt 280.500 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số phát biểu ấn tượng của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ:

“Câu Hà Nội không vội được đâu” bây giờ có vẻ đã được ít nói hơn và dần dần chuyển sang nói câu “Hà Nội không vội thì không xong”. (2017)

Nhận nhiệm vụ Bí Thư Thành ủy Hà Nội vào tháng 2-2020 khi đang triển khai quyết liệt chống dịch Covid-19, ông Vương Đình Huệ nói: "Chúng ta phải xác định là bảo vệ được cho Hà Nội trước dịch bệnh là bảo vệ cho cả nước, trách nhiệm rất nặng nề."

“Phải quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng với “virus trì trệ”. Đây là loại virus nguy hại không kém Covid-19”.(2020)

Năm 2021 phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, hành động với tinh thần đổi mới, sáng tạo, không “quyền anh, quyền tôi’’.(2020)

“Không cấp nào được ngồi chờ mà phải thực hiện ngay, nhanh chóng đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp vào cuộc sống”.(2020)

“Thành phố đang chọn vấn đề nan giải để xử lý đầu tiên. Quận cũng nên chọn vài việc làm cho dứt điểm để người dân có niềm tin, làm mẫu để xử lý các việc khác”.(2021)

NGUYÊN MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/mot-nam-ha-noi-vuot-bao-tu-doi-moi-tam-nhin-phuong-phap-lanh-dao-648749