Một năm Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị: Hiệu quả nhưng vẫn cần điều chỉnh

Hôm nay (1-7), tròn một năm thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây. Theo ghi nhận, những thay đổi về cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và đội ngũ công chức theo mô hình chính quyền đô thị đã mang lại hiệu quả bước đầu, nhưng vẫn cần điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Tương Mai (quận Hoàng Mai). Ảnh: Quang Thái

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Tương Mai (quận Hoàng Mai). Ảnh: Quang Thái

Nâng cao tinh thần trách nhiệm

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội và nghị định của Chính phủ, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1-7-2021. Đến nay, tổ chức bộ máy của 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây đã tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tại UBND phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), đội ngũ công chức phường đã bước đầu bắt nhịp được yêu cầu công việc trong giai đoạn mới. Đặc biệt, việc triển khai nội dung ủy quyền ký chứng thực của công chức tư pháp - hộ tịch mang lại hiệu quả tốt.

Theo công chức tư pháp - hộ tịch phường Tây Mỗ Đỗ Tuấn Anh, phường hiện có khoảng 40.000 dân nên việc ủy quyền ký chứng thực (gồm chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký) tại bộ phận “một cửa” vừa giúp giải quyết công việc nhanh chóng cho người dân, vừa giúp lãnh đạo có thêm thời gian xử lý các nhiệm vụ khác. “Từ khi được ủy quyền đến nay, trung bình tôi ký hơn 100 hồ sơ/ngày, chiếm gần 80% tổng số hồ sơ chứng thực nên không hồ sơ nào chậm muộn. Công việc này đòi hỏi công chức phải nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời sắp xếp thời gian khoa học để đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Đỗ Tuấn Anh thông tin.

Tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), dù không tổ chức HĐND phường nhưng quyền dân chủ và giám sát của người dân vẫn được bảo đảm bằng nhiều hình thức như trên các phương tiện truyền thông, thông qua các cuộc họp tổ dân phố, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng dân cư... Trong một năm qua, ngoài 45 buổi tiếp công dân tại trụ sở UBND phường, Hoàng Liệt đã tổ chức 2 hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND phường với nhân dân. Việc giải quyết các kiến nghị của nhân dân tại hội nghị đối thoại đạt kết quả 99% tổng số kiến nghị. Ở góc độ người dân, bà Nguyễn Thị An (phường Hoàng Liệt) chia sẻ: “Chúng tôi thấy hiệu quả rõ nét nhất khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị là đi làm hồ sơ chứng thực đều nhận được kết quả nhanh chóng”.

Đánh giá việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho rằng, qua triển khai cho thấy, trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường đã nâng lên một bước. Việc quyết định các chủ trương, biện pháp thực hiện nhanh hơn nhưng vẫn giữ được nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ quy định pháp luật.

Phường Giảng Võ (quận Ba Đình) tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân để kịp thời giải quyết kiến nghị, tháng 6-2022.

Tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn nhận định, nhìn chung 12 quận và thị xã Sơn Tây đã nghiêm túc thực hiện đúng các chỉ đạo trong triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả bước đầu, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế.

Còn theo Trưởng ban Tổ chức Thị ủy, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây Đỗ Thị Lan Hương, thị xã với đặc thù vừa có phường, vừa có xã (9 phường, 6 xã) nên khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị còn gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí sắp xếp công chức từ chỗ thừa sang chỗ thiếu. Đặc biệt, khi bố trí công chức từ xã lên phường phải thực hiện quy trình tiếp nhận vào công chức, cần nhiều thời gian nên khó đáp ứng ngay với đơn vị cần bổ sung kịp thời nhân lực làm việc...

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Xuân Chinh thông tin, thực tế số dân cư tạm trú, thường trú, vãng lai của phường Hoàng Liệt lên đến hơn 10 vạn dân nên khối lượng công việc rất lớn mà chỉ có 15 cán bộ, công chức như hiện nay là quá “mỏng”... Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) Trần Thị Ngọc Lan cũng cho rằng, dân số đông, lượng công việc lớn nên với 15 cán bộ, công chức thực sự quá tải. Để hoàn thành khối lượng công việc, bộ phận “một cửa” của UBND phường chịu áp lực lớn.

Đó cũng là nhận xét chung của nhiều đơn vị, bởi ngoài các phường thuộc thị xã Sơn Tây, thì các phường thuộc 12 quận đều có quy mô dân số lớn, nhất là một số phường như: Hoàng Liệt (Hoàng Mai) trên 100.000 người; Trung Hòa (Cầu Giấy) 54.770 người… Trong khi đó, số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường được ấn định là 15 người/phường, bằng mức bình quân công chức cấp xã và chưa có cơ chế chính sách đặc thù đối với các phường quy mô dân số lớn.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm đề xuất, đối với việc giao, phân bổ chỉ tiêu biên chế hành chính sự nghiệp hằng năm, cùng với việc giao số lượng biên chế theo vị trí việc làm, thành phố cần quan tâm, tính toán đến các yếu tố thực tiễn của từng địa phương, như: Dân số, tốc độ đô thị hóa, khối lượng công việc... để có cơ sở phân bổ, giao chỉ tiêu biên chế phù hợp với từng địa phương.

Trong khi đó, UBND quận Ba Đình đề xuất, thành phố sớm kiến nghị với cấp thẩm quyền quan tâm tới đội ngũ cán bộ Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị về quyền lợi chính trị vì hiện nay vẫn chưa được “chính danh” cán bộ quận như công chức phường, dẫn đến việc bố trí sắp xếp, kiện toàn hệ thống chính trị ở phường gặp khó khăn, cán bộ chưa yên tâm công tác lâu dài.

Phong Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1035800/mot-nam-ha-noi-thuc-hien-thi-diem-to-chuc-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-hieu-qua-nhung-van-can-dieu-chinh