Một năm của Barcelona dưới thời Valverde: Được gì mất gì? (Kỳ 1)

Tròn một năm làm việc tại Nou Camp, Ernesto Valverde không chỉ giúp Barcelona có được sự cân bằng trước nay chưa từng có, mà còn thay đổi cả triết lý chơi bóng của CLB.

Những thay đổi mang tính hệ thống

Như đã biết, hồi hè năm ngoái với sự ra đi của Neymar - một trong ba người tạo nên tam tấu MSN đáng sợ nhất trời Âu thời điểm đó, sức tấn công của Barca đã bị đặt một dấu hỏi lớn. Thế nhưng theo sự ra đi của Luis Enrique, Ernesto Valverde đến và đem lại những thay đổi mang tính hệ thống ở Nou Camp. Thay vì tìm kiếm một nhân tuyển thích hợp để trám vào khoảng trống mà chân sút người Brazil đã để lại - nhiệm vụ được xem là bất khả thi kể cả ở thời điểm hiện tại, cựu thuyền trưởng Bilbao đã sẵn sàng bỏ qua sơ đồ 4-3-3 quen thuộc, để linh hoạt sang sơ đồ 4-4-2 hoặc 4-2-3-1. Chính điều này khiến các đối thủ không thể bắt bài gã khổng lồ một cách dễ dàng, qua đó góp một phần công không nhỏ vào chuỗi trận bất bại kéo dài lên tới con số 36 không tưởng của nhà ĐKVĐ La Liga.

Dưới thời Valverde, Barca không còn tam tấu mà chỉ có song sát.

Khi đội bóng chơi với một chiến thuật hoàn toàn mới, thì những con người ở đội bóng đó cũng phải thay đổi để thích nghi. Một mẫu tiền vệ chơi đơn giản, thiên sức mạnh như Paulinho nếu là trong quá khứ chắc chắn sẽ bị xem như không mang "gien Barca" thế nhưng nay lại được trọng dụng. Một sát thủ vòng cấm như Luis Suarez phải tập thích nghi với việc đá dạt biên. Ngay cả một tiền vệ vốn chủ yếu được giao nhiệm vụ tấn công như Ivan Rakitic khi cần thiết cũng sẵn sàng cùng Sergio Busquets tạo thành cặp tiền vệ phòng ngự giúp gã khổng lồ xứ Catalan chủ động phòng ngự từ xa và thu hồi bóng.

Tạo ra sự cân bằng giữa phòng ngự và tấn công cũng như đem đến sự thực dụng cần thiết

Đã từ lâu, lối chơi cống hiến theo trường phái Johan Cruyff đã trở thành thương hiệu, thành tôn chỉ của người Catalan. Họ luôn thể hiện sức mạnh đáng sợ với nhiều ngôi sao tấn công qua các thời kỳ như Romario, Rivaldo, Thierry Henry, Ronaldinho trong quá khứ và Messi, Suarez ở hiện tại. Barca thường xuyên có những màn chơi "tennis" với đối thủ nhờ phong cách chú trọng kiểm soát bóng kết hợp với lối tấn công tiqui-taca vô cùng biến ảo. Dẫu vậy, sau hàng thập kỷ thống trị, triết lý này đã dần bị các đối thủ nghiên cứu kỹ lưỡng và tỏ rõ nhiều điểm hạn chế trước những đội bóng già rơ.

Valverde là người đem đến một bộ mặt mới cho đội chủ sân Nou Camp.

Thế nhưng Valverde đến, và Barcelona không còn là nô lệ của những trận đấu với hàng ngàn đường chuyền nữa. Messi và các đồng đội giờ đây bên cạnh việc chủ động tấn công còn phải học cách tích cực phòng ngự từ xa, không ngần ngại phạm lỗi, sẵn sàng sử dụng tiểu xảo và chớp thời cơ kết liễu đối thủ - phong cách thường thấy ở Atletico Madrid.

Không chỉ đem đến sự thực dụng cần thiết, mà vị chiến lược gia đến từ xứ Extremadura còn khắc phục được điểm yếu cố hữu của Blaugrana, đó là phương châm lấy công bù thủ. Những trận thắng với cách biệt 5, 6 hay thậm chí là 7 bàn trở nên hiếm thấy, nhưng đồng thời số bàn thua phải nhận cũng trở nên ít hơn. Sau 37 trận đấu tại La Liga, Ter Stegen chỉ phải vào lưới nhặt bóng 29 lần (trung bình 0,78 bàn/trận), con số đưa Barca vào top những đội bóng đá phòng ngự hay nhất châu Âu.

Dù mới đây phải chịu một trận thua ê chề 4-5, thế nhưng đó là một trận đấu không còn nhiều ý nghĩa, cũng như phần lớn các ngôi sao trong đội hình đều thi đấu cầm chân để tránh những chấn thương đáng tiếc trước thềm World Cup. Dẫu biết vẫn còn nhiều điều cần cải thiện, thế nhưng rõ ràng 2018/19 vẫn sẽ là một mùa giải rất đáng chờ đợi giành cho các cule, một cơ hội nữa để Barca tái hiện kỳ tích ăn sáu vô tiền khoáng hậu năm nào.

Kính Hoa Thủy Nguyệt

Nguồn Bóng Đá: http://www.bongda.com.vn/mot-nam-cua-barcelona-duoi-thoi-valverde-duoc-gi-mat-gi-ky-1-d445375.html