Một mùa phim Cannes nữa sắp đến, điện ảnh Việt vẫn mãi là… phim ngắn!

Vậy là chỉ còn đúng một tháng nữa, Liên hoan phim (LHP) Cannes – danh giá và không kém phần phù hoa lần thứ 72 sẽ lại chính thức bắt đầu (từ 14 đến 25-5). Năm nay, điện ảnh Việt lại có phim ngắn tham dự.

Khán giả trong nước vẫn quen với việc: Đến Cannes, Việt Nam hẳn sẽ có Lý Nhã Kỳ, váy áo lộng lẫy sải bước trên thảm đỏ. Mới thế mà đã mấy năm “cô Kỳ” – một trong những nhân vật được để ý nhất ở trong nước mỗi mùa Cannes về. Cũng mới thế mà đã nhiều năm, Việt Nam không có đề cử nào cuối cùng vào danh sách dự giải thưởng của Cannes thể loại phim dài. May mắn là chúng ta vẫn có… phim ngắn.

Từ trước đến nay, phim ngắn luôn được xem là một sân chơi, một bước đệm dành cho những nhà làm phim trẻ. Hàng năm hạng mục này nhận được vài ngàn bộ phim ngắn từ khắp nơi trên thế giới gửi về. Vì vậy, xuất hiện và có phim được chiếu ở Short Film Corner của Cannes là một vinh dự rất lớn.

Và Việt Nam dường như “rất có duyên” với các phim ngắn tại Cannes. Năm 2013, phim ngắn “16:30” của đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy đến từ Việt Nam cũng vinh dự được trình chiếu tại Cannes. Trước đó, năm 2012, “Canh ba ba” - bộ phim chiến thắng của nhóm làm phim Yeti đến từ TP HCM tại Liên hoan 48H Việt Nam, đồng thời giải ba Liên hoan Phim ngắn 48H toàn thế giới đã vinh dự chiếu ở hạng mục Góc phim ngắn của Cannes (Pháp).

Phim “Infill & Full set”, do diễn viên Nhã Phương vừa là diễn viên chính, vừa là nhà sản xuất có mặt tại Cannes dù được khen ngợi nhưng lại không tranh giải cho hạng mục phim ngắn 2018. (Ảnh Tư Liệu)

Phim “Infill & Full set”, do diễn viên Nhã Phương vừa là diễn viên chính, vừa là nhà sản xuất có mặt tại Cannes dù được khen ngợi nhưng lại không tranh giải cho hạng mục phim ngắn 2018. (Ảnh Tư Liệu)

Năm 2018, phim ngắn 14 phút “Infill & Full set”, do diễn viên Nhã Phương vừa là diễn viên chính, vừa là nhà sản xuất đã vinh dự có mặt tại Cannes để tham gia một số hoạt động giới thiệu, quảng bá. “Infill & Full set” được trình chiếu trong Short Film Corner (Góc phim ngắn) của Cannes, được khen ngợi nhưng không tranh giải.

Cũng trong năm 2018, lễ trao giải phim ngắn 321 Action 2018 đã mang đến một tin vui cho các nhà làm phim trẻ trong nước: Phim thắng giải sẽ được chiếu tại Global Short Film ở Cannes, Pháp vào năm 2019. Như vậy, Giải vàng 321 Action 2018/Gold Film Award “Đền một ước mơ” nhiều khả năng sẽ là đại diện Việt Nam có mặt ở Cannes năm nay. Tất nhiên, ở thể loại phim ngắn.

Ngẫm ra cũng lâu lâu rồi, chúng ta không có phim tham dự Cannes thể loại phim dài. Phải hiếm hoi lắm, mới thấy một đoàn nghệ sĩ Việt Nam trên thảm đỏ với tư cách: Có phim chính thức tham dự giải thưởng danh giá ở mùa hè nước Pháp. Còn lại, mọi váy áo lộng lẫy đều là “vé” của các bên đối tác. Hay “tức thời” hơn như Lý Nhã Kỳ là cô đến Cannes để tận dụng cơ hội kinh doanh. Ngắm Lý Nhã Kỳ váy áo lộng lẫy tất nhiên là… đẹp. Nhưng khán giả trong nước chắc chắn cảm thấy không thỏa mãn. Thỏa mãn sao được khi điện ảnh trong nước, thời còn những thước phim đen trắng có những tác phẩm nức tiếng và được nhiều giải thưởng quốc tế lớn nhỏ. Thỏa mãn sao được khi mấy năm gần đây, điện ảnh trong nước liên tục gia tăng doanh thu phòng vé, liên tục tăng số lượng phim phát hành, mà phim Việt vẫn … như ở ngoài cuộc các sân chơi lớn.

Trong khi đó, danh sách phim được chọn đến LHP quốc tế Cannes lần thứ 72 vừa công bố cho thấy 19 phim tranh giải với hai đại diện châu Á rất mạnh là tác phẩm của Điêu Diệc Nam (Trung Quốc) với “The Wild Goose Lake” và Bong Joon Ho (Hàn quốc) với “Parasite”. “The Wild Goose Lake” là phim mới nhất của Điêu Diệc Nam kể từ tác phẩm “Black Coal, Thin Ice” từng giúp anh đoạt giải Gấu Vàng Berlin 5 năm trước. Dàn tài tử chính của hai phim y như nhau bao gồm Quế Luân Mỹ và Liêu Phàm.

Câu chuyện của “The Wild Goose Lake” xoay quanh thủ lĩnh một băng đảng bỗng rơi vào ngõ cụt, đồng thời nhận ra tình yêu với một phụ nữ bí ẩn. Họ quyết định chơi cú chót hoặc sống hoặc chết. Phim sẽ ra rạp tại Pháp thông qua nhà phát hành Memento. Còn Parasite có thể là một trong những phim đen tối nhất sự nghiệp Bong Jong Ho. Phim cũng được người hâm mộ kỳ vọng không thua kém “Memories of Murder” của Bong trước đó.

Mới chỉ cách đây không lâu, trong cuộc hội thảo về điện ảnh nước nhà, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn nói phim Việt là những câu chuyện tiểu tiết, ít yếu tố màu sắc dân tộc quá. Chính cái thiếu đó lại là cái cần nhất để chúng ta “đem chuông đi đánh xứ người”.

Tất nhiên, so sánh với điện ảnh khu vực, nhất là Hàn Quốc và Trung Quốc là khó khăn đối với điện ảnh Việt khi họ lớn mạnh và đủ đầy hơn cả về nhân lực và vật lực. Nhưng nhìn đi cũng phải nhìn lại, điện ảnh các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines và Campuchia từng có suất chiếu chính tại Cannes, thậm chí có giải chính thức.

Phim ngắn có được một suất chiếu tại thể loại “ngắn” tại Cannes cũng là nỗ lực đáng ghi nhận, đáng cổ vũ của ê-kíp các nhà làm phim trong nước. Nhưng chắc chắn là khán giả đợi chờ nhiều hơn hai từ “phim ngắn”. Mỗi mùa LHP quốc tế đến, khán giả vẫn mong đợi việc chúng ta đường đường chính chính có phim tham dự. Sự mong đợi đó cũng là kỳ vọng cho những nhà làm phim trong nước. Nếu cứ mãi tính doanh thu và làm những phim vui vẻ nhưng thiếu màu sắc dân tộc, thiếu cách thể hiện độc đáo bằng lăng kính văn hóa riêng, chúng ta vẫn phải ca bài ca “mãi là phim ngắn” tại các kỳ cuộc LHP rầm rộ như Cannes.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mot-mua-phim-cannes-nua-sap-den-dien-anh-viet-van-mai-la-phim-ngan-145302.html