'Một mình ông Lương không thể sửa hết 330 bài thi'

Việc ông Vũ Trọng Lương – Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang – bị phát hiện có hành vi sửa, nâng điểm 330 bài thi của 114 học sinh, trong đợt thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) vừa qua đã gây chấn động dư luận cả nước. PV Lao Động đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ – PGS ngôn ngữ học Hồ Xuân Mai (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ).

Tiến sĩ Hồ Xuân Mai hiện công tác tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ. Ảnh: H.M

PV: Thưa Tiến sĩ Hồ Xuân Mai, vụ sửa bài thi, sửa điểm thi xảy ra ở Hà Giang vừa qua, có phải là chuyện hy hữu trong ngành giáo dục?

TS Hồ Xuân Mai: Cả nước đang hướng về Hà Giang với tâm trạng buồn. Đó là sự gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua…

Ai từng giảng dạy, tham gia chấm thi, đều có chung một điểm là: Hơn một lần, mình nâng điểm cho người học. Đó là khi thấy bài làm của người học điểm thấp, mà lẽ ra không phải thế. Cầm bút chấm mà bực, trách người làm bài tại sao lại sơ hở vậy. Cho thêm một điểm để các em có cơ hội về sau, có cơ hội học tiếp, thoát khỏi chuyện thi lại...

Ta công bố cho cả hội đồng chấm, tất cả đều vui vẻ đồng ý “Ừ, được đấy!”, “Ừ, nên thế!”, “Phải đấy!”,... và nhẹ nhàng ra về. Bởi chắc chắn ta đã làm được một điều tốt. Và như vậy, xã hội chấp nhận, chẳng ai soi mói, lên án… Đó là đạo đức đích thực, lương tâm đích thực của người dạy học.

Ta không phải hổ thẹn, không phải nơm nớp lo sợ bị phanh phui…Chuyện ở Hà Giang thì trái lại. Đó là sự gian lận. Bước đầu, thanh tra Bộ Giáo dục đã kết luận, nhưng tôi thấy còn nhiều uẩn khuất cần phải làm rõ…

Thưa Tiến sĩ, vậy “uẩn khuất” đấy là gì?

- Một người dù có liều tới đâu, chắc chắn cũng không dám làm chuyện tày trời như vậy. Mọi người trong nghề đều rõ: Quy trình từ khi tráo thứ tự bài để đánh mật mã, ghi ký hiệu túi bài thi, chấm thi… đến khi thống nhất điểm theo đáp án và lên điểm, đều có biên bản với rất nhiều chữ ký, chứ không bao giờ là một người.

Khi hoàn tất tất cả các khâu, bài thi được cho vào túi, lại phải có ít nhất là hai chữ ký dán niêm phong. Trong quá trình lên điểm, nếu có nhầm lẫn nào đó thì phải sửa bằng mực đỏ, phải có hai chữ ký xác nhận và biên bản kèm theo, xác nhận chỗ sửa đó. Nếu một người nhầm lẫn hai lần, thì sẽ bị lập biên bản; thậm chí là đình chỉ công tác.

Tủ đựng bài thi và phòng đựng bài thi cũng phải được khóa và niêm phong, cũng với ít nhất hai chữ ký vào tờ niêm phong. Vậy, bằng cách nào một mình ông Vũ Trọng Lương có thể tự tiện vào phòng chứa bài thi, mà không ai biết? Cứ cho là ông Lương giữ nhiệm vụ quản lý, nên tự do ra vào phòng này, thì ông cũng không thể biết được tên thí sinh nằm ở túi nào?

Cho nên, để lấy được hơn 330 bài của hơn 140 thí sinh, ông Lương phải mất ít nhất là nửa ngày. Giả sử ông này giỏi vi tính, có thể chỉnh sửa điểm trên file excel trong 6 giây (như công bố của tổ thanh tra), thì để sửa trên hơn 330 bài thi của chừng 114 thí sinh, ông Lương phải cần 2 ngày, chứ không thể chỉ mất 2 giờ 38 phút (như công bố của tổ thanh tra).

Trong thời gian đó, thanh tra, giám sát, hội đồng chấm thi, lực lượng bảo vệ/an ninh ở đâu? Vì vậy, một mình ông Lương không thể làm được chuyện tày đình như vậy, nếu không có sự giúp sức của ai đó. Và người đó là ai? Đặc biệt, việc chấm thi (tốt nghiệp, thi tuyển) luôn có thống kê điểm và nó phải được đặt lên bàn của Chủ tịch Hội đồng chấm thi trước khi công bố điểm thi.

Điểm bất thường như ở Hà Giang, chẳng lẽ Chủ tịch Hội đồng chấm thi không biết? Để công bố điểm thi, Chủ tịch Hội đồng chấm thi phải ký. Những con số đặc biệt (điểm nhỏ và điểm lớn) thường được tô đậm để thống kê, chẳng lẽ Chủ tịch Hội đồng chấm thi không để ý?

Theo tôi, nhất định phải có sự tham gia, tiếp sức hoặc đồng lõa của người khác trong chuyện sửa điểm này. Kết luận của tổ công tác Bộ Giáo dục cho thấy: Hầu hết những thí sinh được sửa điểm, đều là con em của quan chức đương nhiệm tỉnh Hà Giang. Một số ít là con em của doanh nghiệp - tức những người có tiền, có thế lực…

Tại sao con em của các thành phần này lại được ông Lương sửa bài, nâng điểm? Dư luận rất bức xúc chờ câu trả lời. Nếu không làm rõ các uẩn khuất này, dư luận có quyền nghĩ rằng ông Lương chỉ là… con tốt thí.

Với tư cách là một nhà giáo, TS có thể nhận định thế nào về hệ lụy của sự cố này trong ngành giáo dục?

- Chích nhầm một mũi thuốc, chỉ chết một người. Nói sai, giảng sai trước một lớp học sẽ “giết chết” nhiều thế hệ. Còn ở đây, là sự gian lận điểm thi trong một kỳ thi quốc gia hệ trọng. Hơn 114 thí sinh kia, nếu không bị phát hiện, sẽ trở thành tú tài, cử nhân, giáo sư, tiến sĩ, những cán bộ chủ chốt sau này…

Hậu quả thế nào, chắc chắn không ai dám nghĩ tới. Ngành giáo dục là để đào tạo con người. Lẽ ra, ngành này phải được xã hội tin tưởng, kính trọng, tôn vinh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, lâu rồi, xã hội đã mất niềm tin vào giáo dục.

Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn thẳng thắn này!

CAO HÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/mot-minh-ong-luong-khong-the-sua-het-330-bai-thi-620076.ldo