Một màu xanh yên bình giữa biển khơi

Giữa biển cả mênh mông với khí hậu khắc nghiệt, thế nhưng với ý chí quyết tâm, kiên cường, khắc phục mọi khó khăn, các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại các đảo trên vùng biển Trường Sa thiêng liêng vẫn chắc tay súng, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngoài làm tốt các nhiệm vụ chính trị, các anh còn cùng nhân dân không ngừng tăng gia sản xuất, tạo nên một màu xanh tràn đầy sự sống giữa biển khơi xa…

Tiếng sóng biển rì rào vỗ liên hồi vào mạn tàu chở Đoàn công tác tại cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) như thôi thúc các thành viên đoàn công tác lòng càng thêm rạo rực, mong muốn nhanh chóng được đặt chân tới Trường Sa. Sự háo hức đó là cảm xúc không chỉ với những người lần đầu sắp được tới đây mà còn cả trong lòng một số rất ít người may mắn đặt chân tới đây lần hai.

Phút chia tay bịn rịn của Đoàn công tác với cán bộ, chiến sỹ trên đảo.

Phút chia tay bịn rịn của Đoàn công tác với cán bộ, chiến sỹ trên đảo.

Sau buổi lễ tiễn đoàn, con tàu rẽ sóng ra khơi bắt đầu chuyến “Hành trình vì biển đảo quê hương”. Nhằm tạo thuận tiện việc thông tin các hoạt động về chuỗi hành trình nhanh nhất cho các đại biểu, tất cả thành viên trên tàu được chia về nhiều Trung đội. Ai cũng thấy vui, phấn khởi, bởi sau buổi họp đầu tiên của các Trung đội được thông báo có rất nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ diễn ra, và hơn hết là được cùng nhau tập luyện, dàn dựng các tiết mục văn nghệ đặc sắc như món quà nhằm động viên các cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm canh gác trên các đảo.

Sau 2 đêm một ngày, tàu chúng tôi cập bến đảo Song Tử Tây - hòn đảo được phủ một màu xanh ngắt, yên bình. Dầm mình dưới nắng, Trung sĩ Phương Đức Trọng, Hải quân đảo Song Tử Tây với nước da đen giòn, mồ hôi nhễ nhại, đang nhiệt tình làm nhiệm vụ “hoa tiêu sống” hướng dẫn những chiếc ca nô chở đoàn vào âu tàu, lách qua các dải đá ngầm.

Đây là đảo nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, có diện tích rộng hơn 10ha và thuộc địa giới hành chính của xã Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Trên đảo hiện có rất nhiều cây phong ba, bão táp, keo lá tràm, bàng vuông… tạo thành một màu xanh tràn đầy sức sống.

Ngay sau khi đặt chân lên đảo, lễ chào cờ được tổ chức, lễ diễu binh biểu dương sức mạnh tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật nghiêm của lực lượng Hải quân cũng được triển khai. Chứng kiến giây phút thiêng liêng chào cờ giữa biển trời, rồi bài hát “Tiến quân ca” được cất vang qua sự hòa giọng của cán bộ chiến sỹ cùng đoàn công tác, nhiều thành viên mắt ngấn lệ, trào dâng sự xúc động, khó diễn tả.

Trung tá Đậu Bình Dân, Chỉ huy trưởng của đảo dẫn chúng tôi đi bộ tham quan dưới những tán cây rợp bóng mát. Tại các khu vực nuôi trồng, nhiều thành viên trong đoàn bày tỏ sự ngạc nhiên xen lẫn khâm phục khi bắt gặp rất nhiều vườn rau xanh, cây ăn trái cùng các loại gia súc, gia cầm được chăm sóc, quy hoạch rất chỉn chu phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Theo Trung tá Bùi Thanh Tùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cơ quan ban, ngành, lãnh đạo chỉ huy và sự giúp đỡ của nhân dân cả nước, các đảo trong đó có đảo Song Tử Tây đã có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Không chỉ vậy, mạng viễn thông phát triển, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống sinh hoạt và phục vụ huấn luyện, công tác cho các cán bộ, chiến sỹ trên đảo mà còn giúp những người lính “gần” với đất liền hơn rất nhiều.

Hiện trên đảo có đầy đủ sân tập thể dục thể thao, tivi, tủ lạnh, quạt mát, các đầu sách hay, bổ ích, giúp cán bộ, chiến sỹ thuận lợi trong việc học tập, nghiên cứu, không ngừng nâng cao trình độ. Bên cạnh trường học được xây dựng khang trang, các ngôi chùa cũng hiện hữu phục vụ đời sống tâm linh của nhân dân, bệnh xá không ngừng được nâng cấp, chăm sóc tốt sức khỏe cho quân và dân, ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển…

Cùng đồng đội ngắt những luống rau mùng tơi xanh tươi mơn mởn trong vườn để chuẩn bị cho bữa cơm chiều, binh nhất Phạm Văn Hải, 20 tuổi, quê Hải Hậu, tỉnh Nam Định lại nhanh chóng xách nước tưới bãi rau các đơn vị. Ra đảo làm nhiệm vụ được hơn nửa năm, nhưng hôm qua mới là lần đầu tiên Hải được chứng kiến một cơn mưa nhỏ chẳng đủ “giải khát” ghé tới.

Tuy vậy, nhờ tích trữ nước mưa cũng như sử dụng nguồn nước sạch hợp lý nên rau, củ, quả vẫn được chăm sóc đầy đủ, phát triển tốt. Có đặt chân tới đảo mới hiểu, dù điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt là vậy, Song Tử Tây vẫn luôn tràn đầy màu xanh sự sống, một màu xanh được tạo nên từ tình yêu quê hương, Tổ quốc, từ sự trách nhiệm, cần mẫn của quân và dân trên đảo…

Binh nhất Phạm Văn Hải cùng đồng đội chăm sóc vườn rau trên đảo.

Tại nhà đèn trên đảo, vừa nhìn thấy chúng tôi đến, anh Trần Văn Khánh, 51 tuổi, một trong những người đang làm nhiệm vụ hết sức quan trọng góp phần xác định chủ quyền biển đảo và định vị, định hướng cho tàu bè đi lại trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta nở nụ cười thân thiện mời mọi người vào uống nước.

Trong hơn 20 năm làm nhiệm vụ tại các đảo, theo anh Khánh, đợt bão 2017 là cơn bão khủng khiếp nhất mà anh từng chứng chiến. Chỉ trong vỏn vẹn 4 tiếng đồng hồ từ 16h đến 20h cơn bão ập tới khiến toàn đảo ngập, các bể nước ăn chìm trong nước, cây cối đến 90% gãy đổ…

Cũng theo anh Khánh, ngay sau đó, cùng với các cấp chính quyền, tất cả quân và dân trên đảo đã chung tay dọn dẹp, tu sửa, giúp nhau nhanh chóng vượt qua khó khăn. Giờ anh em làm công tác nhiệm vụ nhà đèn tại đảo Song Tử Tây nói riêng, các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa nói chung điều kiện cơ sở vật chất, đời sống đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây, anh em rất yên tâm bám đảo, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Bên cạnh việc phát huy truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết, chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, cán bộ, chiến sỹ trên đảo thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác, cảnh giác trong thực hiện nhiệm vụ, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; nhiều năm qua, đảo Song Tử Tây còn là nơi neo đậu tàu thuyền, đảm bảo tốt việc khám, chữa bệnh cấp phát thuốc, giải cứu rất nhiều trường hợp bị chấn thương do lao động trên biển, các trường hợp gẫy tay, mổ ruột thừa, đột quỵ…

Theo chân các đoàn viên thanh niên mang những món quà gồm các tập sách, vở, trang thiết bị học tập tới tặng các em học sinh trên đảo, chúng tôi gặp thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc. Cách đây gần ba năm, với mong muốn được góp một phần nhỏ bé sức lực bản thân trong xây dựng biển đảo quê hương giàu đẹp, chàng trai Bá Ngọc khi đó 24 tuổi, quê Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) đã đăng ký tình nguyện ra đảo Song Tử Tây gieo con chữ.

Căn cứ vào tình hình thực tế tại đây, cùng với thầy Phú, thầy Ngọc không chỉ làm công tác giảng dạy các em học sinh cấp Tiểu học, mà các thầy còn kiêm thêm giáo viên dạy mầm non. Dù có những bỡ ngỡ ban đầu nhưng bằng tình yêu thương trẻ thơ, các thầy đã nhanh chóng bắt nhịp, trau dồi thêm kiến thức dạy lớp mầm từ những người đi trước, bạn bè giáo viên ngoài đất liền…

Được gặp, được trò chuyện và tìm hiểu thêm cuộc sống của những cán bộ, chiến sỹ trên đảo Song Tử Tây, chúng thêm càng thêm cảm phục tinh thần của những người lính đảo anh dũng, kiên cường giữ bình yên biển đảo của Tổ quốc. Sau các tiết mục văn hóa, văn nghệ giao lưu đầy ý nghĩa, thắm tình quân dân, cuộc gặp gỡ của chúng tôi với cán bộ, chiến sỹ đảo chia tay trong sự quyến luyến.

Hình ảnh các cán bộ, chiến sỹ đảo đứng trên bến thật lâu, vẫy tay chào Đoàn công tác rời xa hẳn khỏi tầm mắt khiến lòng ai cũng bịn rịn. Rời đảo, chúng tôi thầm cầu mong các cán bộ, chiến sỹ luôn dồi dào sức khỏe, bình an, vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió…

Xuân Trường

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/mot-mau-xanh-yen-binh-giua-bien-khoi-549951/