Một ly cà phê đặc biệt: Espresso có pha rượu mạnh

Thế giới bóng đá từng chứng kiến nhiều 'người tí hon' làm nên sự vĩ đại cho một đội bóng. Một trong số đó có Franco Baresi.

Dấu giày trên sân cỏ:

Trung vệ huyền thoại Franco Baresi.

“Bá tước” Nils Erik Liedholm – một trong bộ ba huyền thoại “Gre-No-Li” của “Rossoneri” từng “làm mưa làm gió” tại Serie A giai đoạn 1949-1955 – người từng có 3 nhiệm kỳ làm HLV ở San Siro, khi còn sống, thường tự hào khoe với mọi người việc ông là người giới thiệu cho thế giới bóng đá 2 huyền thoại: Franco Baresi và Paolo Maldini.

Ngày này cách đây 42 năm (23-4-1978), AC Milan làm khách của Verona trong khuôn khổ Serie A. “Cậu thi đấu!”, HLV Liedholm chỉ vào một anh chàng nhỏ con mà đúng 15 ngày sau sẽ tròn 18 tuổi, để thế chỗ cho hậu vệ Ramon Turone bị treo giò. Thủ môn kỳ cựu của AC Millan Enrico Albertosi nhìn về phía anh chàng và bày tỏ sự lo lắng, vì phía trước là người đồng đội nhỏ con và chưa một chút kinh nghiệm. Kết thúc trận đấu, AC Milan đã giành chiến thắng 2-1 và anh chàng nhỏ con đó – Franco Baresi, đã chơi nổi bật.

Đội trưởng Gianni Rivera sau trận đấu, đã nhận xét: “Cậu bé này sẽ mở ra hành trình dài cho mình”.

Chỉ 4 năm sau, khi mới 22 tuổi, “Piscinin” (chàng lùn) - biệt danh mà cả đội gọi Franco Baresi đã là đội trưởng, cùng AC Milan bước vào kỷ nguyên thành công rực rỡ. 20 năm chinh chiến với tổng cộng 716 trận đấu chỉ với duy nhất “đội bóng màu đỏ-đen”, Baresi giành được 6 Scudetto, 4 Siêu cúp Italia, 3 Cúp C1, 3 Siêu Cúp châu Âu và 2 Cup liên lục địa. Chiếc áo số 6 ông mặc tại Milan được câu lạc bộ treo vĩnh viễn như một sự tri ân.

Franco Baresi hội tụ đầy đủ các phẩm chất về thể chất và tinh thần mà một hậu vệ cần có: Tốc độ, bền bỉ, dẻo dai, nền tảng thể lực cũng như sự tập trung và ý chí - điều đã che lấp đi những điểm yếu về chiều cao của một cầu thủ.

Những cú tắc bóng đúng thời điểm đến hoàn hảo, những pha đeo bám dai dẳng, những đường chuyền gọn ghẽ... đã làm nên thương hiệu của Baresi. Không những vậy, Baresi còn là một trung vệ đầy “xảo thuật” khi sẵn sàng phạm lỗi hay câu giờ vào thời điểm đội bóng cần những sự điều chỉnh. Franco Baresi được đánh giá là người thứ 2 “định nghĩa” thế nào là một Libero – sau những gì mà “Hoàng đế” Franz Beckenbauer đã làm được.

Người Italia có câu: Những viên đá nền móng cho thành công là trung thực, chí khí, chính trực, niềm tin, yêu thương và trung thành. Franco Baresi chính là minh chứng sống động. Trong cả 2 lần “đội bóng đỏ-đen” rớt hạng phải xuống chơi ở Serie B, Franco Baresi đều ở lại để cùng đội bóng vượt qua khốn khó, thay vì “trốn chạy” như hàng loạt “siêu sao” khác đã làm trong Vụ bê bối bóng đá Ý năm 2006 – “Calciopoli”. Lòng trung thành của Franco Baresi, vẫn là bài học vỡ lòng mà AC Milan dạy cho lớp lớp cầu thủ trẻ.

...

Italia – đất nước của thi ca, nhạc họa, rượu – những thứ men say của cuộc sống. Italia còn là nơi mà cà phê trở thành một nét văn hóa truyền thống. Nếu gọi một ly cà phê khi tới Italia, bạn không nên yêu cầu cho thêm gì khác. Bởi hành động đó gần giống như một sự xúc phạm nho nhỏ hay thiếu tôn trọng với những người đã pha chế cho bạn ly cà phê – mà với họ đã là hoàn hảo nhất.

Hai loại cà phê đặc trưng trong văn hóa cà phê Italia đó là Espresso và Cappucino.

Nhưng còn một loại cà phê đặc biệt khác: Cafe Corretto. Đó là một ly Espresso bình thường, nhưng có thêm một chút rượu mạnh.

Paolo Maldini – người đã kế thừa chiếc băng đội trưởng sau ngày Franco Baresi giải nghệ, đã nhận xét về Franco Baresi chỉ bằng 1 câu nói: “Anh ấy là một con người rất đặc biệt”.

Franco Baresi cũng như một ly Corretto của người Italia vậy, đặc biệt và duy nhất.

Nguyên Phong

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao-quoc-te/mot-ly-ca-phe-dac-biet-espresso-co-pha-ruou-manh/117844.htm