Một 'lời hứa' và 7 năm mòn mỏi chờ bồi thường

Mặc dù Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ bắt đầu xây dựng từ năm 2010, nhưng gia đình ông Lê Văn Phụng, trú thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa được nhận một đồng tiền bồi thường từ diện tích đất đã bị thu hồi.

Mặc dù chưa nhận được tiền bồi thường nhưng chủ đầu tư ngang nhiên san lấp, cho thuê. Ảnh: T.H

Địa phương thừa nhận sai sót

Theo trình bày của ông Phụng, gia đình được ông bà có để lại 2.400m 2 đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ. Sau ngày giải phóng, một người anh họ đã đưa diện tích đất trên vào HTX Nông nghiệp xã Tịnh Kỳ, một thời gian sau HTX trên không hoạt động nữa, UBND xã Tịnh Kỳ đã giao lại cho bà Nguyễn Thị Thanh, vợ Liệt sĩ Nguyễn Thanh Can) - bố mẹ của ông Phụng. Từ năm 1995 đến nay gia đình ông Phụng mưu sinh và canh tác trên thửa đất trên.

Năm 2010, BQL Dự án Đầu tư và Xây dựng thủy sản (nay đã giải thể) tiến hành xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ trên diện tích đất mà ông Phụng đang canh tác. Và ông Phụng khẳng định rằng, trong quá trình triển khai dự án, BQL không kiểm kê tài sản trên đất, không có quyết định thu hồi đất mà cho đơn vị thi công san ủi toàn bộ diện tích nuôi tôm, hoa màu của gia đình.

“Đến thời điểm này, đã 7 năm trôi qua, gia đình tôi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Gia đình tôi có 9 người, bị thu "trắng" 2.400m 2 , đất suốt mấy năm qua khiến cuộc sống rất khó khăn, cả hai vợ chồng hằng ngày phải ngụp lặn giữa sông bắt con tôm con cá kiếm sống qua ngày” - ông Phụng chua xót.

Ông Võ Minh Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho biết, nguyên nhân chưa giải quyết bồi thường cho gia đình ông Phụng là do trong phương án phê duyệt dự án năm 2010 xác định các thửa đất trên là của xã, nhưng sau đó ông Phụng có đơn yêu cầu thì UBND xã mới kiểm tra, xem xét và đã công nhận 2 thửa cho bà Nguyễn Thị Thanh (đã mất) - đó là sai sót của xã.

“Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng bồi thường bổ sung diện tích đất đã thu hồi, đồng thời yêu cầu ông Phụng có đơn thống nhất giữa các anh em để xác định người thừa hưởng diện tích đất trên” - ông Vương cho biết thêm.

Thành viên Cty là “anh, em”

Dù việc bồi thường chưa hoàn thành, đơn khiếu nại của gia đình ông Phụng chưa được giải quyết dứt điểm thì BQL các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi - đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý tiến hành kêu gọi đầu tư tại cảng cá Tịnh Kỳ - cấp phép cho 44 doanh nghiệp, cá nhân (trong đó có 11 doanh nghiệp, các nhân ngoài địa phương) thuê đất xây dựng công trình phục vụ hậu cần nghề cá tại Trung tâm hậu cần nghề cá Sa Kỳ. Khi BQL các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi đầu tư, gia đình ông Phụng đăng ký thuê 2 vị trí. Trong đó, vị trí thứ nhất là nhà ở kết hợp căn tin với diện tích đất thuê 500m 2 ; vị trí thứ 2 có diện tích 1.000m 2 nằm tại cảng cá.

Giám đốc BQL thống nhất cho ông Lê Văn Phụng thuê cơ sở hạ tầng tại khu dịch vụ hậu cần nghề cá mở rộng. Tuy nhiên, ngay sau đó, BQL các cảng cá Quảng Ngãi lại cho Cty TNHH thủy sản Diễm Hưng thuê, khiến cho gia đình ông Phụng vô cùng bức xúc.

Ông Nguyễn Thanh Hiền - Trưởng phòng Kế hoạch - Quản lý công trình (BQL các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, nguyên nhân là do ông Phụng chưa xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, chưa xác định được lĩnh vực cần đầu tư, diện tích, mức thuế, quy mô đầu tư, thời gian xây dựng… nên BQL các cảng cá cho Cty TNHH thủy sản Diễm Hưng thuê.

Theo ông Hiền, BQL các cảng cá cho Cty TNHH thủy sản Diễm Hưng thuê đất với diện tích 1.350m 2 với có 9 thành viên là “anh em” trong BQL góp vốn đầu tư (tổng giá trị hơn 6 tỉ đồng).

TRẦN HÓA

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc/mot-loi-hua-va-7-nam-mon-moi-cho-boi-thuong-674647.bld