Một lối đi, nhiều bài học

Một nhóm khách dự lễ hội vía Bà, khi lên đỉnh núi Sam (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) tham quan thì bị nhóm người được cho là bảo vệ của Công ty TNHH MGA Việt Nam chặn lại thu phí với mức 10.000 đồng/người. Khi bị khách phản ứng, nhóm người này cho rằng phía doanh nghiệp (DN) có đầu tư mở rộng đôi chút và lót gạch thẻ con đường này nên thu phí. Ai thắc mắc gì thì cứ xuống chân núi gặp ban giám đốc của Công ty MGA.

Công ty này có ai "chống lưng" mà bất chấp dư luận, xem thường khuyến cáo của chính quyền như chính ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Châu Đốc, nói "địa phương đã nhiều lần lên tiếng nhắc nhở Công ty MGA"?

Không chỉ riêng chuyện lối đi lên núi Bà, suốt dọc bờ biển miền Trung, ở các TP Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết... lối đi ra biển của cư dân cả chục năm qua đã bị nhiều DN xây khách sạn, resort nghỉ dưỡng, dựng hàng rào bít lối, dân phải đi đường vòng. Nhiều dự án bỏ hoang lãng phí cũng rào kín bờ biển. Dân kêu thì mặc dân kêu, các DN vẫn cát cứ cả vùng dự án.

Ngay tại TP Đà Nẵng, từ tháng 10-2015, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch các dự án ven biển, làm sao để có đường thông ra biển giữa các dự án, resort để người dân có thể tự do tắm biển. Theo ông Huỳnh Đức Thơ, TP không khuyến khích các chủ dự án xây hàng rào. Họ chỉ nên khai thác không gian bên trong, còn bên ngoài phải để cho dân sử dụng. "Mở một con đường để dân xuống tắm biển thì có gì ghê gớm đâu" - ông Thơ nói. Còn ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc đó, nêu quan điểm: "Biển Đà Nẵng thì người dân Đà Nẵng phải được quyền sử dụng". Năm 2017, ông Trương Quang Nghĩa làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu quận Liên Chiểu đề nghị chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô tháo dỡ hàng rào, trả lại lối đi cho dân. "Khi cộng đồng, nhân dân cần thì DN phải chia sẻ" - ông Nghĩa khẳng định.

Dùng dằng mãi, từ năm 2018, TP Đà Nẵng và Phan Thiết mới khai thông các lối xuống biển phục vụ cộng đồng. Câu chuyện lối đi xem ra không hề là chuyện nhỏ, nó phản ánh thực tế quan hệ DN với chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư. Tạo điều kiện cho DN đầu tư, làm ăn là việc các chính quyền địa phương nên làm, song không vì thế mà nhân nhượng cho các DN hành xử theo kiểu chỉ biết phần lợi cho mình mà o ép dân, xâm lấn quyền lợi của người dân.

Trong đầu tư, kinh doanh cũng cần tách bạch, công khai rõ ràng đâu là đầu tư thu phí, đâu là phúc lợi công cộng, đâu là công trình dân sinh. Chỉ mở rộng đường "đôi chút" rồi lập trạm, thu tiền từ khách thập phương như cách Công ty MGA làm là không đúng, trong khi đường sá có sẵn, cư dân đi lại bao đời.

Một quyền lợi dân sinh như lối đi vỡ ra nhiều bài học về quản lý và hành xử. Đó là việc gì cũng phải lấy lợi ích của dân làm trọng. Phải xem xét thấu đáo quyền lợi của dân khi ký quyết định một dự án, công trình. Cơ quan chức năng địa phương phải mạnh tay hơn nữa, không để kéo dài cả chục năm như chuyện lối đi ra biển ở miền Trung. Thấy dân mừng vì có lối đi thì phải xét lại lòng mình đã làm gì cho dân suốt chừng ấy năm?

TIẾT CAO

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/mot-loi-di-nhieu-bai-hoc-20190529214115682.htm