Một loạt địa phương siết chặt quản lý đất đai do nạn phân lô bán nền tràn lan

Tính từ đầu năm, không chỉ những thị trường lớn TP.HCM mà hàng loạt tỉnh thành đã ra công văn khẩn chấn chỉnh tình trạng bát nháo trong hoạt động phân lô, bán nền và kinh doanh bất động sản trái quy định trên địa bàn.

Tình trạng tự ý phân lô, bán nền đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương - Ảnh: Phan Diệu

Tình trạng tự ý phân lô, bán nền đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương - Ảnh: Phan Diệu

Cuối tháng 4, Thủ tướng ban hành chỉ thị 11 về một số giải pháp cải thiện, thúc đẩy thị trường bất động sản, trong đó có yêu cầu các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc giao, cho thuê đất, cấp sổ đỏ…

Mới đây, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, trường hợp có dấu hiệu lừa đảo thì cần chuyển cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật..

Theo Bộ Xây dựng, tại một số địa phương đang xảy ra tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật khác có liên quan. Đơn cử như việc doanh nghiệp triển khai chuyển nhượng đất đai, thực hiện quy hoạch và dự án kinh doanh bất động sản trái quy định.

Hay phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý… Thực trạng này gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… tình trạng phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch đã diễn ra trong nhiều năm qua. Do vậy, nhằm siết chặt tình trạng này, hàng loạt địa phương đã ra văn bản thanh tra, kiểm tra; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng, ban ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định pháp luật.

Cụ thể, mới đây, tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu các đơn vị, ban ngành chức năng liên quan khẩn trương kiểm soát tình trạng phân lô, bán nền trái phép tại một số địa phương của tỉnh này.

Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết, địa bàn tỉnh đang có tình trạng một số cá nhân, tổ chức tự đặt tên dự án cho khu đất, tự phân lô nhằm gây sự chú ý của người có nhu cầu. Nguồn gốc khu đất là đất nông nghiệp, được đối tượng nhận chuyển nhượng, sau đó tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở để chuyển nhượng cho khách hàng.Việc này dẫn đến việc khách hàng ngộ nhận đây là dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư.

Cuối tháng 7, UBND tỉnh Bình Dương giao các sở ngành nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản.

Trường hợp có dấu hiệu lừa đảo thì cần chuyển cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, triển khai các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường bất động sản và có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái quy định pháp luật.

Tại Long An, giữa tháng 7, Sở Xây dựng tỉnh này nói rằng, thời gian qua, không ít nhà đầu tư chưa thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, gây khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và quyền lợi của khách hàng.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở Xây dựng tỉnh Long An đã yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về dự án, tiến độ đầu tư xây dựng, việc sử dụng tiền ứng trước và tạo điều kiện cho khách hàng được kiểm tra thực tế tại công trình.

Còn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tình trạng san lấp mặt bằng thay đổi hiện trạng đất, phân lô, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp đang tăng về số lượng và mức độ công khai. Trước diễn biến phức tạp của việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp dựa trên "dự án ma"; UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành rà soát lại toàn bộ trường hợp đã phân lô, tách thửa có hình thành đường giao thông. Đối với trường hợp đã tách thửa nhưng chưa phù hợp với quy hoạch thì phải thực hiện quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích.

Tương tự, ở Đồng Nai, thời gian qua, dù tỉnh này đã có nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh việc tự ý tách thửa, phân lô, chuyển nhượng đất bằng giấy tay trái pháp luật, nhưng trên thực tế, vẫn còn một số địa phương chậm thực hiện và xử lý vi phạm về phân lô bán nền, xây dựng nhà ở công trình chưa triệt để. Điều này dẫn đến tình trạng thu gom, mua bán đất đai, phân lô bán nền, chuyển mục đích sử dụng đất trái luật ngày càng phức tạp. Do vậy, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định cho tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa. Thời gian tạm ngưng cho đến khi UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung.

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/mot-loat-dia-phuong-siet-chat-quan-ly-dat-dai-do-nan-phan-lo-ban-nen-tran-lan-119607.html