Một loạt các quốc gia cấm các thiết bị của Huawei

Nhà chức trách Canada đã bắt giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của công ty công nghệ Huawei. Bà là con gái của ông Nhậm Chính Phi – nhà sáng lập ra công ty khổng lồ trên.

Huawei ngày càng bị nhiều quốc gia từ chối trong mạng lưới 5G

Dưới sự lãnh đạo của ông Nhậm, Huawei đã trở thành một trong những công ty truyền thông lớn nhất thế giới và đã biến mình thành một nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu.

Tuy nhiên, sự mở rộng của Huawei từ quê hương Trung Quốc sang các nơi khác của thế giới đã khiến chính phủ các nước phương Tây lo ngại về mối quan hệ chặt chẽ của Huawei với nhà chức trách Trung Quốc, cũng như việc công ty này sẵn sàng xuất khẩu công nghệ tới các quốc gia đang bị áp lệnh trừng phạt.

Trong vài năm qua, Huawei được cho là đã lách luật trừng phạt đối với Triều Tiên và Iran để cung cấp cho những nước này thiết bị viễn thông vốn có thể dùng để theo dõi người dân, được gọi là công nghệ sử dụng kép.

Tuy nhiên, đa số những chỉ trích đều xuất hiện xung quanh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Huawei đối với truyền thông toàn cầu trong những năm tới. Công ty Trung Quốc này sẽ cung cấp công nghệ 5G không dây trên toàn thế giới.

Trước sự ra mắt của công nghệ internet có tốc độ cao hơn, một số nước đã cảnh báo việc sử dụng phần cứng của Trung Quốc vì những lý do an ninh bắt nguồn từ nghi ngờ chính phủ Trung Quốc dùng các sản phẩm của Huawei để theo dõi mọi người trên toàn thế giới.

Huawei đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới việc thu thập thông tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc.

Đến nay, đã có 4 nước chính thức tuyên bố không cho phép Huawei tham gia vào các thử nghiệm 5G.

Mỹ

Mỹ - đối thủ lớn nhất của Trung Quốc cả về mặt kinh tế cũng như thu thập thông tin tình báo – lo ngại Trung Quốc có thể tiếp cận thông tin người dùng nhạy cảm như dữ liệu vị trí và lo ngại công nghệ của Trung Quốc có thể đặt ra mối nguy hiểm cho cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.

Để ngăn chặn công ty Trung Quốc áp đảo ở Mỹ, các nghị sĩ Mỹ đã thúc giục mạng AT&T của mình xem xét lại các thương vụ tiềm năng với Huawei.

Năm 2012, Huawei và ZTE Corp – một công ty viễn thông khác của Trung Quốc – đã trở thành những đối tượng của cuộc điều tra xem xét liệu thiết bị của họ có gây ra mối đe dọa cho lợi ích của Mỹ hay không.

Báo cáo của Quốc hội Mỹ đưa ra cho rằng “Huawei không hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra và không sẵn sàng giải thích mối quan hệ của mình với chính phủ Trung Quốc hay Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi đó có bằng chứng đáng tin cậy cho rằng họ không tuân thủ luật Mỹ”.

Kể từ đó Mỹ đã thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn đồng minh sử dụng công nghệ Huaweai trong các cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là tập trung vào các nước thành viên của “Năm mắt” – một nhóm gồm các quốc gia nói tiếng Anh (Mỹ, Canada, New Zealand, Australia, Anh) có các cơ quan tình báo chia sẻ thông tin với quy mô lớn.

Mỹ cũng đã cố gắng thuyết phục các nước khác như Đức để không cho phép Huawei cung cấp công nghệ trong tương lai gần.

Australia

Trong một tuyên bố, chính phủ Australia nói rằng “các công ty có khả năng chịu sự chỉ đạo từ chính phủ nước ngoài” sẽ không còn được phép cung cấp công nghệ 5G. Điều này rõ ràng ám chỉ công ty viễn thông của Trung Quốc.

New Zealand

Tháng 11, New Zealand tuyên bố sẽ có biện pháp tương tự như Australia sau khi nhà mạng Spark yêu cầu sử sụng thiết bị Huawei cho mạng 5G.

Cơ quan tình báo của Cục an ninh truyền thông Chính phủ từ chối yêu cầu trên của Spark vì công nghệ 5G tạo ra một mối nguy lớn hơn do mạng internet di động và tính năng điện thoại di động có liên hệ với nhau.

Anh

Là thành viên quan trọng thứ 2 trong nhóm chia sẻ tình báo “Năm mắt”, Anh liên tục được các đồng minh thúc giục cấm dùng Huawei trong cơ sở hạ tầng 5G.

Đến nay Anh chưa chính thức làm việc trên, tuy nhiên chính phủ nước này đang thảo luận các biện pháp đặc biệt nên đưa ra.

Mới đây, Giám đốc cơ quan tình báo MI6 của Anh cho biết ông nghi ngờ về công ty viễn thông Huawei. Bình luận của ông được đưa ra sau một báo cáo về nước ngoài tham gia vào cơ sở hạ tầng quan trọng, theo đó Anh đã coi Huawei là một phần trong đó.

Báo cáo trên kết luận rằng mặc dù không có bằng chứng trực tiếp được phát hiện cho thấy Huawei có làm gì đó gây ảnh hưởng, nhưng có những mối nguy hiểm đáng kể khi để công ty Trung Quốc này tham gia vào các công nghệ quan trọng.

Trước khi chính phủ ra quyết định, Công ty viễn thông BT của Anh đã vừa tuyên bố không sử dụng công nghệ Huawei làm xương sống trong mạng lưới 5G sắp triển khai và sẽ bỏ các linh kiện của Huawei trong các mạng 3G, 4G hiện có.

Canada

Một quốc gia khác đang xem xét mối nguy hiểm mà công nghệ của Huawei có thể gây ra là Canada. Theo nghị sĩ Mark Warner và Marco Rubio, “mặc dù Canada có áp dụng các biện pháp an ninh viễn thông mạnh mẽ nhưng chúng tôi vẫn lo lắng rằng những biện pháp này chưa đủ so với những gì Mỹ và đồng minh biết về Huawei”.

Tuy nhiên, theo truyền thông Canada, các công ty viễn thông ở đây chưa công bố họ có cấm thiết bị Huawei hay không.

Tháng 9 vừa qua, một cơ quan tình báo về tình báo viễn thông Canada tuyên bố đang kiểm tra thiết bị của Huawei để xem có gây ra mối nguy hiểm nào cho quốc gia hay không.

Đức

Đức hiện đang sử dụng công nghệ Huawei nhưng chưa quyết định về việc này trong tương lai. Tháng trước, các quan chức cao cấp Đức cho biết họ đang có kế hoạch thuyết phục chính phủ xem xét việc loại bỏ các công ty Trung Quốc như Huawei khỏi việc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G.

“Có một mối lo ngại nghiêm trọng. Nếu được quyết định, chúng tôi sẽ làm giống như Australia đang làm” – một quan chức nói với hãng tin Reuters.

Đến nay tuy Đức chưa ra quyết định chính thức nhưng một nghị sĩ cho biết lệnh cấm có thể sắp được đưa ra.

Nhật Bản

Truyền thông địa phương cho biết chính phủ Nhật cũng sẽ cấm việc mua các thiết bị Huawei phục vụ cho cơ sở hạ tầng 5G của mình. Chính phủ Nhật Bản từ chối bình luận nhưng phát ngôn viên Yoshihide Suga của chính phủ nói rằng Nhật đã nói chuyện với Mỹ về vấn đề này.

Nhật Bản là một trong vài nước hiện đang phụ thuộc khá nhiều vào phần cứng Huawei trong các mạng lưới của mình.

Italy và Ấn Độ

Ngoài Nhật Bản, Mỹ cũng lên tiếng lo ngại về việc mua thiết bị Huawei với Italy – một nước khác đang sử dụng các sản phẩm của công ty Trung Quốc này cho cơ sở hạ tầng itnernet di động.

Tuy nhiên đến nay Italy chưa quyết định công ty nào sẽ cung cấp phần cứng mạng lưới 5G.

Hồi tháng 9, truyền thông Ấn Độ cho biết Huawei bị cấm tham gia các thử nghiệm 5G tại thị trường lớn thứ 2 thế giới này.

Hải Yến -Theo aljazeera

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/mot-loat-cac-quoc-gia-cam-cac-thiet-bi-cua-huawei-3969297-d.html