Một lễ hội 'đủ tình, đủ nghệ' của nghệ sĩ Đào Anh Khánh

Trong hai ngày 23 và 24/3/2019, mười nghìn khán giả náo nức hội tụ về Thung lũng Gầm Trời (xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), cách Hà Nội 50km để thưởng thức chương trình nghệ thuật do nghệ sĩ Đào Anh Khánh cùng hơn 250 nghệ sĩ quốc tế đến từ 27 quốc gia và 50 nghệ sĩ Việt Nam trình diễn.

Lễ hội "Đáo Xuân Chín" được tổ chức với quy mô lớn trên sáu sân khấu ở các chủ đề: Chinh phục, Hạt của Chúa, Hoa trời, Giấc mơ, Ngựa trời, Thần bí được trình diễn bởi đội hình nghệ sĩ quy mô chưa từng thấy tại Việt Nam với một loạt các âm nhạc thử nghiệm và đương đại, nghệ thuật chuyển động, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, thơ, điện ảnh và hơn thế nữa...

Các sân khấu được đặt trên sườn núi, bên bờ suối, giữa rừng mơ, rừng tre, giữa sắc đỏ của hàng trăm cây gạo, sắc trắng của cây trầu... Chương trình là sự giao thoa giữa cái hoang sơ của thiên nhiên với sự sắp đặt của người nghệ sĩ, giữa âm thanh, ánh sáng..., một trải nghiệm độc đáo cho cả nghệ sĩ và người xem. Khán giả vừa thưởng thức, vừa là một phần của lễ hội, họ không chỉ đứng hay ngồi mà còn có thể "nằm" xem các nghệ sỹ trình diễn. Không một nguyên tắc nào được đặt ra đối với những người đến xem chương trình.

Từ đầu giờ chiều đến hoàng hôn và nửa đêm, khán giả được sống trong một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, huyền ảo. Các nghệ sĩ với phong cách biểu diễn mới mẻ, phá cách, đem đến cho khán giả những khoảnh khắc trải nghiệm khó quên.

Đông đáo khán giả đến với lễ hội “Đáo xuân Chín”.

Đông đáo khán giả đến với lễ hội “Đáo xuân Chín”.

Nghệ sĩ Harley Davison và Opera mang đến thung lũng gầm trời những âm thanh du dương của violin. Katsura Yamauchi và Frog.W thì biểu diễn những bản piano kinh điển bên bờ suối. Nghệ sĩ Đào An Khánh cùng màn trình diễn sở trường của mình bằng ngôn ngữ hình thể. Ban nhạc Ngũ Cung và các nghệ sĩ quốc tế thổi bùng sân khấu bằng những giai điệu sôi động, tươi trẻ.

Ca sĩ Tùng Dương cũng phiêu lãng trong gió núi Gầm Trời với "Phù Vân Yên Tử"… 150 nông dân thuần túy của xã tham gia biểu diễn, họ kết hợp với các diễn viên múa của Việt Nam và thế giới trình diễn quanh sân khấu chính.

Điểm nhấn của "Đáo Xuân Chín" là 3 tác phẩm điêu khắc gần sân khấu chính có tên Chinh phục. Đây là các tác phẩm điêu khắc đều có nốt nhạc, mang âm hưởng của âm nhạc, có sự sinh sôi, hạt sự sống... vào nửa đêm câu chuyện về sự vận động của mầm sống được dẫn dắt bởi màn trình diễn video art đầy ma lực. Những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt phồn thực, gợi cảm, giao hòa đất trời được trưng bày độc và lạ đúng như phong cách của Đào An Khánh. Nhiều người khi nhìn các tác phẩm này đều cảm thấy e ngại về độ mạnh bạo của Đào Anh Khánh.

Bắt đầu từ năm 1999, khi Đào Anh Khánh muốn làm một "cái gì đó thật khác thường mà vẫn là anh" để chào đón thiên niên kỷ thứ ba, một chuyến "du hành vào vũ trụ" cuối năm đó với lửa, âm nhạc điện tử, những thanh âm hú hét hoang dã như vọng từ ngàn xưa. Hàng ngàn khán giả đã chen chân xem anh, dân chúng quanh khu nhà sàn của anh ở phường Ngọc Thụy, Gia Lâm (Hà Nội) thì trèo cả lên sân thượng, tường nhà để ngóng xem và bàn tán sôi nổi.

Qua nhiều năm, chương trình trở thành điểm hẹn cho các nghệ sĩ đương đại trong nước và một số nghệ sĩ quốc tế. "Đáo xuân" đã gây tiếng vang không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số nước trên thế giới với cách tổ chức độc đáo từ sân khấu đến các màn trình diễn. Bản thân anh cũng được thế giới công nhận như người tiên phong thoát mình khỏi những rào cản truyền thống, kiểu cách cũ.

Với thế giới quan phong phú, Đào Anh Khánh luôn kiếm tìm điểm cực hạn của tĩnh và động trong tâm hồn qua mỗi lần làm mới năng lượng nghệ thuật của mình. Anh cảm nhận được giai điệu đời cuốn hút từ cả những cơn biển động, bão giông. Có thể nhận định, Đào Anh Khánh là một nhà hoạt động môi trường, nhà điêu khắc, nghệ sĩ trình diễn, nhạc sĩ và họa sĩ với các tác phẩm sơn mài trên chất liệu vải và gỗ.

Lễ hội Đáo Xuân sẽ là năm "Chín". Anh đã luôn đau đáu về một lễ hội đủ "tình", đủ "nghệ" để gắn kết một cộng đồng lớn những tâm hồn yêu nghệ thuật. 9 năm cho một chữ "Chín", anh đã mơ về khung cảnh thật tình của một biển người kề bên nhau hân hoan tri ân chữ "Tình", chữ "Nghệ" và Thiên nhiên đời đời.

Đây cũng là chương trình nghệ thuật khai trương công viên nghệ thuật của riêng nghệ sĩ Đào Anh Khánh, mở màn cho chuỗi những sự kiện của dự án nghệ thuật tại Thung lũng Gầm Trời. Nghệ sĩ cho biết: "Đáo xuân chín" là chương trình cuối cùng anh tổ chức, nó là lời chia tay ngọt ngào và anh - người nghệ sĩ ở tuổi 60 xanh sẽ chỉ còn đắm đuối với hội họa.

Thung lũng Gầm Trời là mảnh đất rộng 50 ha nằm trọn trong một thung lũng rộng lớn, bao quanh là năm đỉnh núi đá, những ngọn đồi và nhiều thung lũng lân cận. Hơn 20 năm về trước, thậm chí còn không có một lối đi nào từ mảnh đất đồi hoang vu này tới các tuyến đường chính ở Lam Sơn. Nghệ sĩ đã phải lòng với thung lũng ấy và mua lại nó. Kể từ đó, nghệ sĩ họ Đào đã làm đường, mắc lưới điện và thiết lập hệ thống cấp thoát nước, thổi một làn gió mới vào mảnh đất hoang vu này.

Ca sĩ Tùng Dương và Nghệ sĩ Đào Anh Khánh biểu diễn trong lễ hội “Đáo xuân Chín”.

Năm 2012, Đào Anh Khánh bắt đầu xây dựng bốn tác phẩm điêu khắc hình trụ với chiều cao 35m và đường kính 4,5m, được gọi là "The Conquer" (Chinh phục), cũng là cột mốc đầu tiên trong dự án nghệ thuật nói trên. Các tác phẩm điêu khắc thẳng đứng, hướng lên bầu trời, phơi bày mối liên kết mạnh mẽ giữa loài người và vũ trụ, giữa trời và đất. Những bức tượng là một biểu tượng cho cái "ngông" của Đào Anh Khánh.

Cho đến nay, bốn tác phẩm điêu khắc đã được xây dựng, tất cả đều có chiều cao 30 mét. Một trong số đó mở cửa cho khách nghỉ lại qua đêm. Ba năm tiếp đó, nhà họ Đào đã hoàn tất xây dựng một khu nhà sàn hoàn chỉnh với phòng tắm, nhà bếp và khu vực ngủ nghỉ.

Ngay bên ngoài nhà sàn chính là sân khấu bể bơi ngoài trời rộng 500 mét vuông. Công trình đồ sộ này vừa phục vụ nhu cầu thư giãn, vừa phục vụ các buổi trình diễn nghệ thuật hay hòa nhạc ngoài trời. Ở khu vực suối Bướm gần đó, Đào Anh Khánh còn cho xây một ngôi đền tình yêu để tôn thờ tình yêu theo đúng nghĩa vốn có của nó.

"Trời trong đất" sẽ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mà còn là khán đài khổng lồ với quy mô lên tới 500 khán thính giả. Sân khấu với mái vòm kính, ẩn bên trong là tác phẩm điêu khắc động cùng ánh sáng cường độ cao và sự kết hợp của hàng chục bức tượng cao 20m trải xung quanh, tạo hiệu ứng kì ảo, hứa hẹn là khán đài đặc biệt mang đến cho các nghệ sĩ cơ hội và cảm hứng để trình diễn. Phòng trưng bày nghệ thuật rộng 300 mét vuông, trưng bày những bức họa đầy lôi cuốn trên chất liệu acrylic và sơn mài của Đào Anh Khánh...

Đây sẽ là Thung lũng Nghệ thuật đầu tiên ở Đông Nam Á, nơi khán giả có thể tận hưởng miễn phí sự kết hợp giữa nghệ thuật và thiên nhiên. Nơi đây sẽ trở thành điểm kết nối, mang mọi cá nhân yêu cái đẹp lại gần nhau hơn thông qua các tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, các màn trình diễn đặc sắc giữa bối cảnh thiên nhiên hoang sơ. Mỗi ngóc ngách của thung lũng sẽ được sử dụng như một không gian, một bề mặt, một bức tranh nghệ thuật. Cho dù đó là nghệ thuật thị giác, sắp đặt hay trình diễn, tất cả sẽ đều được hoan nghênh thể hiện tại thung lũng này.

Cho tới nay, hàng trăm cá nhân đã tham gia vào dự án này, và con số ấy sẽ còn tiếp tục tăng lên trong tương lai. Đây chính là ước mơ lớn của Đào Anh Khánh, mở ra một không gian của nghệ thuật, một không gian mà mọi nghệ sĩ có thể đưa cảm hứng sáng tạo của chính mình vượt mọi giới hạn tới với cộng đồng.

Tường Hương

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/mot-le-hoi-du-tinh-du-nghe-cua-nghe-si-dao-anh-khanh-538479/